Văn hóa công sở mà chúng ta đang đề cập là cách thức hành xử, thái độ hành xử, quan hệ giữa người và người, giữa người với công việc trong một không gian là ở cơ quan công quyền.
Cái được quan tâm hiện nay nhất đó thái độ của cán bộ, công chức đối với người dân – đối tượng trực tiếp mà họ phục vụ. Đã có không ít phàn nàn về lĩnh vực này và ngay cả một chủ trương rất lớn như cải cách hành chính cũng chú trọng nhiều đến xây dựng phong cách phục vụ người dân và coi đó là một thước đo trong tiến trình này.
Vấn đề được đặt ra là tại sao vẫn tồn tại hiện tượng người dân không hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên công quyền khi họ tiếp xúc. Dường như trụ sở của cơ quan công quyền càng đường bệ, nguy nga thì khoảng cách càng xa đối với người dân. Sự cách biệt đó càng thấy rõ khi nơi tiếp dân chỉ là một phòng hoặc ngôi nhà nhỏ bé và cách biệt.
Người tiếp dân là cán bộ chuyên trách và do chịu nhiều áp lực dẫn tới thái độ hành xử thiếu kiềm chế và thực sự trong lòng họ không mấy tôn trọng người dân mình đang tiếp xúc. Chúng ta thường thấy một thái độ lạnh lùng thay cho nghiêm túc, sỗ sàng thay cho lịch sự, đe nẹt thay vì lắng nghe, lén lút thay vì đàng hoàng... chưa kể đến việc gây phiền phức để đòi “bôi trơn”.
Mặc dù có quy định nhưng cán bộ lãnh đạo rất ít trực tiếp đến phòng tiếp dân, còn dân mà đến được phòng lãnh đạo là một điều gần như không thể. Đã thế, một số cơ quan công quyền tìm đủ cách để hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân, ra những “nội quy” cấm quay phim, chụp ảnh là một ví dụ. Những hiện tượng nêu trên đều thuộc văn hóa công sở và từ chính sự ứng xử này đã dẫn đến thái độ không tốt của “công bộc của dân” như quan liêu, hách dịch, cửa quyền.
Quan hệ hai chiều giữa cơ quan công quyền và người dân – một biểu hiện quan trọng của văn hóa công sở đã không được thiết lập và coi trọng, từ lâu những “hòm thư góp ý” đã biến mất, đơn giản, có góp ý cũng chẳng ai nghe, những phản ảnh của dân về thái độ phục vụ không được quan tâm.
Ngay đến những thái độ sỗ sàng, khinh miệt như xưng hô “mày – tao” với dân, khẳng định “ông chỉ là dân thôi” mà cũng không được xử lý đến nơi đến chốn, phản ảnh một cách biệt rất rõ ràng trong việc tạo ra những “đẳng cấp xã hội”. Đó là mấu chốt của văn hóa công sở, còn những cái khác chỉ là hiện tượng phản ảnh thực chất của cái mấu chốt đó.
Bên cạnh đó, cách ứng xử với nhau của người cùng một cơ quan cũng rất đáng quan tâm. Công sở là một không gian đặc biệt, ở đó suồng sã quá hoặc thân mật quá đều không được. Từ trang phục đến lời ăn, tiếng nói đều có những chuẩn mực cần thiết.
Ngay đến cách xưng hô trong cơ quan hiện tại cũng chẳng có một chuẩn mực nào, có vẻ tùy tiện và “gia đình hóa”. Do vậy, ngày càng xuất hiện nhiều “mối tình công sở” hoặc quấy rối tình dục, đến nỗi có trường hợp nhân viên nữ phải bỏ làm hoặc thủ trưởng mất chức. Hệ lụy của việc thiếu chuẩn mực trong văn hóa công sở gây hệ lụy không nhỏ.
Văn hóa công sở được xây dựng trên nền móng phẩm chất của người cán bộ, công chức hoặc viên chức. Phẩm chất đầu tiên phải kể đến là sự mẫn cán. Đó là thái độ chăm chỉ với công việc, thực hiện nhiệm vụ một cách tự giác và có hiệu quả. Mẫn cán còn thể hiện một sự âm thầm thực hiện công việc, không phải để phô trương, “lấy điểm” trong mắt đồng nghiệp, nhằm mục đích tiến thân hay vì danh hiệu.
Văn hóa công sở cũng đòi hỏi người đứng đầu cơ quan phải hết sức mẫu mực trong tất cả mối quan hệ, đơn giản, thủ trưởng giành hết danh hiệu thi đua và các chuyến công tác nước ngoài, nhận phần hơn trong phúc lợi của cơ quan thì tất nhiên nhân viên có những xử sự chệch “đường ray văn hóa” là lẽ tất nhiên.
Văn hóa công sở phải được xây dựng trên nền hành chính phục vụ, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết chứ không chỉ là buộc phải cười với dân và sau đó là “mặc cả” ngoài quán nhậu!