Nhà ở xã hội - phải nhận ra yếu kém mới khắc phục được

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tuần qua, kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội 15 có nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh được nêu ra, trong đó có nhà ở xã hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khi tổng hết hơn 2 ngày chất vấn có nêu vấn đề, cần có chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người có công, các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định. Bổ sung các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Phải “an cư mới lạc nghiệp”. Nhu cầu lao động ở các đô thị, nhất là các khu công nghiệp là rất lớn; nên vấn đề nhà xã hội cho thuê, thuê mua là nội dung mới, đang được người lao động quan tâm.

Câu chuyện đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng cân bằng, tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; trở thành vấn đề bức bách. Quốc hội yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm các thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển, xây dựng các dự án nhà ở, bất động sản, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tăng nguồn cung cho thị trường.

Cũng tại Kỳ họp này, khi chất vấn Thủ tướng, có đại biểu nêu vấn đề: Nghị quyết 11 gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân; gói 15 nghìn tỷ cho công nhân vay mua nhà qua Ngân hàng Chính sách. Như vậy, chỉ trong Nghị quyết 11 đã có 2 hỗ trợ mà đích và người thụ hưởng là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công nhân lao động. Đáng tiếc, cả 2 gói hỗ trợ này giải ngân thấp do doanh nghiệp vướng, công nhân thì không có nhu cầu nhiều.

Ở đây cho thấy hai vấn đề về thủ tục hành chính và tâm lý “sở hữu” của người có nhu cầu về nhà. Tức là, “cho thuê” và “thuê mua” đang hết sức xa lạ với tâm lý phổ biến của người Việt Nam.

Rất ít doanh nghiệp khi chuẩn bị đầu tư, đã bắt tay xây nhà ở cho công nhân với đủ điều kiện ăn, ở, nước nóng, lạnh và thể thao cho công nhân như Formosa Hà Tĩnh. Có điều nghịch lý là lượng công nhân lao động có nhu cầu thuê nhà do người dân bỏ tiền xây, nhu cầu rất lớn (thống kê cả nước có khoảng trên 100 nghìn hộ gia đình, cá nhân xây nhà cho công nhân thuê, riêng Bắc Ninh có gần 8 nghìn).

Như vậy ở đây không còn là vấn đề “tâm lý” nữa và do cách thức tổ chức nhà ở xã hội của các doanh nghiệp kinh doanh nhà cho thuê. Cần phải nhận ra yếu kém mới khắc phục được.

Đọc thêm