Vì thế, Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 48) về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai cho vay như là chiếc “chìa khóa” giúp các hộ nghèo có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Chính sách hợp lòng dân
Hương Khê là một trong 3 huyện của tỉnh Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng mạnh nhất của những cơn bão. Mỗi lần bão đi qua thì toàn huyện có 21/21 xã ngập trong biển nước, kéo theo nhiều nhà dân bị nước cuốn trôi, một số công trình hư hỏng nặng và nhiều thiệt hại về tài sản, lương thực và hoa màu. Hàng năm địa phương này thường xuyên phải đối mặt với ngập lụt sâu.
Chính vì vậy, đối phó với bão lũ là một trong những thách thức lớn của người dân địa phương. Mỗi khi lũ về người dân Hương Khê nói riêng và các tỉnh miền Trung luôn lo lắng, thấp thỏm về những thiệt hại, mất mát có thể đến với mình.
Giờ đây, nỗi lo bão lũ cũng đã giảm bớt khi chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây nhà tránh lũ cho người dân tại 13 tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) được triển khai thực hiện.
Là một trong những hộ dân thuộc diện được hưởng chính sách, ông Bùi Đình Thanh, ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói: “Nếu không có sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự chung tay góp sức của cộng đồng thì dân nghèo như tôi và những người dân ở đây không có được ngôi nhà tránh lũ để từ đó giúp cuộc sống ổn định”.
Quyết định 48 ra đời thực sự có ý nghĩa đối với bà con miền bão, giúp giấc mơ của người dân nghèo về một ngôi nhà vững chãi trong bão lũ trở thành hiện thực. Chương trình được thực hiện với mục tiêu trọng tâm là: Hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được căn nhà tránh bão lũ, cụ thể: Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương 12-14-16 triệu đồng/hộ tùy theo đơn vị hành chính; vay vốn NHCSXH tối đa 15 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm với thời hạn 10 năm, trong đó thời gian ân hạn 5 năm.
Sau hơn 1 năm, trên 8.400 hộ được vay vốn làm chòi tránh lũ
Đến giờ ông Đoàn Đại Thêm, ở thôn Dương Nổ Cồn, xã Phú Dương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những cơn lũ khiến bao nhiêu tài sản của gia đình ông trong phút chốc bị lũ cuốn.
Từ năm 2015 đến nay thì gia đình không phải lo nữa, bởi gia đình ông đã được Nhà nước hỗ trợ, vay NHCSXH 15 triệu đồng và một phần tiền của gia đình tích góp xây ngôi nhà chống lũ này. Giờ thì tất cả đồ đạc quan trọng được đưa lên gác tránh lũ. Nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cũng được chuẩn bị sẵn sàng.
“Hồi chưa có nhà tránh lũ, mỗi khi mưa lũ về là cực lắm. Giờ có lụt thì cũng không lo nữa. Đồ đạc dọn hết lên trên gác cao. Còn heo, bò, gà thì đưa lên trên đồi hoặc mang đi chỗ khác” - ông Thêm phấn khởi nói.
Xã Phú Dương, huyện Phú Vang nằm trong vùng rốn lũ, chính vì vậy đây là địa phương bị thiệt hại nặng nề mỗi khi mưa lũ về. Bà Lê Thị Thu Hằng - Chủ tịch UBND xã Phú Dương, huyện Phú Vang cho biết: “Phú Dương cũng là một trong những vùng rốn lũ. Hầu như cơn lũ nào thì địa phương cũng bị ngập chìm trong nước. Từ khi triển khai xây dựng nhà tránh lũ, người dân trong xã rất yên tâm. Bởi nhà tránh lũ không chỉ giúp cho dân đảm đảm an toàn tính mạng mà giúp người dân bảo quản được tài sản của mình”.
Là đơn vị thực hiện cấp tín dụng cho chương trình tính từ khi bắt đầu triển khai 5/2015 đến nay NHCSXH cho vay được trên 8.400 hộ với số tiền trên gần 127 tỉ đồng; dư nợ đến hết tháng 8/2016 của chương trình đạt 133,116 tỉ đồng/9.102 khách hàng còn dư nợ.
Có thể nói, những chính sách về nhà ở giúp dân vùng thường xuyên bị ngập lũ, lụt đã mang lại những kết quả rõ rệt. Đó là người dân đã yên tâm có nhà ở an toàn, ổn định từ đó đã yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo; giúp dân an cư lạc nghiệp, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu đã và đang tác động, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đến cuộc sống của người dân. Đồng bào nơi thường xuyên xảy ra thiên tai luôn luôn phải hứng chịu những khó khăn không thể đoán trước. Để thực sự giúp họ đứng vững rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, sự chung tay giúp đỡ của xã hội trong huy động nguồn lực thực hiện chương trình giúp người dân khắc phục và khai thác để chung sống với lũ đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển bền vững.