Được coi là ngọn núi tổ của nước Nam, gắn liền với truyền thuyết về Thánh Tản Viên - một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng của người Việt, dãy núi quanh năm mây phủ này còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn, trong đó, có Nhà tù chính trị từ thời Pháp với những dấu vết xiềng xích... Ngót nghét một thế kỷ trôi qua, vẫn còn đó giữa đại ngàn chuyện về những người tù thà chết chứ không cam đời nô lệ.
Khu giam giữ tù nhân. |
Côn Đảo trên đỉnh Tản Viên
Tôi đã có dịp đến thăm đến hai nhà tù nổi tiếng nhất trong lịch sử đấu tranh giữ nước của Việt Nam là Nhà tù Phú Quốc và Nhà tù Côn Đảo. Ngoài những cảm nhận tự hào, kính phục và cả nỗi niềm đau xót trước những hy sinh, mất mát của các bậc cha anh, điều mà bất kỳ ai cũng có thể thấy, thậm chí còn giật mình vì nó, là sự lạnh lẽo của chốn lao tù. Sự lạnh lẽo xuất phát từ việc làm ác thấu trời xanh, từ những hy sinh tức tưởi, từ những đau thương đã vượt qua mọi ranh giới của cảm xúc… như quẩn theo từng bước chân, ám chặt vào tri giác, xúc giác, bóp nghẹt con tim của mỗi người.
Nhưng, khi đã gạt rừng, lội suối để đến Nhà tù chính trị trên đỉnh Ba Vì, thì tôi mới biết cảm giác đó dù thật khó quên, nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu. Bởi nơi đây, không khí âm u của rừng xanh núi thẳm, của thâm sơn cùng cốc đã làm cho sự lạnh lẽo đó như đông đặc lại, như có hình hài, làm tôi như cảm thấy có người đi theo sau lưng mình suốt chặng hành trình…
Gần một thế kỷ trôi qua, những bức tường đều đã rêu phong đổ nát nhưng Nhà tù chính trị vẫn như đang kể lại câu chuyện của mình. Rằng ít ai ngờ cách đây đến gần trăm năm, nơi này đã trở thành địa ngục trần gian. Được thực dân Pháp xây dựng kiên cố từ những năm 30 của thế kỷ trước tại sườn Tây đỉnh Tản viên, ở độ cao nghìn mét, Nhà tù chính trị là nơi giam cầm bí mật các nhà cộng sản yêu nước chống lại chế độ thực dân. Với diện tích khoảng 2.500m2, Nhà tù chính trị chia 3 khu: khu 1 là nơi ở cho cai tù; khu 2, khu 3 là nơi giam giữ tù nhân.
Dấu chân thời gian đã phong hóa gạch đá, cảnh quan, nhưng vẫn còn đó những chiếc cối đá lớn có đường kính gần 4m dùng để tra tấn phạm nhân, vẫn còn đó những bệ đá với dấu ấn của xiềng xích, gông cùm… Theo ước đoán, Nhà tù chính trị trên đỉnh Ba Vì có sức chứa 100-200 phạm nhân. Như vậy, giữa rừng núi Ba Vì từng có hàng trăm cuộc đời bị hành hạ, tra tấn. Để bây giờ đã ngót nghét một thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn như nghe trong tiếng lá, tiếng suối giữa rừng sâu đại ngàn câu chuyện bất khuất của những người tù thà chết chứ không cam đời nô lệ.
Đứng giữa hai dãy nhà tù đổ nát tại khu 3, nhìn những bệ đá tôi bỗng rùng mình nhớ lại những bệ đá dài ngút mắt trong các “banh” của các nhà tù ở Côn Đảo. Trên những bệ đá đó, biết bao anh hùng đã truyền cho nhau tình yêu đất nước, dân tộc để dũng cảm đấu tranh, biết bao liệt sĩ đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội vì đòn roi tra tấn, bệnh tật, đói khát.
Người Pháp vốn tinh tế trong kiến trúc, cảnh quan, nên xây nhà tù cũng đẹp(!). Thế nhưng, ẩn giấu dưới cái đẹp của khuôn viên hoa giấy, bàng xanh nơi Côn Đảo, của núi rừng khí hậu nghỉ dưỡng mát lành trên đỉnh Ba Vì, là cái ác của kẻ xâm lăng, đang tâm tước đoạt tự do của những dân tộc bình đẳng.
Cối xay đường kính 4m ở khu vực nhà tù |
Tìm lại lịch sử, tri ân anh hùng
Theo ông Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường của Vườn quốc gia Ba Vì, khu vực núi Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Nam gồm ba đỉnh nổi lên giữa đồng bằng Bắc bộ, đỉnh cao nhất là đỉnh Vua, cao 1.296m.
Đỉnh giữa là đỉnh Tản Viên, cao 1.227m, đỉnh thứ ba là đỉnh Ngọc Hoa, cao 1.131m. Với địa hình, địa mạo độc đáo của mình, ngay từ những nửa đầu thế kỷ trước, núi Ba Vì đã được người Pháp để mắt tới. Trong báo cáo ngày 30/8/1942 của Công sứ tỉnh Sơn Tây Fucat gửi Thống sứ Bắc Kỳ về dự án quy hoạch khu núi Ba Vì đã đánh giá: “…khu núi Ba Vì sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng mang lợi ích cao hơn Tam Đảo…” .
Do vậy, từ những năm 1932 – 1944 người Pháp đã cho xây dựng nhiều công trình vùng núi Ba Vì như: nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí, nhà thờ, cô nhi viện, trại hè, trường thanh niên, các căn cứ quân sự…Nhưng ít ai ngờ cũng chính tại nơi thiên đường địa giới này một nhà tù chính trị bí mật cũng đã được xây dựng để trở thành địa ngục chốn trần gian giam cầm những người tù cách mạng.
“Khi phát hiện ra khu vực nhà tù chúng tôi chúng tôi rất sững sờ vì quy mô tương đối bề thế của nó, vì địa thế hiểm trở nằm sâu trong rừng núi nơi thâm sơn cùng cốc. Nhưng điều đang lòng nhất có lẽ là do nó nằm trong khu vực được người Pháp xem như nơi nghỉ dưỡng (cùng với việc phát hiện ra Nhà tù chính trị, khu trại hè dành cho con em quan chức, sĩ quan Pháp cũng được tìm thấy)”, ông Thế cho biết. Tôi hiểu những suy nghĩ của ông Thế, vì đã chứng kiến những Sở Muối, Sở Vôi, khu Chuồng Bò, Hầm xay lúa… ở Côn Đảo, nơi thực dân Pháp vắt kiệt sức lực người tù.
Khi tìm ra Nhà tù chính trị, lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì đã bắt tay vào việc lục tìm những tư liệu lịch sử, nhân chứng liên quan, thậm chí đã mời nhà sử học Lê Văn Lan đến tìm hiểu... Nhưng vì một quãng thời gian quá dài đã trôi qua nên tất cả vẫn còn ẩn giấu trong bí mật. Những tấm biển chú dẫn khu 1 nơi ở cho cai tù, khu 2, khu 3 nơi giam giữ phạm nhân chủ yếu dựa vào vết tích còn lưu lại.
Hiện nay, con đường gần cây số, dốc xuống ngoắt nghéo trong rừng băng những con suối róc rách trên đỉnh Tản Viên để dẫn xuống khu Nhà tù đã hình thành. Nhiều khách thăm quan đã đến đây để cảm nhận sự thật ngỡ ngàng, đau xót về một Côn Đảo ở núi Ba Vì. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều dấu hỏi. Và để lịch sử không mất dấu, để máu xương không phí hoài, đó là nhiệm vụ của chúng ta trên hành trình tìm lại sự thật.
Xuân Hoa