Địa ngục trần gian
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ngày nay là phần còn lại của góc phía Đông Nam của Đề lao Trung ương Hà Nội (La Prison Centrale de Ha Noi). Đây là một nhà tù lớn được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Phụ Khánh là làng nghề chuyên sản xuất đồ gia dụng bằng đất và được nung bởi những chiếc lò quanh năm đỏ lửa, nên làng còn có tên Nôm là Hỏa Lò, nhà tù này cũng được mang tên Hỏa Lò bởi lẽ đó.
Hỏa Lò là nhà tù kiên cố bậc nhất Đông Dương, xây dựng ngay giữa trung tâm Hà Nội, thủ phủ của Chính quyền thực dân Pháp. Tính chất quan trọng của Nhà tù Hỏa Lò thể hiện ngay ở việc thiết kế kiến trúc, các phòng giam và tường bao đặc biệt kiên cố; vật liệu xây dựng là những loại có chất lượng tốt nhất. Các phòng giam, xà lim tại Nhà tù Hỏa Lò tuy khác nhau về diện tích, chức năng giam giữ nhưng đều có điểm chung: chật hẹp, thiếu ánh sáng, ngột ngạt và mất vệ sinh.
Phải sống trong hoàn cảnh bị giam giữ hà khắc tại Nhà tù Hỏa Lò, nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn tổ chức nhiều hoạt động như: học tập, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, họ đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với kẻ thù để phản đối chế độ giam giữ, đòi quyền lợi của tù chính trị… Vượt lên tất cả, các chiến sĩ đã: “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”, thành nơi rèn luyện lý tưởng, bồi dưỡng ý chí đấu tranh của những người cách mạng.
Hệ thống trưng bày thường xuyên tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã thể hiện rõ các nội dung: Nhà tù Hỏa Lò là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, cũng là nơi rèn luyện ý chí kiên trung, bất khuất của những người cách mạng. Và ngày nay, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ người dân Việt Nam, giúp họ nâng cao lòng tự hào dân tộc và sống có trách nhiệm với Tổ quốc.
Hiện nay, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò còn lưu giữ các đơn nguyên kiến trúc gốc và nhiều hiện vật có giá trị như: máy chém dùng để hành quyết tù nhân, cửa cống ngầm nơi tù nhân tham gia vượt ngục cùng nhiều tài liệu quý.
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã và đang trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế khi muốn tìm hiểu sâu về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
|
Bản lĩnh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng kiên trung tại “Địa ngục trần gian” |
Lời tri ân, Trọn một lời thề, Khát vọng tự do
Tại Nhà tù Hỏa Lò, hàng năm, Ban quản lý di tích tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm, chuyên đề ngược dòng thời gian trở về quá khứ oanh liệt của những người có công với đất nước. Ví như, triển lãm chuyên đề “Lời tri ân”. Nội dung trưng bày được chia thành 2 nội dung chính: Trọn một lời thề và Lời tri ân. “Trọn một lời thề” là những câu chuyện trên một “trận tuyến đặc biệt” - ngục tù của thực dân, đế quốc.
Qua đây, khách tham quan sẽ được biết, được hiểu về hệ thống nhà tù nhiều hơn trường học dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc; về chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã bất khuất vượt qua, giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Phần nội dung trưng bày thứ hai – “Lời tri ân” là những câu chuyện thời hậu chiến vẫn còn day dứt cho tới ngày hôm nay. Nhiều chiến sỹ may mắn được trở về trong vòng tay của gia đình, của đồng đội, nhưng có những người đã mãi mãi ra đi.
Cuộc trưng bày “Khát vọng tự do” tại di tích nhà tù Hỏa Lò: Những cuộc vượt ngục thần kỳ chốn “địa ngục trần gian”. Đó là câu chuyện về những chiến sĩ kiên trung, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân đế quốc, quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với nhân dân. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, hòa mình vào biển sâu khi vượt ngục không thành; có người may mắn được trở về nhưng cơ thể không còn vẹn nguyên.
Trong chốn “địa ngục trần gian” Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Trại giam Tù binh Phú Quốc, kẻ thù đã thi hành chế độ sinh hoạt và lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí những người Việt Nam yêu nước. Nhưng, không một phút buông xuôi, các chiến sĩ cách mạng luôn quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo, như những cánh chim khao khát tự do, bay đến vùng ánh sáng cách mạng. Đó cũng chính là nội dung thứ hai của trưng bày mang tên: “Tung cánh giữa màn đêm!”.
Các phần trưng bày: “Thoát khỏi ngục lửa”, “Vượt khỏi đại ngàn”, “Biển khơi dậy sóng”, “Bản hùng ca giữa trùng khơi”… khắc họa hành trình đến với tự do với biết bao khó khăn, gian khổ và hy sinh, nhưng cũng chứa đựng tinh thần thép của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, không chấp nhận cái chết mòn nơi nhà tù thực dân, đế quốc.
Trên những pano được thể hiện như những bảng vàng ghi công, là chân dung của 12 nhân vật, 12 cựu tù chính trị năm xưa đã vượt ngục thành công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tiếp tục đóng góp sức lực vào các phong trào cách mạng. Trong đó có nhiều đồng chí giữ trọng trách lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Ngân, Hoàng Thị Ái, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương…
|
Giới thiệu cho các em học sinh máy chém tại Nhà tù Hỏa Lò |
Cuộc trưng bày “Sáng mãi niềm tin” giới thiệu những câu chuyện cảm động về 5 đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Các đồng chí đã kế tiếp nhau, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, từng bước vượt qua phong ba và đã anh dũng hy sinh. Chính niềm tin đã tạo nên nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp người chiến sỹ vượt lên những trận đòn tra tấn tàn khốc của kẻ địch, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng.
Ông Nguyễn Văn Viên, 75 tuổi, một cựu chiến binh đã đưa đại gia đình với 8 cháu nội, ngoại của mình từ TP Hồ Chí Minh tới thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ông chia sẻ: “Tôi muốn cho các con, các cháu biết được sự hy sinh của các chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, giành được độc lập như ngày hôm nay. Qua đó, tôi muốn giáo dục cho con cháu tri ân, noi gương và học tập”.
Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong các trưng bày chuyên đề giúp khách tham quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, sự hy sinh lớn lao của những người con yêu nước đã ngã xuống vì hai tiếng hòa bình cho dân tộc. Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng tuổi xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước.
Mỗi năm, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước viếng thăm. Chuyến hành trình về nguồn đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và sự ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi người dân và du khách tham gian. Trong không khí trang nghiêm tại Đài Tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò, những người dân và du khách trong và ngoài nước đã thành kính dâng nén nhang thơm, những bông hoa tươi thắm, tri ân những người con đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Quá khứ anh hùng của dân tộc luôn nhắc nhở chúng ta về sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông. Tháng 7, cả nước hướng về Ngày Thương binh Liệt sỹ, tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì bình yên Tổ quốc để có được ngày hôm nay.