Rau bẩn bán kèm sâu sạch
Ăn cái gì cũng sợ bẩn, độc, nhiều người dân loay hoay đi chợ mà không biết nên mua gì. Tâm lý ấy đã trở nên phổ biến trong đời sống từ nhiều năm qua.
Chị Trần Thu Thảo ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết: “Mỗi khi nhìn thấy cảnh người ta phun thuốc bảo vệ thực vật, hay múc nước bẩn từ kênh rạch lên tưới rau mà thấy ớn sợ!”. Chị Thảo cũng cho biết, trong số những bà nội chợ hàng xóm của chị, hay những người cùng cơ quan, mối quan tâm hiện nay là nguồn thực phẩm cho gia đình.
Tìm đâu rau sạch? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Chị Nguyễn Bích Ngân, hàng xóm của chị Thảo tâm sự: “Giữa rau sạch và rau bẩn còn lộm nhộm, mà bằng mắt thường không thể đánh giá được. Dù mất niềm tin ở thị trường cung cấp rau thì chúng tôi vẫn phải chấp nhận mua về ăn, như hàng vạn gia đình khác. Không còn cách nào khác anh ạ”.
Qua câu chuyện của các chị nội trợ, tôi được nghe không ít chuyện hài xung quanh vấn đề lựa chọn rau sạch được nêu lên. Nào là có người bán đã thủ sẵn một hộp sâu bò ngọ nguậy ở phía sau, khi có khách hỏi mua thì khéo léo ném con sâu vào mớ rau để chứng tỏ rau có sâu là rau không phun thuốc sâu. Rồi khách mua xong, người bán liền... xin lại con sâu.
Hay về các khu trồng rau ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, thật dễ dàng tìm thấy những khoảnh rau các hộ trồng riêng để ăn thì không phun kích thích, không dùng thuốc sâu hoặc nếu có phun cũng chờ đúng ngày cho phép mới ăn. Còn những thửa rau để bán luôn được “tắm” thuốc kích thích và thuốc trừ sâu.
Trên thửa ruộng trồng cà pháo ở xã Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Nội, hộ bà Nghiêm Thị Xuân hái quả đem bán. Đáng nói là nó chỉ mới được phun thuốc từ sáng, mùi thuốc còn ám nặng. Hỏi vì sao bác vừa phun đã hái quả bán? Bà Xuân cười: “Sâu nó ác lắm, mình không phun thì không được ăn. Chỉ cần lơ đi là sâu nó đục hết ruột, mà để mấy ngày nhạt thuốc thì cà già, không ai mua”.
Chuyện phun thuốc sâu, thuốc kích thích cho rau lớn đã trở thành phổ biến. Thậm chí nhiều người đã phải thốt lên: “Nếu nhìn trực tiếp những người phun rau thì sẽ chẳng dám ăn”.
“Tắm” rau bằng nước bẩn
Không chỉ “tắm” thuốc trừ sâu cho rau, ở nhiều vùng trồng rau còn tưới rau bằng loại nước ô nhiễm từ các kênh mương. Quan sát ngoài cánh đồng, các kênh mương ở ngay đầu bờ ruộng nên tiện cho việc tưới tắm. Lúc thu hoạch nếu phải rửa thì nơi đó cũng tiện lợi mà không phải vận chuyển. Rau được thu hái, chuyển ra đầu bờ, rửa dưới kênh mương rồi được chuyển ra chợ, “ngồi” vào mâm cơm mỗi gia đình.
Theo nhiều chuyên gia, thứ nước bẩn đó không chỉ chứa chất độc hại, mà cũng là nguồn lây nhiễm bệnh vô cùng lớn. Trong nước kênh mương, các loại kí sinh trùng thường gặp là giun đũa, giun tóc, ấu trùng giun móc, giun lươn, nhiễm trứng sán lá gan nhỏ/sán lá ruột nhỏ, khuẩn E.coli và bào nang amíp… Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề - Đại học Y Hà Nội, tập quán tưới cho rau bằng nước thải sinh hoạt là một tập quán phổ biến tại Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến các loại rau được trồng trên cạn nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Người ăn phải rau nhiễm bẩn không phải đi viện ngay, nhưng sự tích tụ của vi khuẩn gây bệnh trong đường tiêu hóa dần sẽ gây hại cho sức khỏe. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, người nông dân nên chấm dứt ngay việc rửa rau trong nguồn nước ô nhiễm như thế này”.
Kêu gọi là một chuyện, ý thức của người trồng rau không dễ thay đổi trong một thời gian ngắn. Điều cần làm là phải tìm ra con đường tổ chức trồng rau sạch với giá thành hạ, nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Trong những năm qua có thể nói việc đưa rau sạch vào các siêu thị vẫn còn nhiều “lỗ hổng” khó kiểm soát. Ngay kể cả chuyện rau sạch có bảo đảm thật sự an toàn, vẫn là một dấu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Cuối cùng, phải tìm rau sạch ở đâu? Lời khuyên vẫn là người dân hãy mua rau tại những cơ sở được cấp phép, có uy tín… Và một điều nữa, là trông chờ vào ý thức của những người trồng rau, đừng nên thả nổi sản phẩm của mình, không vì lợi nhuận mà đầu độc đồng loại.