Nhận hỗ trợ từ “gói” 26 nghìn tỷ đồng: Vẫn còn xa!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ được công bố trong làn sóng dịch thứ 4 đã từng được coi như sẽ “cởi trói” cho những khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính hỗ trợ của gói 62 nghìn tỷ (năm 2020). Quan điểm là thủ tục chỉ có rút, không thêm nhưng thực tế, để nhận được hỗ trợ, con đường ký giấy, nhận tiền vẫn còn… xa vời vợi. 
Hướng dẫn viên du lịch không thể đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ do đặc thù nghề nghiệp.
Hướng dẫn viên du lịch không thể đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ do đặc thù nghề nghiệp.

Đáp ứng đủ điều kiện để nhận hỗ trợ là “điều không tưởng”

Theo công bố, hướng dẫn viên du lịch là một trong những đối tượng được thụ hưởng chính sách lần này với mức 3.710.000 đồng/người. Điều kiện để được nhận hỗ trợ là hướng dẫn viên có thẻ còn hạn sử dụng và có hợp đồng lao động. Hồ sơ gửi về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong 3 ngày Sở phải thẩm định, tổng hợp danh sách trình UBND tỉnh. UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí trong vòng 2 ngày sau đó sẽ công bố cho các đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn nhiều so với những điều kiện tưởng rất đơn giản kia. Hoàng Phú - một hướng dẫn viên tự do (được cấp thẻ) cho biết, có đến 90-95% hướng dẫn viên làm nghề tự do, ký hợp đồng dẫn tour với các Công ty du lịch chỉ vài ngày trong lịch trình du lịch của khách hàng. Số lượng hướng dẫn viên có Hợp đồng lao động với Công ty du lịch rất ít nên điều kiện “có hợp đồng lao động còn hạn tính đến tháng 1/2020” gần như là “điều không tưởng”, do đó, số lượng hướng dẫn viên đáp ứng đủ điều kiện để nhận hỗ trợ sẽ rất, rất ít.

Vũ Anh Đức, hướng dẫn viên Công ty du lịch Khang Việt cho biết, Đức có hợp đồng lao động, có thẻ hướng dẫn viên nhưng vẫn không đủ điều kiện làm hồ sơ xin trợ cấp một lần khoản tiền 3.710.000 nói trên vì thẻ hướng dẫn viên do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cấp nhưng lại ký Hợp đồng lao động với công ty có trụ sở ở Nam Định. Đức bị đẩy từ Nam Định lên Hà Nội xin hỗ trợ vì lý do “ở đâu cấp thẻ thì ở đấy hỗ trợ”, trong khi chưa biết Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội có chấp nhận Hợp đồng lao động với một công ty có trụ sở ở Nam Định hay không.

Đức tâm sự: “Thật ra, Covid-19 lần thứ nhất, hầu như tất cả các hướng dẫn viên vẫn còn tích lũy nên dù có công văn từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi xuống hướng dẫn anh em làm hồ sơ để nhận hỗ trợ nhưng mọi người đều nghĩ để dành cho những người khó khăn khác. Nhưng sang đến năm thứ 2 không có việc làm thì một đồng hỗ trợ từ nhà nước cũng là đáng quý trong tình trạng hiện giờ. Anh em hướng dẫn viên rất hồ hởi khi nhận được thông tin về gói hỗ trợ nhưng để nhận được thì quả thật cứ xa vời vợi”.

Dệt may là ngành gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.Dệt may là ngành gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Không chỉ hướng dẫn viên gặp khó khăn khi tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ mà các Công ty du lịch lớn cũng gặp đủ thứ khó trong việc đáp ứng được nhu cầu của gói hỗ trợ. Đại diện một doanh nghiệp du lịch lớn cho biết, từ chỗ có tới hơn 1.000 lao động (bao gồm cả lao động chính thức và cộng tác viên), giờ công ty chỉ còn duy trì khoảng 50 người mà vẫn gặp khó khăn khi xoay sở trả tiền lương trong giai đoạn 2 năm nay. Trong khi đó, các gói hỗ trợ của nhà nước đa phần rất khó tiếp cận. Doanh nghiệp cũng rất khó vay được vốn ưu đãi, ngay kể cả khi vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ vì không có tài sản thế chấp lâu dài để tiếp tục vay vốn.

Nhiều hỗ trợ chưa thật sự sát với thực tế

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có 6 tháng đầu năm 2021 hoạt động cực kỳ hiệu quả với lợi nhuận đạt khoảng 90% kế hoạch năm và đã vượt mức lợi nhuận của năm 2019 (thời điểm chưa xuất hiện Covid-19) nhưng Vinatex cũng đã gặp bộn bề khó khăn trong đợt dịch lần thứ 4 này. Phó Tổng Giám đốc Vinatex Phạm Nguyên Hạnh cho biết, hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh đã có những diễn biến bất lợi tăng nhanh, lao động tại một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn tại phía Nam đã phải tạm thời ngừng việc.

Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan đã kịp thời ban hành, chỉ đạo, tổ chức triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thông qua Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-Ttg về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, Vinatex đã gặp phải một số vướng mắc trong vấn đề hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trong chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chưa kể, Vinatex còn vướng một số vấn đề chưa đáp ứng được điều kiện đưa ra. Ví dụ, do một số doanh nghiệp của Tập đoàn có nhiều chi nhánh, nhà máy thành viên ở các địa phương khác nhau. Công ty mẹ có trụ sở chính nằm ở địa bàn không có dịch bệnh nhưng chi nhánh sản xuất lại đóng tại địa phương phải thực hiện giãn cách, như Công ty Sợi Phú Bài có trụ sở chính tại khu công nghiệp Phú Bài (Thừa Thiên Huế) nhưng có chi nhánh nhà máy Sợi Phú Xuyên Hà Nội. Chi nhánh nhà máy Sợi Phú Xuyên không đủ điều kiện tổ chức sản xuất theo phương án 3 tại chỗ nên phải dừng hoạt động nhưng không được giải quyết chính sách hỗ trợ.

Hoặc trong chính sách đào tạo lao động, nếu thực hiện như đã đề ra sẽ gặp khó khăn do có sự chênh lệch về nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp với thực tế đào tạo của địa phương. Do đó Vinatex kiến nghị nên giao cho Tập đoàn làm đầu mối thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ người lao động theo đúng mục đích chuyển đổi cơ cấu công nghệ theo chuỗi cung ứng dệt may, thay cho việc từng người lao động phải đăng ký với các địa phương như yêu cầu.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cũng đánh giá, Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-Ttg không những là chính sách hỗ trợ, mà còn là chính sách “cứu” người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn này nhưng có nhiều hỗ trợ chưa thực sự sát với tình hình doanh nghiệp hiện nay. Có một số điều kiện, chính sách cần thay đổi như vấn đề điều chỉnh tăng số giờ làm thêm của người lao động.

Ông Cẩm cho rằng, cần cho phép doanh nghiệp thực hiện tăng giờ làm thêm trong ngày nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu giờ làm thêm trong một tháng để doanh nghiệp vừa kịp thời hoàn thành đơn hàng trong bối cảnh dịch bệnh, vừa không vi phạm quy định của pháp luật lao động. Đồng thời ông cũng kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm việc với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động bằng Quỹ Công đoàn.

Ngày họp báo công bố gói 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã khẳng định “thủ tục tiếp nhận chỉ có bớt chứ không có thêm, thời gian giải quyết chỉ có giảm chứ không có tăng” nên hầu như tất cả doanh nghiệp và người lao động đều rất trông chờ vào sự thay đổi sớm nhất từ Chính phủ và các bộ ngành để gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng thực sự đến được với đối tượng thụ hưởng.

Đọc thêm