Nhận diện kẻ lừa đảo ứng dụng hẹn hò

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Lừa đảo thông qua hẹn hò trên mạng là phương thức nở rộ trong những năm gần đây. Thông thường, nạn nhân của những trò lừa đảo này thiệt hại tài chính nặng nề và không lấy lại được số tiền đã mất.
Nhiều đối tượng lợi dụng ứng dụng hẹn hò để lừa tình, lừa tiền. (Ảnh minh họa)
Nhiều đối tượng lợi dụng ứng dụng hẹn hò để lừa tình, lừa tiền. (Ảnh minh họa)

Những kẻ lừa đảo trên Tinder

"The Tinder Swindler" là tên bộ phim tài liệu ăn khách mới nhất trên một ứng dụng xem phim nổi tiếng. Bộ phim nói về kẻ lừa đảo phụ nữ thông qua những màn lừa tình trên Tinder, ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất hiện nay trong giới trẻ. Những màn lừa đảo diễn ra rất tinh vi như sự phô trương trên tài khoản mạng xã hội, hành động săn đón, ngọt ngào, chăm sóc, thậm chí đầu tư cả những chuyến du lịch vòng quanh châu Âu, những bữa tiệc sang trọng và tham gia hộp đêm... Điều đó khiến các “con mồi”, dẫu là những cô gái có học thức, giàu có, độc lập vẫn bị rơi vào bẫy một cách tự nhiên. Và kẻ lừa đảo sống xa hoa trên những khoản tiền lừa gạt cùng với số nạn nhân bị lừa tăng dần theo thời gian.

Thực tế, trong thời gian qua, việc các kẻ lừa đảo thông qua ứng dụng hẹn hò Tinder để lừa tình diễn ra không ít trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, Tinder mới nổi trong vài năm gần đây và cũng đã trở thành “điểm đến” của một số kẻ lừa tình, lừa tiền.

N.P.G.L, làm việc tại một công ty kinh doanh thực phẩm ở quận 1, TP HCM, từng dính “chiêu lừa” của một đối tượng hẹn hò trên Tinder. Cô gái trẻ cho biết, trên ứng dụng này, cô quen biết một thanh niên tên T. Trong khi trò chuyện, làm quen, T thường chia sẻ về những dự án, kế hoạch kinh doanh rất khả thi. T cho biết mình làm việc ở một công ty chuyên về đầu tư tài chính, có kinh nghiệm nhiều trong mảng này, đồng thời mỗi năm kiếm tiền tỉ nhờ đầu tư. Khi gặp mặt, T cũng đưa L đến những quán cafe, nhà hàng sang trọng, còn tặng L một số món quà giá trị. Chính vì ấn tượng tốt đẹp về T, cô gái trẻ đã hoàn toàn mất cảnh giác, đồng ý khi T thuyết phục bỏ tiền đầu tư với một kế hoạch “khả thi”. Hơn một ngày sau khi chuyển cho T số tiền tiết kiệm suốt 2 năm đi làm, L mất liên lạc với T. Từ đấy đến nay đã hơn 3 tháng, cô cũng chưa lấy lại được tiền, dù đã tố cáo sự việc đến cơ quan điều tra.

Cảnh giác chuyện “tiền bạc” trên mạng xã hội

Tinder cũng chỉ là một trong rất nhiều ứng dụng hẹn hò, kết nối trở thành công cụ của những kẻ lừa đảo. Và thủ đoạn lừa đảo cũng rất đa dạng, tinh vi. Có thể kể đến việc dùng hình thức hào nhoáng, xa hoa làm loá mắt “con mồi”, sau đó đưa ra lời đề nghị giúp đỡ hoặc yêu cầu đầu tư tài chính như đã kể trên.

Một hình thức lừa đảo tình cảm khá phổ biến được dùng trong thời gian qua là giả danh kỹ sư, bác sĩ, quân nhân... người nước ngoài (bằng cách đưa các hình ảnh giới thiệu là đang sinh sống, kinh doanh tại Anh, Mỹ... trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Whatsapp, Skype...) để làm quen, kết bạn, hứa kết hôn và bảo lãnh đi nước ngoài, hứa gửi quà tặng có giá trị lớn, trong đó có nhiều ngoại tệ, vàng, trang sức, đồ vật có giá trị lớn. Sau đó, các đối tượng giả danh là nhân viên giao nhận hàng, hải quan, thuế vụ, bưu điện... thông báo thùng quà biếu đang bị tạm giữ vì có nhiều ngoại tệ, hàng hóa giá trị lớn và đề nghị nạn nhân phải nộp thuế, lệ phí rất lớn để nhận hàng.

Một số kẻ lừa đảo khác lại dùng “chiêu” chinh phục, làm quen, sau đó ở buổi hẹn hò đầu tiên hoặc thứ hai sẽ thừa cơ hội nạn nhân thiếu cảnh giác trộm các tài sản giá trị như điện thoại đắt tiền, xe máy, ví tiền...

Thống kê của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho thấy trong năm 2021, người Mỹ đã mất hơn 1 tỉ USD vì các mối quan hệ bắt đầu rất lãng mạn nhưng hóa ra là lừa tình cảm để chiếm đoạt tiền. Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể, nhưng thời gian qua dư luận đã chứng kiến không ít vụ lừa đảo tình cảm đình đám được phản ánh trên truyền thông. Nhưng đó cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng”, bởi có rất nhiều những trường hợp chưa được phản ánh, hoặc nạn nhân sau khi bị hại vì xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nên chỉ âm thầm chịu đựng, không dám đứng ra tố cáo kẻ lừa đảo.

Pháp luật quy định, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, theo đó tuỳ vào mức độ phạm tội, số tiền lừa đảo cũng như tính chất tổ chức lừa đảo, những người tham gia lừa đảo có thể bị phạt cải tạo không giam giữ, thậm chí phạt tù đến chung thân. Tuy nhiên, với thủ đoạn hết sức tinh vi, khôn khéo, lợi dụng mạng xã hội mênh mông khó để lại dấu vết, những kẻ lừa đảo có hiểu biết về công nghệ đã khiến cơ quan điều tra không dễ dàng trong việc truy lùng chúng.

Để bảo vệ chính mình, mỗi người dùng mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng, đặc biệt với những mối quan hệ “chỉ mới biết nhau qua mạng” nhưng tạo những vẻ ngoài hào nhoáng, và đặc biệt là đề cập đến những vấn đề liên quan đến tài chính, đầu tư, vay mượn...

Đọc thêm