“Nhắc nhở” văn bản của Bộ GD&ĐT và UBND TP.Hà Nội

Cục Kiểm tra VBQPPL hôm qua có công văn thông báo kiểm tra văn bản đối với Công văn số 4366/BGDĐT-PC, Công văn số 4367/BGDĐT-PC và Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, Quyết định 60/2008/QĐ-UB của UBND TP.Hà Nội.

Cục Kiểm tra VBQPPL hôm qua có công văn thông báo kiểm tra văn bản đối với Công văn số 4366/BGDĐT-PC, Công văn số 4367/BGDĐT-PC và Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, Quyết định 60/2008/QĐ-UB của UBND TP.Hà Nội.

Đối với Quyết định 33/2007/QĐ-BGDĐT – là căn cứ pháp lý cho các công văn số 4366 và 4367, Cục Kiểm tra VBQPPL thấy rằng, về nguyên tắc, hồ sơ, giấy tờ của cá nhân, trong đó có văn bằng chứng chỉ được cấp (không thuộc các trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ) phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó. Điều này cũng đã được qui định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Việc Quyết định 33 qui định cơ quan có thẩm quyền chỉ có trách nhiệm chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ trong các trường hợp  như đã nêu là thiếu căn cứ; không đảm bảo quyền lợi của người học về việc văn bằng chứng chỉ được cấp phải có nội dung phù hợp với giấy khai sinh của họ.

Đối với Quyết định 60 của UBND TP.Hà Nội qui định Sở GD&ĐT của thành phố có 09 phòng chuyên môn,  Cục Kiểm tra VBQPPL thấy rằng không phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành. Vì theo điểm b khoản 2 mục III của Thông tư liên tịch (TTLT) số 35/2008/TTLT-BGDĐT-BNV, cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn thuộc sở GD&ĐT của các tỉnh có tối đa không quá 06 phòng, riêng đối với Sở GD&ĐT Hà Nội, TP.HCM không quá 07 phòng.

Trong trường hợp, nếu UBND TP.Hà Nội thấy yêu cầu thực tế đặt ra trong công tác quản lý giáo dục trên địa bàn đòi hỏi số phòng chuyên môn thuộc Sở GĐ&ĐT phải nhiều hơn qui định tại TTLT 35 thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xét xem sửa đổi TTLT 35 cho phù hợp.

Cùng ngày, Cục Kiểm tra VBQPPL có công văn góp ý dự thảo TTLT  hướng dẫn thủ tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.

Dự thảo TTLT được Cục Kiểm tra VBQPPL đánh giá là “phù hợp với qui định của Luật BHYT”. Tuy nhiên, sau gần 1 năm kể từ khi Cục Kiểm tra VBQPPL thông báo văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, nội dung của khoản 3 điều 8 TTLT09 chưa được kịp thời xử lý và giải quyết triệt để.

Vì vậy, Cục đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an hoàn thiện và ban hành TTLT mới, hướng dẫn cụ thể về qui trình, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ cũng như thẩm quyền xử lý đối với trường hợp tai nạn giao thông, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với qui định của Luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT và qui định rõ  trách nhiệm của các bên liên quan trong việc phối hợp giải quyết vấn đề này.

Huy Anh

Đọc thêm