Nhận cha cho con, tưởng dễ mà...không dễ

 Có một thẩm phán đã từng lắc đầu ngán ngẩm nói với nguyên đơn và bị đơn: “Nếu như lúc ái ân mặn nồng mà anh mà chị dành chút thời gian nghĩ đến cảnh sẽ có ngày phải ra tòa để “chiến đấu” với nhau vì “kết quả của tình yêu” thế này thì đỡ khổ cho Tòa biết mấy...”.

Có một thẩm phán đã từng lắc đầu ngán ngẩm nói với nguyên đơn và bị đơn: “Nếu như lúc ái ân mặn nồng mà anh mà chị dành chút thời gian nghĩ đến cảnh sẽ có ngày phải ra tòa để “chiến đấu” với nhau vì “kết quả của tình yêu” thế này thì đỡ khổ cho Tòa biết mấy...”.

Bình an bên mẹ. Ảnh minh họa

Chấp nhận thua vì ADN

Xin nói ngay rằng, “người chấp nhận thua vì ADN” trong hai câu chuyện dưới đây ở Bình Định không phải là những gã đàn ông “xong việc” rồi “quất ngựa truy phong”, mà chính là nguyên đơn - những người phụ nữ đi tìm cha cho con mình. Vì số tiền để giám định ADN vượt ngoài khả năng nên họ đành ngậm ngùi để con mình ôm phận không cha.

Như trường hợp của chị N.T.C. (ở Tuy Phước, Bình Định) vốn là người bị câm điếc bẩm sinh, nhưng lại khá xinh xắn và đặc biệt, chị được cha mẹ cho ăn học tử tế nên biết viết chữ để giao tiếp với mọi người. Tuy vậy, ngoài 30 mà chị N.T.C vẫn ở vậy trong căn nhà vắng vẻ vì mẹ cha đã khuất núi cả.

Cùng thôn chị có anh T. là người đã có vợ. Anh này hay đi bắt cá vào ban đêm và đã nhiều lần nửa đêm ghé vào nhà chị C. tâm tình và cũng được chị đáp lại bằng tình ý. Thế nhưng, một hôm khi chị C. chìa ra cho anh T. mảnh giấy ghi “Anh ơi,em có thai” thì từ đó anh T. bắt đầu lơ là, thoái thác trách nhiệm. Chị C. sinh con gái và vượt bao vất vả, thị phi nuôi con lớn dần nhưng cũng chẳng thấy anh T. đoái hoài gì dù rằng ngày ngày chạm mặt nhau chan chát. Quá giận sự vô tình của anh T., chị C. đã viết đơn gửi cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý đề nghị giúp đỡ để anh T. phải nhận con và có trách nhiệm nuôi dưỡng con chung.

Câu chuyện ra đến Tòa, nhưng anh T. vẫn một mực từ chối không nhận, thậm chí anh T. còn yêu cầu chị phải đi giám định ADN. Do chị C. là nguyên đơn, nên Tòa yêu cầu chị phải nộp dự phí 20 triệu đồng để Tòa gửi kết quả đi giám định ADN. Nhà nghèo, làm gì có được số tiền lớn như thế nên chị C. đành phải rút đơn, chấp nhận rằng âu cũng là vì mình đã “gửi trứng cho ác”.

Cũng tương tự như chị N.T.C., chị Chị N.T.V. (ở Tây Sơn, Bình Định) vì không thể kiếm đâu ra khoản tiền mấy chục triệu để giám định ADN theo yêu cầu của Tòa nên dành ngậm ngùi với tấm giấy khai sinh không có tên người cha của đứa con. Cười ra nước mắt hơn khi tận mắt chứng kiến “cuộc chiến” của chị V. và người tình Đ.V.D. tại Tòa. Chị nói: “Nó là con anh!”. Ở hàng ghế bên kia, anh D. chậm rãi cười mỉa mai: “Không dám đâu, làm sao tôi biết được?”. Chị V. tiếp tục: “Anh là thằng hèn, là đồ Sở Khanh”. “Cô thì có hơn gì” - anh D. trả miếng.

Theo chị V. thì anh D. đã dùng lời ngon ngọt dụ dỗ để chị mang thai mà không cưới, sau đó anh D. đi làm ăn xa và nên duyên cùng cô gái khác. Thật đúng như lời một thẩm phán đã từng nói: “Nếu như lúc ái ân mặn nồng mà anh mà chị dành chút thời gian nghĩ đến cảnh sẽ có ngày phải ra tòa để “chiến đấu” với nhau vì “kết quả của tình yêu” thế này thì đỡ khổ cho Tòa biết mấy...”.

Hai cha xung phong nhận, Tòa hoảng hồn

Chị Nguyễn Thị Tr. (người Mỹ Tho, Tiền Giang) kết hôn cùng anh S. (người TP.HCM), hai vợ chồng tạm trú tại quận Gò Vấp. Sau 4 năm lấy nhau, chị Tr. sinh một đứa con trai bụ bẫm. Những tưởng hạnh phúc từ nay viên mãn. Nào ngờ, ngay sau khi lễ thôi nôi đứa con vừa kết thúc thì chị Tr. Bất ngờ thông báo với chồng rằng cậu con trai... không phải là con chung của hai người! Tiếp sau đó, chị Tr. còn yêu cầu anh S. đồng ý để chị làm thủ tục đề nghị Tòa án công nhận đó là con riêng của chị. Quá kinh hoảng trước tuyên bố của vợ, anh S. đã cầu cứu cha mẹ vợ và nhận được sự giúp đỡ vì gia đình chị Tr. cũng không ai tán thành kiểu hành xử như vậy. Đứa trẻ được ông bà ngoại nuôi với sự thỏa thuận của anh S. là hàng tháng anh sẽ gửi tiền nuôi con và không giao con cho chị Tr. khi chưa có sự đồng ý của anh.

Bực bội vì không thực hiện được ý định, chị Tr. làm đơn gởi TAND quận Gò Vấp xin ly hôn với anh S. Trong đơn, chị khẳng định đứa trẻ không phải là con của anh S. và xin Tòa công nhận là con riêng của chị. Yêu cầu này đã bị tòa án bác ngay với lý do đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không thể xem là con riêng của vợ hoặc chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình.

Cũng tại thời điểm đó, TAND quận Gò Vấp lại nhận thêm một lá đơn xin nhận con nữa. Tác giả của lá đơn này có tên  là N.V.H. (có hộ khẩu thường trú tại TP.Mỹ Tho), là người yêu cũ của Tr. hồi còn học phổ thông. Anh N.V.H. khẳng định trước đây anh đã cậy người đến nhà hỏi cưới chị Tr. làm vợ, nhưng bị cha mẹ chị từ chối. Chị Tr. lấy chồng nhưng hai người vẫn đi lại với nhau và có con chung. Đến nước này thì anh S. quá nản, đành đồng ý ly hôn với chị Tr. Tuy nhiên, trước Tòa anh vẫn giữ nguyên yêu cầu được làm cha đứa trẻ, dù biết rõ nó không phải là con của mình (anh S. bị vô sinh). Tòa xử ly hôn và thừa nhận đứa con là con của anh S. vì đây là đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của hai người nên không thể công nhận là con riêng của chị Tr. Còn vụ việc anh N.V.H. xin nhận cha cho con phải tiến hành ở một phiên tòa khác.

Không còn cách nào khác, anh H. đã phải bỏ một khoản tiền lớn để giám định gien, làm thủ tục khởi kiện anh S. ra tòa xung quanh việc tranh chấp quyền làm cha.

Kẽ hở của pháp luật

Việc truy nhận cha cho con hay xác nhận con chung, không còn nghi ngờ gì về mặt ý nghĩa pháp lý, bởi đó là sự ràng buộc trách nhiệm và bổn phận của người cha đối với con từ việc cấp dưỡng lúc còn nhỏ cho đến lo hạnh phúc sau này. Nhưng về mặt xã hội thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ vì người phụ nữ khi lên tiếng đòi truy nhận cha cho con mình là họ đã rất dũng cảm bởi đây là chuyện khá tế nhị, lại rất khó cung cấp chứng cứ hoặc nhân chứng đúng như nhận định của Tiến sĩ luật Nguyễn Thái Phúc (Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Bộ Tư pháp phía Nam): “Việc xác định con chung, tưởng dễ mà cũng không dễ chút nào. Nếu như giấy khai sinh của con ghi rõ tên người cha, đồng thời trước pháp luật, người cha cũng thừa nhận đó là con của mình, thì không thành vấn đề, nhưng khi người chồng phủ nhận là coi như... thua”.

Một số thẩm phán có kinh nghiệm xét xử án hôn nhân gia đình cho biết, muốn tìm chứng cứ để buộc những gã Sở Khanh thừa nhận, tòa thường dựa vào lời khai của hai bên vào thời điểm “làm chuyện đó” có khớp với thời gian, không gian hoặc có dấu hiệu nào khác không... Nhưng khi tòa hỏi, khó có người đàn ông nào chịu nhận mình là “tác giả” của cháu bé. Thực tế, có nhiều đứa trẻ sinh ra giống cha như đúc nhưng “tác giả” vẫn không “cúi đầu” thừa nhận mình là cha của đứa bé. Hay có trường hợp, trong giấy khai sinh của cháu bé rành rành tên người cha, nhưng đương sự vẫn phủ nhận mình chỉ là bạn của mẹ nó, thương cô ấy không chồng mà có con nên đứng tên cha giùm cho mẹ con cô ấy đỡ tủi.

Còn ADN ư? Vẫn biết rằng đây là phương án tốt nhất khiến các ông bố thích lý sự hết đường cãi chày cãi cối nhưng thực tế cũng không suôn sẻ vì có khi tòa yêu cầu giám định ADN, nhiều người đàn ông lại một mực từ chối vì lý do... không thích.  Với những trường hợp như vậy, tòa phải chào thua vì trong tố tụng dân sự, không có chế tài ép buộc. Nếu cưỡng chế giám định, quan tòa có khi còn bị khiếu nại vì vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân mà Hiến pháp đã quy định! Mà trong tố tụng dân sự, nguyên tắc cơ bản là người khởi kiện phải có nghĩa vụ chứng minh (bên bị kiện không có nghĩa vụ này). Đây là rào cản tố tụng làm hạn chế hiệu quả ADN cũng như là kẽ hở của pháp luật để các ông bố vin xấu tính vào mà “chạy tội”.

Dù có nhận được cha, tâm lý cũng thương tổn

Có chứng kiến những vụ truy nhận cha cho con tại tòa mới viết, cả hai bên bố và mẹ đứa trẻ hay còn gọi là bị đơn và nguyên đơn đều bị tổn thương nặng nề vì giữa họ đã không còn chỗ cho sự tôn trọng, khoan dung, thay vào đó là sự trách móc, xem thường lẫn nhau. Một luật sự có kinh nghiệm trong án hôn nhân gia đình kết luận: “Nếu tòa có đủ cơ sở công nhận cha cho con, thì kết cục đứa trẻ có thêm tên cha trong giấy khai sinh, được vài trăm ngàn chu cấp mỗi tháng, còn có một người cha đúng nghĩa thì e rằng... khó!”. Và như thế, tâm lý, tình cảm của đứa bé bị tổn thương nghiêm trọng.

Hạnh Quyên  

Đọc thêm