Nhà văn Trần Thị Trường: Đa tài trong cuộc sống, thành công trong văn học, hội hoạ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhà văn Trần Thị Trường được bạn đọc biết đến từ năm 1990 với tiểu thuyết đầu tay "Lời cuối cho em" do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Từ đó đến nay, cái tên Trần Thị Trường đã trở nên quen thuộc với bạn đọc văn học.
Nhà văn Trần Thị Trường. (Ảnh: N.M. Hà)
Nhà văn Trần Thị Trường. (Ảnh: N.M. Hà)

Người phụ nữ đa năng

Nhà văn Trần Thị Trường (SN 1950 tại Tuyên Quang) được độc giả biết đến từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Bà được coi là nhà văn hay viết về thân phận phụ nữ, đi vào nội tâm nhân vật nữ, những góc buồn khổ, khó nói. Nhưng văn của bà tế nhị, nói gợi.

Ở đám đông hay các cuộc ra mắt sách, triển lãm, mọi người dễ bắt gặp bà luôn có vẻ khép nép. Bà như muốn đứng một mình để quan sát, chiêm nghiệm, suy tư. Trần Thị Trường được bạn bè đánh giá là người phụ nữ đa tài, đa năng, ở lĩnh vực nào cũng giỏi. Bà cũng có tiếng khi đứng ra tổ chức các chương trình âm nhạc trước đây.

Những năm 1980, từ biệt chồng và con, bà bôn ba sang nước Bulgaria làm việc. Một người bạn gặp Trần Thị Trường ở Bulgaria nhận xét: “Tôi biết nhà văn Trần Thị Trường ở Bulgaria từ những năm 80 thế kỷ trước, hồi chúng tôi mới ở tuổi 30. Ngày đó, ngoài giờ đến lớp hoặc làm việc, người Việt chỉ quanh quẩn chơi với nhau trong những ký túc xá hay trong các chung cư do các chủ đầu tư thuê cho, nhưng Trần thị Trường rất nhiều bạn, chủ yếu là người bản xứ.

Tôi gặp họ mỗi khi đến thăm chị, có người đến may quần áo, có người đến đàm đạo văn học nghệ thuật và thời sự. Tiếng Bulgaria của chị có lẽ nhờ đó mà khá nhất trong số chúng tôi, thu nhập của chị cũng hơn chúng tôi rất nhiều. Sau hơn chục năm, tôi gặp lại chị tại Hà Nội, chị về nước trước tôi, thật không ngờ chị đã là nhà văn”.

Một bức họa của Trần Thị Trường. (Ảnh: Trần Thị Trường cung cấp).Một bức họa của Trần Thị Trường. (Ảnh: Trần Thị Trường cung cấp).

Qua lời nhận xét này ta thấy nhà văn Trần Thị Trường linh hoạt, dễ làm quen với cái lạ, biết biến nơi xa lạ thành thân quen để sống tốt hơn so với những người cùng trang lứa. Có lẽ do có vốn sống ở trời Âu, cùng với một cái nhìn khác những nữ nhà văn trong nước nên đâu đó những dòng văn của bà có chút phóng khoáng và thoáng hơn.

Nói về quãng thời gian đi xa xứ của Trần Thị Trường, tác giả Trần Trọng Văn viết: “Năm 1981, Trần Thị Trường đi xuất khẩu lao động. Dạo những năm tám mươi, nhà nào có người đi xuất khẩu lao động sang Liên Xô và các nước Đông Âu thì coi như nhà đó "đổi đời".

Với vốn tiếng Nga học trong trường phổ thông và mấy năm đại học chỉ vào loại giao tiếp, vậy mà Trần Thị Trường lại "liều" xin làm phiên dịch cho cánh thợ hàn. Chị còn liều hơn khi làm phiên dịch cả tiếng Bulgari kia. Tôi hỏi: "Chị làm thế nào khi ấy?". Nhà văn Trần Thị Trường cười, đáp: "Tiếng Bulgari cùng hệ Slavo với tiếng Nga nên chuyển đổi cũng không khó là bao".

Làm phiên dịch thấy vẫn chưa "đủ ăn", Trần Thị Trường xoay sang làm thêm nghề may. Những chiếc quần bò nhái hãng Levi’s Strau với nhãn mác y như thật đã rầm rộ rời xưởng để ra chợ. Hàng bán chạy và dĩ nhiên là có tiền, nhưng cô phiên dịch viên kiêm thợ may chưa dừng lại ở đó mà tiếp tục xoay sang viết văn”.

Qua đây, ta thấy được tính cách xoay chuyển trong công việc của nhà văn, thấy được sự đa năng của bà để có cuộc sống tốt hơn. Để trở thành một nhà văn, trước tiên, Trần Thị Trường đã nỗ lực để trở thành một con người đúng nghĩa, đó là quyết tâm và bền bỉ trong lao động.

Từ viết văn rẽ sang hội hoạ

Nhà văn Trần Thị Trường được chú ý ngay từ tác phẩm “Lời cuối cho em” do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1990. Từ đó, như một điểm tựa cho văn chương, bà say mê hơn với công việc viết văn, làm báo. Do có khiếu hội hoạ, bà cũng làm thêm nghề trình bày báo.

Cũng theo tác giả Trần Trọng Văn, bà Trường đam mê hội hoạ từ nhỏ, đã theo học lớp vẽ của họa sĩ Phạm Viết Song ở 89 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Tại lớp học này, có danh hoạ Trần Văn Cẩn đến thăm và dạy. Sau này, Trần Thị Trường đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, khóa 1973 – 1978, Khoa Gốm sứ, vì bà có đam mê gốm sứ từ lâu. Nhưng do cuộc sống mưu sinh, bà bỏ nghề vẽ và gốm, mãi sau này, khi đã thành danh với văn học, bà mới quay lại với nghề vẽ.

Một bức tranh của Trần Thị Trường.

Một bức tranh của Trần Thị Trường.

Đến nay, về gia tài văn học, Trần Thị Trường đã có những tác phẩm: Kẻ mắc chứng điên (tiểu thuyết, 1991), Nhà xuất bản Hội nhà văn; Bâng khuâng (tập truyện ngắn, 1993), Nhà xuất bản Hội nhà văn; Tình câm (1996); Truyện ngắn Trần Thị Trường ( truyện ngắn, 1999), Nhà xuất bản Lao động; Thời gian ngoảnh mặt (tập truyện ngắn, 2003), Nhà xuất bản Hội nhà văn; Tình như chút nắng (tập truyện ngắn, 2006), Nhà xuất bản Thanh niên; Hoa mưa (tập truyện ngắn) Những đóa hồng xanh, Phố Hoài.

Đặc biệt, với tác phẩm Phố Hoài mới ra đời, được cho là đã gây ra những ý kiến trái chiều trong đánh giá của những chuyên gia văn học. Phố Hoài được nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, đánh giá: “Phố Hoài” có nhiều nhân vật, nhưng đằng sau đó là hình bóng những con người thực.

Tất cả họ hợp lại thành một nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết – Người Hà Nội, một kiểu người có phẩm tính và phẩm chất. Phẩm tính thanh lịch, hào hoa. Phẩm chất văn chương, nghệ sĩ. Họ yêu cái đẹp và biết sống vì cái đẹp. Lịch sử biến thiên và họ bị trở thành những kẻ chịu đựng lịch sử. Các giá trị bị xáo trộn và đảo lộn , trong cơn xáo đảo đó họ thành nạn nhân, thành những “công dân hạng hai”.

Cuốn tiểu thuyết của Trần Thị Trường là những chuyện kể về số phận thăng trầm đảo điên của họ. Chuyện kể về gia đình ông Ký qua cuộc đời của vợ chồng Nam – Thanh. Chuyện kể về nhóm hát “nhạc vàng” của Hoàng bị vào tù. Chuyện kể về cuộc vượt biên của A Hòa, một người Việt gốc Hoa nặng lòng với Hà Nội. Chuyện kể về mối tình thất lạc cả cuộc đời của Quyết – Hằng. Chuyện kể về Thảo sống đam mê với những tình cảm của mình… Mượn tiếng Tây mà nói, “history” là chuyện kể, và xâu chuỗi lại các “history” thì thành “HISTORY” – Lịch Sử. “Phố Hoài” như vậy là hoài phố, hoài niệm về Hà Nội đẹp và đau của một thời”.

Chưa dừng lại là một nhà văn, gần đây, người ta chú ý nhiều đến hội hoạ của Trần Thị Trường, và một danh xưng mới, hoạ sĩ Trần Thị Trường xuất hiện. Danh xưng này không có gì lạ, bởi trước đó, bà từng học và đam mê hội hoạ.

Tranh bà vẽ đa dạng nhưng giản đơn, nhiều gam màu, nhưng ta thấy gam màu nhẹ mang tính cổ điển, sáng nhưng là ánh sáng của quá khứ làm chủ đạo. Gam màu này khiến người xem cảm thấy lâng lâng, hồi tưởng, xót xa. Nhưng chính vì thế mà người xem cảm thấy yêu đời, biết trân quý cuộc sống hiện tại hơn. Trần Thị Trường cũng được coi là nhà văn rẽ sang hội hoạ bán được nhiều tranh nhất hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Mạnh Hà, Trần Thị Trường chia sẻ: “Các triết gia có nói, ở đâu mà phụ nữ hạnh phúc thì xã hội đó mới an toàn, văn minh. Ở đâu phụ nữ bơ vơ, không tìm thấy những điểm tựa, thì cuộc sống cũng đáng ngại”. Có lẽ, dù là văn hay vẽ tranh, thì cái cốt yếu của Trần Thị Trường là quan tâm sâu sắc đến đời sống, trong đó người phụ nữ được bà luôn quan tâm hơn cả.

Đọc thêm