Nhạc sĩ Song Ngọc và “khối gia sản” trên 300 nhạc phẩm bất hủ

(PLVN) - Nhạc sĩ Song Ngọc để lại cho hậu thế hơn 300 nhạc phẩm với nhiều tiết điệu, thể hiện những hoàn cảnh và tâm tình khác nhau. Trong đó, “Xin gọi nhau là cố nhân” là nhạc phẩm bất hủ viết về đề tài tình yêu đã đi sâu vào lòng bao thế hệ… 
Chân dung nhạc sĩ Song Ngọc.
Chân dung nhạc sĩ Song Ngọc.

Ca khúc bất hủ

Cuộc sống của mỗi chúng ta luôn gắn liền với hiện tại, quá khứ và tương lai. Theo một cảm giác thông thường, hiện tại là cái khiến người ta phải quan tâm nhiều hơn cả và tương lai là những thứ buộc phải nghĩ đến cũng như đối mặt. Quá khứ là những gì đã trôi qua, được xem là tiền đề cho hiện tại. Có những quá khứ đẹp đẽ nhưng cũng có không ít những quá khứ xót xa.

Và khi người ta đang sống trong hiện tại, họ không chỉ nhớ về những câu chuyện, những sự kiện đã từng xảy đến trong đời mà còn nhớ về cả những hình bóng con người. Có những hình bóng vẫn còn dễ dàng gặp gỡ hàng ngày nhưng cũng có những bóng hình đã chìm khuất nơi chân trời góc bể. Và bất chợt một ngày nào đó, lòng ta thốt lên hai tiếng: cố nhân.

Từ thập niên 1950, trong âm nhạc bắt đầu xuất hiện hai chữ “cố nhân”. Tuyệt phẩm xuất thần mang tên “Hoài cảm” mà nhạc sĩ Cung Tiến viết năm 14 tuổi (1952) mãi là một trong những đỉnh cao của âm nhạc lãng mạn Việt Nam. Chữ “cố nhân” hai lần xuất hiện trong phần ca từ của bài hát, gợi bao nỗi niềm thổn thức đau đáu muôn trùng: “Chờ nhau hoài cố nhân ơi/ Sương buồn che kín ngàn đời…/ Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa”.

Và một tình khúc nổi tiếng nữa có hai chữ “cố nhân” xuất hiện ngay từ nhan đề là một nhạc phẩm của nhạc sĩ Song Ngọc mang tên “Xin gọi nhau là cố nhân” (lấy bút danh Hàn Sinh) với các giọng ca vàng son một thuở như”: Giao Linh, Trường Vũ, Tuấn Vũ, Chế Linh cho tới những giọng ca đương đại như: Quang Lê, Bằng Kiều, Đan Nguyên… đã làm mủi lòng bao trái tim người nghe nhạc Việt.

“Tôi trở về đây với con đường xưa/ Đâu bóng người thương cố nhân về đâu?/ Tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa/ Công viên lạnh lùng hoang vắng/ Ngọn đèn đêm đứng im cúi đầu…/ Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi/ Xin ghi nhạc lòng thương nhớ/ Mình gọi nhau cố nhân u sầu”.

Bìa tờ nhạc “Xin gọi nhau là cố nhân” thời điểm phát hành lần đầu.
 Bìa tờ nhạc “Xin gọi nhau là cố nhân” thời điểm phát hành lần đầu.

Bài hát là lời tâm tình của một người lữ khách trở về chốn cũ đường xưa, trong một đêm mưa giăng buồn hiu hắt. Đó là nỗi buồn khi nhớ lại dư hương ngày cũ và tưởng tiếc một cuộc tình đã vụt mất trong tầm tay.

Đứng giữa công viên hẹn hò thân quen ngày xưa, người trở về như vẫn còn nhìn thấy thấp thoáng đôi bóng tình nhân năm cũ. Nhưng rồi khi choàng tỉnh cơn mê, nhìn xung quanh chỉ còn lại sự lắng lạnh và cô đơn đến rợn người. Ngọn đèn đêm cũng đứng cúi đầu lặng im như nuối tiếc.

Thời gian qua đi và người xưa cũng cất bước theo chồng trong một mùa thu rũ lá, buồn tê tái như là cõi lòng của người đứng ngẩng trông vời nhìn theo. Dù thời gian có qua bao lâu, có bôi xóa đi bao nhiêu chuyện cũ thì kỷ niệm đầu với mối tình thơ ngây ngày nào cũng không đành lòng quên được.

Đêm nay, có một bóng người đi trong mưa và nhớ lại những kỷ niệm xưa nồng ấm. Nước mắt rơi tự khi nào, hòa vào mưa lạnh bỗng nghe mặn môi. Những chuyện cũ đẹp ngời xin ghi vào nhạc lòng một lần sau cuối, rồi chỉ xin được gọi nhau là cố nhân thôi.

Ca khúc “Xin gọi nhau là cố nhân” thuộc dòng nhạc phổ thông, có nội dung rất phù hợp với tâm trạng của những chuyện tình tan vỡ, với những chàng trai thất tình phải đành lòng nhìn người yêu cất bước ra đi về bến khác. Những chuyện như vậy hình như thời nào cũng có và có rất nhiều nên có thể “Xin gọi nhau là cố nhân” sẽ không bao giờ bị lỗi thời mà luôn được nhiều thế hệ khán giả tìm nghe.

Nhạc sĩ tài ba

Nhạc sĩ Song Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc Thương (1943 - 2018), quê ở Long Xuyên, An Giang. Bút danh Song Ngọc được ông ghép từ tên của mình với người bạn gái tên là Ngọc (Song Ngọc = Ngọc + Ngọc). Ngoài ra, ông còn sáng tác với các bút danh Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc Anh, Anh Tuyến.

Trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Song Ngọc đã viết hơn 300 nhạc phẩm. Ông là tác giả của những nhạc phẩm nổi tiếng như: “Tiễn đưa” “Chiều thương đô thị”, “Mưa chiều”, “Giờ tý canh ba”, “Tình yêu như bóng mây”, “Đàn bà”, “Đàn ông”, “Chuyến đò không em”… Trong đó, ca khúc được khán giả yêu thích nhất phải kể đến “Xin gọi nhau là cố nhân”.

Nhạc sĩ Song Ngọc đến với âm nhạc từ thuở còn rất nhỏ, 6 tuổi đã học đàn mandoline, sau đó tập tành sáng tác. Năm 1958, khi mới được 15 tuổi, ông đã ra mắt nhạc phẩm đầu tay là “Mưa chiều” với điệu valse dìu dặt. Bài hát sau đó đã được Đài Phát thanh Sài Gòn chọn hát nhiều lần qua những giọng ca hàng đầu thời đó là Thái Hằng, Thái Thanh, Minh Trang, Ánh Tuyết, Kim Tước, Châu Hà.

Năm 1961, khi vẫn là một cậu học trò, Song Ngọc phổ nhạc cho bài thơ “Tiễn biệt” của Nguyên Sa, cũng là bài thơ đầu tiên của thi sĩ nổi tiếng này được phổ nhạc.

Nhạc sĩ Song Ngọc từng kể lại rằng, một hôm có một người bạn gái chép tặng cho ông bài thơ có tựa đề là “Tiễn biệt”. Ông tưởng rằng bài thơ là của cô bạn gái sáng tác và vì rất thích bài thơ này nên ông đã thức trắng đêm để phổ thành nhạc, lấy tựa đề là “Tiễn đưa”. Sau khi hoàn thành xong, ông cầm bài hát đi khoe với bạn bè thì mới được bạn cho biết đây là bài thơ rất nổi tiếng của thi sĩ Nguyên Sa.

Nhạc sĩ Song Ngọc và người banjd dời của mình.
 Nhạc sĩ Song Ngọc và người banjd dời của mình.

Nhiều nhạc sĩ thường viết nhạc cùng một tiết điệu nhưng Song Ngọc lại viết nhạc với nhiều tiết điệu, thể hiện những hoàn cảnh và tâm tình khác nhau như lời chia sẻ của ông: “Tôi ưa đi lang thang như một nhạc sĩ giang hồ, mỗi lần có hoàn cảnh thường đi khắp đó đây; ngoài ra thì cũng đi nhiều nơi vì công tác. Nơi đâu cũng có vẻ đẹp riêng, nơi thôn quê bát ngát, trăng thanh dịu dàng, chốn đô thành thì nhộn nhịp, tưng bừng… Vì đời gian truân, lăn lộn nên mỗi khúc nhạc đều mang riêng hình ảnh đặc biệt của nó”.

Năm 1966, ông lập gia đình với một người con gái mới 16 tuổi và người vợ này đã gắn bó với ông cho tận phút cuối cùng của cuộc đời. Năm 2016, kỷ niệm 50 năm thành hôn, nhạc sĩ Song Ngọc đã tri ân người vợ hiền của mình rằng: “Trải qua 50 năm lấy nhau, xin cám ơn vợ đã chịu đựng, đã tha thứ cho tính trăng hoa, bay bướm không thể tránh khỏi của một người chồng nghệ sĩ. Nhờ sự chịu đựng thương yêu này mà hạnh phúc gia đình ngày nay mới tồn tại. Trải qua 50 năm, càng lớn tuổi lại càng yêu quý vợ mình hơn bao giờ hết”.

Trong cuộc sống, tình đời, tình yêu, đàn bà, đàn ông có mặt trái, mặt phải. Và, từ xưa đến nay bàng bạc trong thơ, văn, nhạc, người nghệ sĩ cảm nhận phần nào đó trong thế thái nhân tình, ngang trái để sáng tác. Nhạc sĩ Song Ngọc cũng vậy. Hai bài hát “Đàn ông”, “Đàn bà” là một minh chứng rõ nét.

“Song Ngọc đã thành công nhất với hai ca khúc nói về con người. Đó là bài hát về “Đàn ông”, “Đàn bà”. Đề tài muôn thuở này thì bất cứ một thi nhân hay một ca nhân nào ở trên cõi đời cùng đều muốn và đã nói tới nhưng chỉ có Song ngọc mới nói được đến tận cùng của hai cõi âm dương dù muôn đời đối lập nhau mà phải tìm đến nhau…”, nhạc sĩ Phạm Duy từng viết. 

Đọc thêm