"Nhà nước giảm chi tiêu vẫn không cắt kinh phí chương trình xã hội"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng khẳng định, dù bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, Nhà nước có thể cắt giảm chi tiêu, nhưng không cắt giảm kinh phí cho các chương trình xã hội, mà ngược lại, luôn cố gắng đảm bảo kinh phí cho các chương trình này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng khẳng định, dù bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, Nhà nước có thể cắt giảm chi tiêu, nhưng không cắt giảm kinh phí cho các chương trình xã hội, mà ngược lại, luôn cố gắng đảm bảo kinh phí cho các chương trình này.

Một hộ nghèo làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng chính sách
Những kết quả đáng ghi nhận
Có thể nói, ít có một chính sách nào lại nhanh chóng đi vào cuộc sống như chính sách tín dụng học sinh sinh viên (HSSV), được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát và quyết liệt, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, đảm bảo thực hiện chủ trương của Chính phủ “không để một HSSV nào đỗ đại học, cao đẳng phải bỏ học vì khó khăn về tài chính”. Chương trình đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên ngập lũ, điều kiện kinh tế khó khăn. 
Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), tổng dư nợ của Chương trình tín dụng HSSV đến thời điểm hoàn thành giải ngân đối với HSSV học kỳ II năm học 2011 - 2012 (30/6/2012) đạt 34.986 tỷ đồng, với 2.299.807 HSSV được thụ hưởng, số hộ gia đình còn dư nợ là 1.880.125 hộ. Doanh số cho vay từ khi thực hiện Quyết định 157 (năm 2007) đến 30/6/2012 là 39.576 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 4.888 tỷ đồng. 
Một chương trình an sinh xã hội khác cũng tạo được những hiệu quả đáng kể là Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg.  
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước ước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chương trình này là hơn 27.500 tỷ đồng.

Hai chương trình trên thể hiện một phần những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Quan tâm sâu sát đến lao động, việc làm và an sinh xã hội là chủ trương đầy tính nhân bản của Đảng và Chính phủ, được khẳng định mạnh mẽ qua phát biếu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong diễn văn khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEM về Lao động-Việc làm lần thứ 4 với chủ đề: "Việc làm-An sinh xã hội: Chìa khóa để phát triển bền vững và toàn diện” tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 25 và 26/10 vừa qua: “Là nước chủ nhà của hội nghị quan trọng này, chúng tôi đánh giá cao các sáng kiến của ASEM trong việc thúc đẩy hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ kỹ năng, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội để phát triển bền vững và toàn diện.

Trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác hiệu quả hơn nữa, đẩy mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách cũng như các bài học điển hình theo hướng: hỗ trợ xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và an sinh xã hội…”.

Quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ
Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, 9 tháng đầu năm 2012, số lao động có việc làm tăng 0,27% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 70,6% kế hoạch năm 2012.  
Ngoài  ra chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau thời gian tổ chức thực hiện tốt vận hành đi vào cuộc sống đã góp phần giảm bớt khó khăn đáng kể, và giúp người lao động có điều kiện tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống. Tính đến hết tháng 8/2012, tổng số lao động tham gia BHXH là 10,34 triệu người, trong đó: BHXH tự nguyện là 127,95 nghìn người; BHXH bắt buộc là 10,22 triệu người, chiếm khoảng 80% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước. 
Trước tình hình thiên tai, bão lụt diễn biến phức tạp, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thiệt hại, đặc biệt là tình trạng thiếu đói giáp hạt, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tính đến nay đã có hơn 2 triệu người thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đã được trợ cấp xã hội thường xuyên, trong đó có hơn 40 ngàn người được tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội….
Khi đồng ý việc tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2011 – 2015 (gọi tắt là Chương trình 167 giai đoạn 2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, nhà nước có thể cắt giảm chi tiêu, nhưng không cắt giảm kinh phí cho các chương trình xã hội, mà ngược lại, còn luôn cố gắng đảm bảo kinh phí cho các chương trình này. “3 năm qua, có 500.000 hộ nghèo có nhà mới kiên cố. Trong 3 năm nữa, thực hiện giai đoạn 2 Chương trình 167, sẽ có 500.000 hộ nghèo, hộ chính sách có nhà tốt hơn”, Thủ tướng nói. “Đó là những niềm hạnh phúc cụ thể mà Nhà nước mong muốn đem đến cho người dân”.
Quyết tâm của Chính phủ được thể hiện cụ thể qua chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015: Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước ứơc tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Theo các số liệu đã được công bố, tổng kinh phí thực hiện chương trình này là hơn 27.500 tỷ đồng và đây là lần đầu tiên Việt Nam có được một chương trình tổng thể về giảm nghèo trong ba năm. 
Đánh giá về Chương trình mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, chia sẻ: “Trong thập kỷ qua, tiến trình giảm nghèo của Việt Nam được ghi nhận đáng kể trên thế giới. Tuy nhiên, với thời điểm bây giờ, khi kinh tế đi xuống, nhiều vấn đề phát sinh hay nhiều dạng nghèo phát sinh ở khu vực thành thị, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Chúng tôi xin chúc mừng chính phủ Việt Nam vừa đưa ra Chương trình mục tiêu quốc gia để giảm nghèo cũng như đặt mục tiêu giảm phát trong thời gian tới”.
Ph.D. Nguyễn

Đọc thêm