Mùa xuân, “nhạc thơ tràn muôn lối”
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền (1927 - 2005) từng kể rằng, vào ngày mùng 5 Tết năm 1962, ông đi làm trong một không gian vẫn còn hơi hướm Tết. Đến sở, trên bàn làm việc của ông có một tập thơ còn thơm mùi giấy mới. Tập thơ mỏng, có tựa “Ngàn thương” gồm khoảng 40 bài của các nhà thơ Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn…
“Tôi lần giở, đọc lướt qua từng bài và dừng lại ở bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân”, một bài thơ 5 chữ đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc… Vậy là chỉ trong buổi sáng hôm đó tôi phổ nhạc xong bài thơ. Điều buồn cười là tôi lấy luôn 3 câu thơ đầu tiên phổ thành một câu nhạc: “Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ”, thấy rất “ngọt” nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc”, nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng kể.
Một ngày sau, tức mùng 6 Tết năm 1962, có một nhà thơ còn rất trẻ, xưng tên là Kim Tuấn (1940 - 2003) đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền và hỏi: “Tôi có gửi cho nhạc sĩ một tập thơ, không biết đã nhận được chưa?” Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đáp: “Tôi nhận được rồi và riêng bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của Kim Tuấn, tôi đã phổ thành ca khúc”.
Nhà thơ Kim Tuấn vô cùng ngạc nhiên, sau đóthì rất vui khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Hiền hát. Buổi hôm đó, tình cờ Giám đốc Hãng đĩa Asia cũng có mặt nên ông giao bài hát cho ca sĩ Lệ Thanh thâu đĩa,sau đó hát trên đài phát thanh. Từ đó, nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhà thơ Kim Tuấn đã có một mối quan hệ, mối duyên văn nghệ rất tốt đẹp.
Có lẽ mối duyên gặp gỡ, tương thông của nhà thơ và nhạc sĩ nhẹ nhàng, thơm thảo như chính bài thơ, ca khúc và như chính cái cách mà tác phẩm nghệ thuật này đi vào lòng người suốt mấy chục năm qua.
|
Bìa tờ nhạc “Anh cho em mùa xuân” thời điểm phát hành trước 1975. |
Với nhạc sĩ Nguyễn Hiền và cả nhà thơ Kim Tuấn, ca khúc “Anh cho em mùa xuân” phổ nhạc từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” có thể được coi là một trong những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất trong suốt sự nghiệp sáng tác của cả hai người.
Năm 2007, trong một cuộc bình chọn do tòa soạn Báo Tuổi Trẻ Online thực hiện, “Anh cho em mùa xuân” được độc giả bình chọn là ca khúc hay nhất và được yêu thích nhất trong các nhạc phẩm viết về chủ đề mùa xuân. Cho đến nay, bài hát vẫn giữ được nét tươi mới dù đã có tuổi đời gần 60 năm, bởi vì niềm yêu đời, yêu cuộc sống và yêu con người đó sẽ mãi mãi không bao giờ là cũ.
Lúc sinh thời, nhà thờ Kim Tuấn cho rằng, ông “tâm phục, khẩu phục” trước cách thay đổi chữ, không những lột được ý tác giảmà còn làm thăng hoa thêm câu chữ của người phổ nhạc.
Chẳng hạn câu: “Bài thơ còn xao xuyến/ Nắng vàng trên ngọn cây”, câu sau được sửa thành “rung nắng vàng ban mai”, thật khó mà tìm ra được chữ nào hay hơn chữ “rung” để đi với “xao xuyến” trong câu hát ấy.
Hay như câu: “Con chim mừng ríu rít” được Nguyễn Hiền đổi thành “bầy chim lùa vạt nắng” để tương ứng với những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ, vừa “thơ” hơn và giàu hình ảnh hơn. Chữ “lùa” ấy rất mới, rất thơ. Ngày ấy chưa ai viết những lời như thế trong thơ, trong nhạc. Mãi về sau này mới nghe “lùa nắng cho buồn vào tóc em” (“Nắng thủy tinh” của Trịnh Công Sơn).
Còn nữa, câu: “Ngoài đê diều thẳng cánh” đổi thành “ngoài đê diều căng gió”, câu “Câu hát hò vẳng đưa” đổi thành “thoảng câu hò đôi lứa”, câu “Trẻ đùa vui nơi nơi” đổi thành “trẻ nô đùa khắp trời”…
Trong “Nụ hoa vàng ngày xuân” không có câu nào nói đến nhạc nhưng khi Nguyễn Hiền phổ nhạc thì“nhạc chan hòa đây đó”, rồi “nhạc thơ tràn muôn lối”. Trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Nhạc quyện vào thơ, thơ quấn lấy nhạc. Nhạc - thơ, thơ - nhạc đã hòa làm một: “Anh cho em mùa xuân, nhạc thơ tràn muôn lối”.
|
Lời bài hát “Anh cho em mùa xuân”. |
Có thể nói, ca khúc “Anh cho em mùa xuân” với những giai âm tình tự hòa quyện với những lời ca giản dị, hiền hòa thuần Việt từ ý thơ đến ngôn từ đã thu trọn cả tâm tình, ký ức, tình yêu quê hương xứ sở của những người con Việt. Chính sự dung dị, thân thuộc đó mà ca khúc dù gần 60 năm đã trôi qua vẫn được hát lên, hòa quyện vào tâm hồn người Việt từ già tới trẻ.
Dung hợp giữa tài năng và nhân cách
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền sinh ra tại Hà Nội. Ông học nhạc với thầy người Pháp từ năm 8 tuổi và sáng tác ca khúc đầu tay khi mới 18 tuổi, lần đầu ông phổ bài thơ mang tên “Người em nhỏ” của một người bạn tên Nguyễn Thiệu Giang.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền có thể sử dụng được thành thạo 8 loại nhạc khí như vĩ cầm, dương cầm và đặc biệt là phong cầm. Năm 1951, ông được mời làm Nhạc trưởng của Ban nhạc Hotel de Paris ở Hà Nội.
Năm 1953, ông cưới vợ tên Nguyễn Thị An (cháu gọi nhà thơ Tú Mỡ là chú)và cuộc hôn nhân của họđã hạnh phúc trọn vẹn cho đến tận lúc cuối đời.Hai ông bà chỉ biết mặt nhau trước ngày cưới hai tuần, bởi mối lương duyên của họ là do cha mẹ đôi bên (vốn là bạn bè) đính ước. Dù vậy, bà từng kể rằng:“Vừa thấy anh ấy là tôi yêu ngay. Anh sinh viên Trường Bưởi trông rất đẹp trai vànghệ sĩ”.
Tháng 9/1954, gia đình nhạc sĩ Nguyễn Hiền di cư vào Nam. Tại Sài Gòn, ông công tác tại đài phát thanh, đài truyền hình. Ông là một trí thức văn nghệ thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp, được nhiều người tôn trọng, yêu mến.
Một nhà văn từng nhận xét về nhạc sĩ Nguyễn Hiền rằng: “Nếu có người hỏi tôi, ai là khuôn mặt nghệ sĩ mẫu mực để tôi được nhìn làm tấm gương soi. Tôi sẽ không ngần ngại trả lời người đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Ông có tính tình điềm đạm, giọng nói từ tốn và kiến thức rộng rãi. Ông cởi mở với mọi người, rộng lượng với đàn em, tử tế với bạn bè và trân quý gia đình”.
“Nếu ai có cơ hội hoạt động gần gũi với nhạc sĩ Nguyễn Hiền thì đó phải là người may mắn. Chỉ cần học hỏi được một phần nhỏ trong thân thế, sự nghiệp bao quát của ông thì đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao”, nhạc sĩ Nam Lộc chia sẻ.
Dòng nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hiền mang đậm tình tự quê hương. Tên của ông là Hiền nên nhạc và lời của ông cũng hiền lành như vậy. Tình yêu trong tác phẩm của ông tinh khiết, đôn hậu.
Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của làng nhạc miền Nam, với sự nghiệp sáng tác có hơn 100 ca khúc. Trong đó, có thể kể đến những nhạc phẩm nổi tiếng như: Anh cho em mùa xuân; Về đây anh; Mái tóc dạ hương; Tìm đâu; Ngàn năm mây bay; Hoa bướm ngày xưa; Tiếng hát học trò; Từ giã thơ ngây…