Nhàn đàm... tố chất người Việt

Viện Nghiên cứu khoa học xã hội học Hoa Kỳ liệt kê 10 tố chất của người Việt chúng ta. Nhìn mình bằng con mắt của người nước ngoài, đối chiếu, tham khảo và so sánh âu cũng là một sự thú vị và bổ ích; còn có chấp nhận kết quả nghiên cứu này không thì còn tùy vào mỗi người và cộng đồng...

Viện Nghiên cứu khoa học xã hội học Hoa Kỳ liệt kê 10 tố chất của người Việt chúng ta. Nhìn mình bằng con mắt của người nước ngoài, đối chiếu, tham khảo và so sánh âu cũng là một sự thú vị và bổ ích; còn có chấp nhận kết quả nghiên cứu này không thì còn tùy vào mỗi người và cộng đồng.

10 tố chất mà người Mỹ liệt kê được Tiến sĩ Lê Văn Út (Đại học Oulo – Phần Lan) dịch, trong phạm vi bài viết này chỉ dẫn ra một vài tố chất có liên quan đến văn hóa ứng xử.

Niềm vui ngày tốt nghiệp. Ảnh: N.Trần

Tố chất thứ 5: “Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục đích tự thân của người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê)”.

Cái “ngoài ra” này thật đáng quan tâm, nó phản ánh chính xác tâm thế học của người Việt hiện đại, trẻ con bị ép phải học, người lớn ra sức nhồi nhét đủ kiểu, cả xã hội bị chi phối bởi hội chứng học thêm, phát cuồng về thành tích, không cần biết đến nhân vật trung tâm là các em có thích học không.

Học theo kiểu a dua, phong trào, mục đích học bị chi phối hoàn toàn bởi danh vọng, địa vị, sỹ diện chứ không phải trang bị kiến thức cho bản thân. Nguồn gốc sâu xa của việc mua bằng, bán điểm cùng các tệ nạn khác làm tha hóa ngành giáo dục chính là xuất phát từ đây.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực rất đáng để khai thác như thế mạnh của người Việt đó là sự ham học hỏi và tiếp thu nhanh, nếu không bị chi phối bởi thói khôn vặt, ranh ngầm, bắt chước lỏi, thì hẳn là sẽ tạo lập được ý thức để đi “đến đầu đến đuôi” của sự học.

Tố chất thứ 7: “Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời)”.

Cái này chẳng có gì phải bàn cãi vì cách hành xử của người Việt trong đại đa số trường hợp là vậy. Chúng ta phô trương một cách quá đà, từ việc tổ chức việc nhỏ trong gia đình đến lễ hội cộng đồng và cả các sự kiện mang tầm quốc gia. Ngay trong một bữa nhậu bạn bè cũng đã thấy hiện diện đầy đủ các tố chất sĩ diện, khoe khoang và thích hơn đời.

Những tố chất này còn thể hiện qua cả các công trình kiến trúc, nhà cửa, thói quen mua sắm hoặc thể hiện “đẳng cấp” qua phương tiện đi lại, ăn mặc, trang sức và trong cả phong cách xã giao, làm việc.

Tố chất thứ 8: “Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít khi xuất hiện”.

Nhận định này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đơn giản vì nó quá đúng, đúng đến nỗi làm ta phát ngượng! Bao nhiêu tục ngữ, ca dao, bao nhiêu lời hay ý đẹp ca ngợi tinh thần tương thân tương ái, lá lành lá rách, bầu bí thương nhau trong hoạn nạn.

Người ta rất dễ chia sẻ khó khăn, cảm thương trước bất hạnh của đồng loại nhưng khó mà chia sẻ một cách thực tình trước niềm vui của người khác (thành đạt, thăng quan tiến chức, giàu có…). “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, chính là biến thái của cái tố chất chỉ thương nhau trong bần hàn.

Một biến tướng khác của tinh thần  “đoàn kết có điều kiện” là khi người ta giàu có thì rất dễ bị ghét, như dân gian tổng kết: “Giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì… không dùng”. Bị tâm lý này chi phối nên những kiểu hành xử thọc gậy bánh xe, níu áo, không ăn được thì đạp đổ… trở nên thịnh hành, làm chậm tiến trình tiến bộ xã hội.

Cuối cùng, là cái tố chất thứ 10: “Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng)”. Có lẽ đúng thế thật, các bạn thử đối chiếu với công việc trong một cơ quan mà bạn đang công tác xem, nhiều việc hỏng, nhiều việc không làm được, do đâu?

Nhàn tản ngày xuân, thực hiện sống chậm, giở nghiên cứu về người Việt của người Mỹ thử xem có điều gì tâm đắc, chẳng hạn, họ cho tố chất số 1 của chúng ta là : “Cần cù lao động, song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng”. 9 ngày nghỉ Tết liệu có quá dài cho một kỳ hưởng thụ, mặc dù quanh năm cần cù lao động?.

Nhị Ngọc

Đọc thêm