Trong khi ở một số nơi trên thế giới đã thực hiện việc an táng sinh thái, hỏa táng, thay vì chôn cất sau đó lại cải táng, thì vẫn có ý kiến cho rằng cách thức tổ chức tang ma của người Việt cần phải được giữ nguyên bởi đó là phong tục truyền thống, cũng là nét văn hóa của người Việt từ xưa đến nay. Xung quanh câu chuyện nên bỏ hay giữ cải táng, Báo PLVN đã trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu, chức sắc tu hành để có góc nhìn đa chiều xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông Nguyễn Hùng Vĩ, thời gian gần đây, dư luận và một số nhà văn hóa nêu ý kiến về tập tục bốc mộ, vậy ông có thể cho biết, tập tục này có từ khi nào, ý nghĩa và nguồn gốc?
- Tục cải táng, tuy đã thành một tập tục phổ biến và tồn tại lâu dài của người Kinh như một truyền thống cố hữu rồi nhưng đó không phải là một truyền thống đẹp. Nó là ngoại lai. Trong nhiều ý kiến về nguồn gốc của tập tục này, tôi cho rằng, nhìn nhận theo cách này là là hữu lý hơn cả.
Trước hết, nó là những tập tục của một bộ phận người Hoa lưu vong, di thực xuống phương Nam trong trường kỳ lịch sử, cụ thể người ta gọi đó là người Khách gia: một bộ phận người Hán cổ xưa, những gia đình, gia tộc là lưu dân từ phương Bắc xuống phương Nam. Khảo cổ học thời kỳ văn hóa Đông Sơn chưa phát hiện tập tục cải táng này. Bộ phận người Hán này di thực xuống phương Nam do bất ổn, loạn lạc và cũng do chiến tranh xâm lược trong quá khứ. Có nhiều đợt di dân lớn đáng để ý.
Nhà Tấn (265 – 420) có hàng vạn người và có chính sách thực dân hẳn hoi. Câu “tam nam bất phú, ngũ nữ bất bần” xuất hiện trong chính sách di thực này, còn lại đến nay. Nhà sinh ba con trai thì hai đứa phải đi lính nghĩa vụ, nhà sinh năm con gái thì nhà nước cho tiền bạc, ruộng đất khi trưng dụng hai đứa xuôi Nam để theo lính, thành lập gia đình Khách gia.
Đời Đường (608 – 907) các đợt xâm lăng và di dân càng nhiều hơn, phủ gần kín Bắc bộ và lập An Nam đô hộ phủ. Đời Tống (960 – 1279), khi loạn lạc, lưu dân tràn xuống rất nhiều. Phong tục Hán thờ gia tiên rất nặng nề. Bố mẹ ở đâu, chôn đâu thì chắc chắn con phải ở đó để chăm sóc mồ mả, cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trong tình trạng lưu tán do chiến tranh loạn lạc, khi không ở đất cũ, gọi là cố hương được, người ta, để thể hiện hiếu đạo, có một ứng xử bất thường là phải đào mộ lên, đem xương cốt đi theo đến vùng đất mới táng lại để thờ tự, chăm sóc.
Dấu tích thời nhà Đường còn để lại rất rõ trên một di vật khảo cổ học độc đáo là hũ gốm có 4 đến 6 tai để xỏ dây treo. Những chiếc hũ này được phát hiện rộng khắp các vùng cửa sông như sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Gianh… Được chôn thành dãy, trong hũ còn dấu vết xương người. Đó là hài cốt tổ nả mà người Khách gia đã cho xuống thuyền xuôi Nam khi lưu tán. Lâu dần thành tục cải táng vì phải luôn sẵn sàng cho các cuộc chạy loạn. Cải táng thường chôn nông, dễ đào. Chiếc tiểu sành ra đời thay cho cái hũ, nhưng vẫn giữ dấu vết các dãy lỗ để xỏ dây.
Mặt khác, với tâm lý “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, người ta cũng cải táng để khi cần, lại đem về táng ở “quê cha đất tổ”. Tài liệu từ đời Trần để lại, các thế hệ dòng họ này vẫn di chúc khi mất, về chôn ở phương Bắc. Người ta cải táng vốn là dành cho việc vận chuyển tiện lợi. Lâu ngày thành tục và người ta học theo nhau, thực hành mà quên gốc gác rất thực tế đó đi. Dẫn đến việc mê tín, bói toán, cúng quải, cỗ bàn, công sá… vô cùng phiền phức, tốn kém và mất vệ sinh. Bỏ việc này đi là thực hành bài trừ được một thành phần mê tín sai lầm.
* Ông có cho rằng, trong thời buổi khan hiếm đất đai và vấn đề môi trường, tập tục này có nên bỏ. Xét về tâm linh, bỏ tập tục này thì có ảnh hưởng gì không?
- Tôi có ba kỷ niệm về vấn đền này: Thứ nhất, cách nay 20 năm, Sở Công nghệ và Môi trường Thái Bình có một tính toán đáng lưu ý. Nếu cứ mỗi người chết, có mộ cát táng là 1,2 mét vuông, thì tính đến năm 2150, cả tỉnh Thái Bình hết sạch đất đai, nó là một nghĩa trang rộng lớn.
Đó là tính diện tích mộ khiêm tốn nhất và đã tính đến cả việc biển bồi một cách tự nhiên, còn biển tiến thì không biết thế nào. Môi trường nằm ở đó, chưa kể là vệ sinh phòng dịch khi bốc mộ. Thứ hai, cuối thế kỷ trước, các lão thành cách mạng ở miền trung thường di chúc là chôn một lần, mộ gắn xi măng chặt. Nhưng rồi được dăm mười năm, do con cháu tin thầy cúng thầy bói, nơi thì do quy hoạch công trình dân dụng, thế là lại đào lên, táng lại. Khó khăn, tốn kém.
Vô thường (ảnh internet) |
Thứ ba là có ông anh làm lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, sang Đông Anh tuyên truyền về đúng việc này. Mọi người lắng nghe chăm chú. Tan cuộc, các bô lão ra hành lang túm tay áo nói: “Bác nói thật hay, thật có lợi, thật văn minh… nhưng bác nên về góp ý các ông to bà lớn làm trước đi là dân theo ngay. Không đâu dễ như dân ta đâu, cứ đảng viên đi trước, thì làng nước sẽ theo sau ào ào”.
Đúng là không đâu dễ như dân ta… Nhưng… Một tập tục đã tồn tại lâu đời và đã có hệ lụy lâu đời thì việc cải biến đi cũng khó. Nhưng không phải không làm được. Nhưng dần dần rồi sẽ làm được. Tôi đã được mời đọc một di chúc của một vị trí thức, ông dặn con cháu hỏa táng, tro rải xuống sông Hồng, một ít tro cho vào chiếc lọ bạc nhỏ, chạm khắc, có giá một triệu hai trăm nghìn đồng, bỏ lên bàn thờ mà thờ tự, bố sẽ luôn luôn phù hộ cho con cháu.
Họ đã làm như vậy và rất ổn. Một số nghĩa trang như ở Thạch Bàn, người ta xây những bức tường đứng, có hốc để bỏ tro cốt, bia và ảnh, sạch sẽ, lịch sự, tiết kiệm đất đai. Các cụ quần tụ ở đó có mình có ta, sum vầy ấm cúng. Đó là một điều rất nên. Nơi khác, người ta gửi chùa chiền…
Trên thực tế, nhiều vùng đã làm tốt. Tôi cũng đã dặn cháu con, sau này chỉ cần dành cho tôi một chỗ đúng bằng nửa trang báo thôi trong nghĩa trang khiêm tốn 35 mét vuông của toàn gia (dù quê tôi đất đồi mênh mông). Và tương lai, tôi nghĩ người ta nên có cách táng người thân bằng một trang mạng thiêng liêng, kính cẩn, lưu giữ hình ảnh và thể hiện tâm hồn thành kính của mình lên đó. Video clip rồi sẽ thành một kỹ năng cho tất cả mọi người.
* Có người còn cho rằng tục cải táng là vấn đề thuộc về phạm trù tâm linh nên khó thay đổi. Ông quan niệm vấn đề này như thế nào?
- “Tâm linh” là một khái niệm rất khó và với xã hội Việt Nam hiện nay, nó đang bị một số người lạm dụng, trục lợi để buôn thần bán thánh. Tôi ít dùng khái niệm này để bao hàm cho tự do tín ngưỡng. Tôi chỉ nghĩ, làm cha làm mẹ, làm ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia thì bao giờ cũng rộng lượng, cũng có tấm lòng phù hộ cho con cái sống tử tế, làm ăn phát đạt, quan hệ trong một xã hội văn minh và hạnh phúc. Mình thờ tự, giỗ chạp, giữ gìn kỷ niệm một các thành tâm là sẽ được phúc đức dõi truyền.
Năm ngoái tôi đi Chiềng Mai - Thái Lan, được nghe một tỉnh trưởng đàm luận. Ông nói, thành phố vừa ra luật là trong nội thành, không ai được phép xây nhà cao quá 4 tầng với chiều cao là x…Những công trình đã xây cũ vượt chiều cao được phép tồn tại, không phải đập của ai. Và tất cả đã tuân thủ vì đó là luật pháp. Dù khó khăn nhưng nếu chúng ta có cách, chúng ta vẫn có thể dần dần cải biến được, vì đây là điều sẽ dần hợp lòng dân và rất nên làm.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!