Nhà yêu nước Phan Bội Châu và những lần vào tù ra khám

(PLO) -Hết rơi vào tay Long Tế Quang nơi đất Quảng, thoát án tử rình rập, cụ Phan lại sa bẫy bởi người Pháp. Và có ngờ đâu, kẻ bán đứng nhà yêu nước của dân Việt, lại là một kẻ cùng “máu đỏ da vàng” nước Nam. 
 

 

Bến Thượng Hải đầu thế kỷ XX
Bến Thượng Hải đầu thế kỷ XX

(kỳ II)

Bị Long Tế Quang bắt giam, tưởng đâu mệnh cụ Phan đến đây đã bị phó mặc sang tay người Pháp. Nhưng trời đâu dễ chiều lòng kẻ tiểu nhân...

4 năm ngồi ngục Quảng Đông

Theo hồi ức của nhà chí sĩ đất Nam Đàn qua “Phan Bội Châu niên biểu”, ban đầu, Long Tế Quang định giữ cụ Phan Bội Châu làm món hàng trao đổi với người Pháp ở Đông Dương. Pháp sẽ có cụ Phan, còn Tế Quang thì được mướn đường xe lửa lên Vân Nam để đánh Đường Kế Nghiêu. Bởi vậy, cụ Phan được giam cẩn mật nơi Sở Lục quân. 

May sao, lúc bấy giờ Tổng lý Bắc Kinh là Đàm Kỳ Thụy vốn ủng hộ cách mạng Việt Nam, biết chuyện này, lại thêm có Đoàn tiên sinh là Bộ trưởng lục quân, đánh điện yêu cầu Long Tế Quang phải giữ lại cụ Phan và cụ Mai Lão Bạng.

Quang dẫu muốn kiếm lợi từ vụ này, nhưng lệnh trên ban xuống, nên đành phải làm nước đôi. Ấy là “Long bất đắc dĩ mới kiên giam tôi ở Quang Âm Sơn, cấm tuyệt người nước ta không được ai đi lại thăm hỏi và bịt kín tôi không cho được thấy người ngoài, nhưng đối với lãnh sự Pháp thì nói đã quyết chém chúng tôi rồi. Vì muốn mua lòng người Pháp mà lại sợ trái mệnh lệnh Bắc Kinh, nên chỉ một mình tôi mà có cả tin sống, tin chết”. 

Dù tính mạng còn giữ được, nhưng tính ra, cụ Phan bị giam giữ nơi đất Quảng Đông tới 4 năm  (tháng 12 năm Quý Sửu (1913) đến tháng 3 năm Bính Thìn (1916). 4 năm ấy, là 4 năm lao tù khổ sở về tinh thần cho cụ Phan.

Bởi vốn lâu nay vẫy vùng năm châu, bốn biển, kiên gan bền chí tìm đường vận động cứu nước mà nay, phải chịu bó gối với xà lim lạnh lẽo, đếm thời gian đằng đẵng trôi đi. Cảnh ấy, thật hợp với thơ tự sự của cụ rằng:

“Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu,

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu”.

Trong hoàn cảnh tù đày bó buộc thân thể và trí não ấy, nhà chí sĩ họ Phan không thấy một bóng người nào trong nước, một tiếng nói nào của đồng bào. Chỉ có một may mắn như mà lời cụ kể, là có tên nấu bếp Lưu Á Tam người Quảng Đông tưởng cụ là người đất Quảng nên mới giúp cụ thông tin tức bên ngoài, lại mua báo mà đọc cho cụ nghe.

Nhờ vậy, chút ít tin tức về thế giới và nước nhà cụ thâu nhận được qua kênh truyền tin này. Và, chờ đợi ngày cửa ngục mở, áo tù được cởi bỏ để tiếp tục dấn thân… 

Chân dung cụ Phan Bội Châu
Chân dung cụ Phan Bội Châu

Kẻ tin cẩn phản bội

Cái cơ may thoát khỏi tù giam của cụ Phan, bắt nguồn từ việc Long Tế Quang vào tháng 3 năm Đinh Tỵ (1917) bị thua, phải bỏ chạy khỏi Quảng Đông, thế là cụ Phan ra tù. Nhưng người Pháp vốn biết cụ còn sống, nên nguy hiểm cứ rình rập khắp nơi: “Bởi vì Long thua bỏ Quảng Đông, người Pháp chắc rằng tôi cũng thoát ngục, nên rình thám gắt lắm”. Để tránh khỏi vòng vây hãm, nhà chí sĩ đất Nghệ liền đi Thượng Hải, rồi đi Hàng Châu… 

Đoạn sau đời cụ, thiết nghĩ không nói đến sâu, vì thuộc về phần tiểu sử được cụ thuật lại chi tiết nơi hồi ký. Ở đây, chỉ xin điểm qua mà nói về những lần phải làm bạn với nhà lao của cụ Phan, để thấy cái sống, cái chết luôn kề cận nhà yêu nước như thế nào. Ra tù sau lần bị Long Tế Quang bắt, như “Việt Nam nhân vật chí vựng biên” cho hay, “từ đấy tiên sinh bôn ba khắp Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm La, Đức quốc” để vận động cách mạng. 

Đến thời gian những năm 20 thế kỷ XX, theo “Từ điển nhân vật xứ Nghệ”, có so sánh với tự thuật đời cụ, thì “giữa năm 1924, phỏng theo Quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn, ông cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng. Và còn định cải tổ lại theo hướng tiến bộ nhất theo sự góp ý của Nguyễn Ái Quốc (12/1924)”. Chương trình, cương lĩnh của đảng mới đã được hoạch định rõ. Ấy nhưng…

Cục diện lại xoay chuyển theo hướng khác khi như trong “Việt Nam danh nhân từ điển” có ghi, thì đầu tháng 7/1925 (dương lịch), trên chuyến xe lửa từ Hàng Châu về Thượng Hải, tại ga Bắc Trạm, cụ Phan một lần nữa bị bắt cóc, và lần này, đích thân mật thám của Pháp ra tay. Và đau lòng sao, lại chính kẻ mà cụ Phan tin tưởng… phản bội cụ. Nguyên do cho sự vụ ấy, hãy nghe cụ Phan thuật lại:

“Ngày 11/5 năm Ất Sửu (1925), tôi gấp lên Thượng Hải, tính làm xong việc gửi bạc đi Béc-lanh (Berlin-Người dẫn chú) thì tức khắc xuống thuyền đi Quảng Đông. Bởi vì thuyền Thượng Hải đến Quảng Đông, chỉ 5 ngày. Khi tôi ở Hàng Châu xuất phát, có mang theo bạc Tàu 400, tức là số bạc gửi cho ông Trần.

Ai dè lúc tôi ra đi mà thời giờ hành động của tôi đã có kẻ nhất nhất mật báo với người Pháp, mà người mật báo đó chính là ở chung với tôi, nhờ tôi nuôi nấng!” Việc thiên hạ đến như thế, tôi làm sao biết được.

Người ấy nghe nói tên là Nguyễn Thượng Huyền. Lúc đầu nó mới tới Hàng Châu, đi một cặp với Trần Quý Đức, tôi đã lấy làm nghi, nhưng nghe nói người ấy là cháu cụ Thượng Hiền, gọi cụ Thượng Hiền (nhà yêu nước Việt Nam, chúng tôi sẽ có bài riêng về cụ-Người dẫn chú) bằng ông chú, học thông chữ Hán, đã từng đỗ cử nhân, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ cũng đủ xài. Tôi nhân yêu tài nó, lưu nó làm thư ký, còn như nó làm ma cho người Pháp, tôi có nghĩ tới đâu!”. Cái cảnh ấy, trong “Cận đại Việt sử diễn ca” còn đôi lời:

“Pháp sai mật thám đi lùng,

Trá hình du khách các vùng dọ tin.

Bạc tiền mua chuộc cảm tình,

Nhờ Tàu giúp sức đảng mình phá tan.

Rủi ro lãnh tụ họ Phan,

Tới lui Thượng Hải mình vàng sa cơ”.  

Cụ Phan với các đồng chí người Nhật
Cụ Phan với các đồng chí người Nhật

Bị bí mật đưa về cố quốc

Vẫn theo lời cụ Phan kể lại, việc bị sa vào tay Pháp, đến bất ngờ lắm lắm dù cụ Phan vẫn luôn đề phòng. Khoảng 12 giờ ngày 11/5 (âm lịch), khi xe lửa Hàng Châu đến Bắc trạm, cụ Phan gửi đồ hành lý ở nhà chứa đồ, chỉ mang theo chiếc va-li nhỏ và đi ra cửa ga. Nhưng cụ có ngờ đâu rằng mình đã bị bao vây tứ phía.

Tại cửa ga, một cỗ xe sang trọng với 4 anh Tây đứng xung quanh, đó chính là người Pháp đấy. Nhưng cụ Phan không để ý, bởi đất Thượng Hải lúc ấy, người phương Tây nước nào cũng có cả. Chiếc xe sang trọng ấy, lại chính là cái phương tiện để bắt cóc cụ Phan. Hẳn, cảm xúc khi bị bắt còn nguyên trong tâm nhà chí sĩ, nên trong hồi ký cuộc đời, cụ kể:

“Tôi có biết đâu chiếc xe hơi nầy là đồ của kẻ cướp bắt cóc người đâu! Tôi mới ra khỏi cửa ga vài ba bước, thì thấy có một người Tây hung dữ lại trước mặt tôi, dùng tiếng Quan Thoại mà nói với tôi rằng: “Trưa cơ xế hấn hào, xênh xiên sâng sang xê”, tôi đương cự rằng: “Uộ bú giảu”.

Thình lình ba người Tây nữa ở sau xe ra, hết sức đẩy tôi vào xe, máy xe tức khắc vặn thì tôi đã vào tô giới Pháp! Xe chạy đến bờ bể, binh thuyền Pháp đã chực sẵn đó rồi: Tôi thành ra người tù trong tàu binh!”. Con tàu binh ấy, đang thẳng tiến về đất Việt, dẫn cụ về cố quốc, nhưng trong vị trí của một tù nhân chính trị. 

Việc bắt cụ Phan, người Pháp làm bí mật, lanh lẹ lắm, những không muốn cho dân ta biết được. Bởi cớ làm sao? Vì với cụ Phan, quốc dân có ủng hộ đường lối bạo động của cụ hay không mặc lòng. Nhưng riêng tấm lòng với dân, với nước của cụ, thì tất thảy hơn 20 triệu đồng bào khi ấy, ai chẳng thấu cái sự hi sinh tất thảy nghiệp nhà mà lo vận nước của cụ.

Thế nên, bắt cụ mà công khai, xử cụ mà công khai, thì khác gì người Pháp đối chọi lại với quốc dân ta. Bắt được cụ Phan rồi, để xử được cụ, phải xử kín, mà phải là trên đất Việt. Lại “Cận đại Việt sử diễn ca” viết tiếp:

“Giam tòa lãnh sự vững trơ,

Giải về Hà Nội ngồi chờ thản nhiên”.

Thực dân Pháp chắc mẩm rằng, phen này cụ Phan sẽ cá nằm trên thớt, và tùy nghi chúng xử lý nhà cách mạng đất Nghệ. Nhưng chúng đâu ngờ rằng sau này, phiên tòa xét xử cụ Phan, lại chính là một diễn đàn yêu nước, nơi chiến thắng của toàn thể quốc dân Việt trước sức mạnh của thể chế thống trị.../.

Đọc thêm