* Được cha mẹ chồng cho riêng thửa đất, nếu mai này tôi tái giá liệu có bị đòi lại?
Thông thường, người con gái về làm dâu sẽ sống chung với gia đình chồng hoặc sau đó tạo lập cuộc sống riêng. Nhưng “mỗi cây mỗi hoa”,mỗi nhà mỗi cảnh. Có trường hợp vẫn sống chung nhà nhưng hai vợ chồng độc lập về kinh tế, sinh hoạtriêng. Có trường hợp phải đi ở nhờ,mượn tạm đất để có chỗ “chui ra rúc vào”, có trường hợp được gia đình chồng cho mảnh đất con con “cắm dùi”…
Cũng bắt đầu cuộc sống hôn nhân, theo chiều ngược lại, cũng có người con rể đến ở gia đình vợ mà dân ta hay gọi là “ở rể”.Thời nay, với sự phát triển của kinh tế và lối sống mới, điều đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã tạo lập được tài sản trước khi kết hôn, tự tạo lập chung được nhà ở hoặc chủ động thuê nhà để có nơi sinh hoạt riêng cho tổ ấm.
Trên thực tế, những vụ tranh chấp về tài sản có người con dâu (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đối với các thế hệ trước đây thường rất phức tạp. Xét trong những vụ cụ thể, có thể thấy, người con dâu thường chịu những thua thiệtdo nhiều nguyên nhân, đặc biệt là các trường hợp ở chung gia đình nhà chồng và trường hợp tặng cho nhà đất không lập bằng văn bản.
Không có quyền thừa kế tài sản nhà chồng
Trong gia đình, nhà đất trước đây thường do đại gia đình sinh sống chung do thế hệ ông bà đã tạo lập và được thừa nhận là tài sản riêng của ông bà, được thừa hưởng cho con theo tập quán và chia thừa kế theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo quy định Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, người con dâu lại không phải là hàng thừa kế tài sản của bố mẹ chồng. Do đó, nếu xảy ra tranh chấp về thừa kế, người con dâu không được hưởng thừa kế, thậm chí sau vụ tranh chấp thừa kế, sau vài chục năm “thành gia lập thất”, họ lại phải bắt đầu cuộc sống ở riêng như thời đầu về làm dâu nhà chồng.
Một trường hợp đặc biệt, nếu ông bà được hưởng chế độ thuê nhà của Nhà nước và hộ gia đình là đối tượng cùng sử dụng và thuê căn nhà thì người con dâu ở chung nhà được xác định là đối tượng có cùng quyền mua nhà ở với các thành viên khác trong hộ gia đìnhtheo Điều 69 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, nên người con dâu được đảm bảo và quyền lợi ngang hàng với các những thành viên khác trong gia đình trong việc mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Được tính công công sức đóng góp trong việc tạo dựng, bảo quản căn nhà
Đất đai có nguồn gốc do ông bà nhà chồng tạo dựng, để lại nhưng nếu có việc xây dựng nhà ở mới trên mảnh đất này thì có trường hợp người con dâu được Tòa án công nhận và được phân chia, hưởng một phần tỷ lệ giá trị căn nhà tại thời điểm xét xử.
Tuy nhiên, nếu việc đóng góp bằng sức lao động trực tiếp, lo các chi phí liên quan đến xây dựng nhà, không bằng số tiền cụ thể hoặc do thời gian quá lâu nên không được anh chị em công nhận… dẫn đến không có chứng cứ xác định được số tiền người con dâu đóng góp nên có những bản án không phân chia cho họ được hưởng trên phần công sức này.
Mặc dù, theo Điều 658 Bộ luật dân sự 2015, khi chia di sản thừa kế có quy định thanh toán cho chi phí cho việc bảo quản di sản, trong đó có căn nhà của ông bà tạo lập hoặc có sự đóng góp của người con dâu nhưng thực tế nhiều vụ án không làm rõ, không xem xét và bản thân người con dâu không đưa ra yêu cầu nên công sức của họ trong quá trình làm dâu dường như không được các người thừa kế bỏ quên. Thậm chí, khi Tòa án giải quyết vụ tranh chấp chia thừa kế thường có những lỗi này nên đã có nhiều bản án đã phải hủy theo thủ tục giám đốc thẩm để xét xử lại.
Không thể kể công bên nhà chồng
Khi ở chung gia đình nhà chồng, về đời sống và kinh tế của vợ chồng trẻ hòa chung với thế hệ bố mẹ, ông bà. Mặc dù có những khoản thu được quản lý riêng, một phần cũng thừa nhận là tài sản riêng, sự ngầm hiểu thu nhập dành cho những khoản chi cụ thể… nhưng đều không có sự rõ ràng, thống kê, ghi nhận.
Mặt khác, nhiều trường hợp người con dâu quán xuyến việc gia đình, đồng áng, lo chăm sóc con, nội trợ gia đình… và rất nhiều việc không tên khác nhưng không được xác định bằng thu nhập cụ thể như việc đi làm công, buôn bán bên ngoài. Thập chí, nếu có thu nhập cụ thể từ việc đi làm bên ngoài thì phần thu nhập đó dành chi trả cho sinh hoạt chung của đại gia đình, công to việc nhỏ nên những cặp vợ chồng này thường không tạo lập được nhiều khối tiền riêng, không mua được tài sản do mình trực tiếp mua bán.
Nghĩa vụ chăm sóc ông bà, cha mẹ thuộc về bổn phận của những người con. Mặc dù vẫn được sự quan tâm và góp về kinh tế, biếu quà hay tiền tới ông bà, bố mẹ bên chồng nhưng không tính cụ thể nên trách nhiệm vẫn do người con trực tiếp sống chung lo mọi chi phí, chăm sóc, thăm khám chữa bệnh, việc họ việc hàng…. Nên những khoản nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe hằng ngày này mặc dù được quy định thứ tự thanh toán tại Điều 658 Bộ luật dân sự 2015 nhưng không người con và dâu nào dám kểra hoặc yêu cầu.
Nhà đất tặng cho không giấy tờ
Ở trong một hoàn cảnh khác, nhiều đôi vợ chồng được bố mẹ chồng đồng ý dành một diện tích đất để xây dựng nhà riêng, với việc, bố mẹ chồng cho đất để cưới vợ (khi còn độc thân) hay cho vợ chồng khi đã kế hôn. Do điều kiện trước đây là việc cho tặng cho này thường chỉ bằng lời nói, không lập thành văn bản và thực tế việc tặng cho này thường dưới danh nghĩa cho vợ chồng (bao gồm con dâu) và sau khi họ đã lập gia đình.
Trong rất nhiều vụ án, việc xét xử phần đất được tặng cho này không xem xét đầy đủ đến hoàn cảnh lúc tặng cho và tập quán truyền thống là tặng cho đất làm tài sản chung của vợ chồng, quá trình sử dụng, ý kiến của người con dâu, việc cấp giấy chứng nhận, từ đó Tòa không chấp nhận những phần đất được tặng chung này bao gồm người con dâu và cho rằng không có tài liệu để chứng minh.
Trên thực tế, những câu chuyện “đòi chia đất của cha chồng cho trong thời kỳ hôn nhân” là những vấn đề không phải đơn giản để Tòa xét xử như vậy, còn những vấn đề xác chưa được lý giải một cách thấu đáo càng đẩy thân phận làm dâu, ở chung nhà nhưng càng xa hơn.
Những vụ tranh chấp không thể hòa giải được sẽ đưa ra Tòa án giải quyết, với người con dâu, dù có nhiều sự đóng góp bên nhà chồng nhưng nếu việc không xác định đúng vấn đề (tài sản chung, chi phí cho việc bảo quản di sản…) cũng dẫn đến không được Tòa án chấp nhận yêu cầu.
Một điểm chung có thể thấy, với mỗi vụ việc có những tình tiết khác nhau, tuy nhiên nếu hiểu được hoàn cảnh và công sức đóng góp của người con dâu sẽ giúp việc giải quyết trong việc phân chia di sản sẽ mang tính nhân văn hơn và có thể hóa giải những quan hệ trên cở sở trọn lý vẹn tình.