Nhà vệ sinh thành chốn hãi hùng với phụ nữ

(PLO) - Gần một nửa phụ nữ và trẻ em gái được hỏi cho biết rất nhiều lần họ có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng nhưng đều phải “nhịn” vì cảm thấy không an toàn, không sạch sẽ. Điều đáng nói là, có rất nhiều phụ nữ bị quấy rối thường xuyên tại những nơi này nhưng lại không biết đó là bị quấy rối tình dục ví dụ như: bị huýt sáo trêu ghẹo, bị liếc mắt đưa tình, bị nhìn chằm chằm vào một bộ phận nào đó trên cơ thể hay bị nghe kể chuyện có liên quan đến tình dục...
51,1% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy bất an ở những khu vực công cộng như xe bus, bến xe, nhà vệ sinh (ảnh minh họa).

Đi vệ sinh ở trường cũng khiếp

Năm 2014, dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” do Tổ chức quốc tế Plan tài trợ tiếp cận trên 3.000 học sinh các trường THCS và THPT ở Hà Nội trong 6 tháng và phát hiện ra nhiều vấn đề không ngờ tới. Một trong những vấn đề đó là đa số học sinh cho rằng nhà vệ sinh là nơi mất an toàn nhất ở trường học. Chỉ có 12% học sinh nữ và 22% học sinh nam cho rằng nhà vệ sinh ở trường an toàn và sạch sẽ.

Các hình thức gây mất an toàn xảy ra ở nhà vệ sinh phổ biến nhất là cử chỉ, lời nói, hành động khiếm nhã của học sinh nam đối với học sinh nữ. Nguyên nhân mất an toàn được xác định là do nhà vệ sinh ở nơi khuất, không có giáo viên quản lý, đi nhầm bên, học sinh nam thường tụ tập ở khu vực bên ngoài nhà vệ sinh... “Tình trạng mất an toàn ở nhà vệ sinh phổ biến ở các trường nông thôn hơn thành phố. Nhất là ở những trường có nhà vệ sinh ở địa điểm khuất, xập xệ. Các trường ở thành phố thường các em phản ánh bị mất an toàn do cảm nhận các ánh mắt, cử chỉ, lời nói khiếm nhã. Để giải quyết vấn đề, một số trường học đã cử người gác phòng vệ sinh vào mỗi giờ ra chơi”, theo chuyên gia tâm lý Minh Hoa.

Mà ra nhà vệ sinh công cộng lại càng sợ

Cũng trong năm 2014, Báo cáo “Thành phố An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” năm 2014 do ActionAid Việt Nam thực hiện cho thấy: 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng như đường phố, công viên, xe buýt, nhà vệ sinh công cộng. Trước con số gây sốc này, để tìm hiểu thêm và đưa ra khuyến nghị chính sách phù hợp, Vụ Bình đẳng giới – Bộ LĐ-TB&XH, CGFED và Tổ chức ActionAid Việt Nam đã rà soát tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại 5 thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Uông Bí,  TP HCM và Trà Vinh từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2016. 

Kết quả một lần nữa cho thấy những con số báo động: 51,1% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy bất an ở những khu vực công cộng như như xe bus, bến xe, nhà vệ sinh. Riêng về nhà vệ sinh công cộng, theo Vụ Bình đẳng giới, vấn đề nổi bật khi phỏng vấn về nhà vệ sinh công cộng là số lượng nhà vệ sinh công cộng thiếu nhiều so với nhu cầu. Khoảng một nửa số người trả lời phỏng vấn trả lời có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng nhưng không sử dụng (với nhóm phụ nữ là 48,3%, với nhóm nam giới là 51,6%). Lý do chủ yếu do nhà vệ sinh không sạch, không đảm bảo an toàn.

Cụ thể phiếu khảo sát và thông tin được thu thập tại 5 thành phố cho thấy nhóm phụ nữ được hỏi có tới 31,3% phụ nữ cho rằng thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ; 22,3% phụ nữ cho rằng thiếu nhà vệ sinh dành riêng cho phụ nữ. Thành phố Trà Vinh đứng đầu danh sách thiếu nhà vệ sinh dành riêng cho phụ nữ 29,6%, sau đó là đến Hà Nội 24,5%; Hải Phòng 20,5%; TP HCM 15,3%; Quảng Ninh 7,6%.

Nếu xét theo địa bàn nghiên cứu thì TP HCM là nơi có nhiều người không sử dụng nhà vệ sinh công cộng 26,1%; sau đó đến Hải Phòng 18,4%; Hà Nội chiếm 12%, Quảng Ninh 11,7%; Trà Vinh 8,6%. “Mình đã từng đi vào nhà vệ sinh công cộng nên mình biết, đi vào cũng thấy sợ sợ. Thứ nhất là bẩn, thứ hai là nhỡ có ai đi vào cùng thì chết. Ví dụ phải có hai đường nam một nữ một, phải ngăn hẳn thì mới đỡ sợ. Thế nhưng ở đây lại qua nam rồi mới đến nữ, mình thấy ghê” – một phụ nữ ở Quảng Ninh cho biết lý do.

“Rõ ràng là các dịch vụ công tại nhiều thành phố tại Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chưa đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới. Những nơi như bến xe buýt hay nhà vệ sinh công cộng là những dịch vụ được người dân sử dụng hàng ngày, nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ về bạo lực giới và quấy rối tình dục” – bà Trần Bích Loan - Vụ Phó Vụ Bình đẳng giới Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh

Làm gì để nhà vệ sinh công cộng an toàn hơn?

Để hạn chế tình trạng này, TS Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, ngoài những khuyến nghị về việc tăng cường, cải thiện các dịch vụ xe buýt, nhà vệ sinh công cộng, các trường học và tổ chức cộng đồng cần trang bị kiến thức về kỹ năng sống cho phụ nữ và trẻ em gái biết tự bảo vệ bản thân; xử lý mạnh tay với các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là quấy rối tình dục.

Theo bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam, nơi công cộng nói chung và nhà vệ sinh công cộng nói riêng trở nên an toàn với phụ nữ và trẻ em gái, cần có sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền để tạo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, cần sự thay đổi trong nhận thức và hành động của mỗi người, để người dân luôn tự hào vì thành phố của mình.

Đọc thêm