Nhân lên sự tử tế

(PLO) - Sau câu chuyện hiến tạng xúc động của cô bé 7 tuổi Hải An, trong hơn 10 ngày qua đã có gần 1.000 người đăng ký hiến tạng. Đây là cái kết tốt đẹp ngoài sự tưởng tượng. 
"Thiên thần" Hải An 7 tuổi đã hiến giác mạc sau khi qua đời (Nguồn ảnh: Trung tâm điều phối ghép tạng)

Chính một lãnh đạo Trung tâm Điều phối quốc gia (TTĐPQG) về ghép bộ phận cơ thể người cũng nói, đây là con số kỷ lục. Theo Trung tâm này, ngày nhiều nhất có gần 100 người đăng ký hiến, trong khi trước đó mỗi ngày chỉ có 4 - 5 người. Đường dây nóng của trung tâm liên tục nóng máy cả ngày lẫn đêm để hướng dẫn thủ tục. Như vậy, kể từ sau khi bé Hải An qua đời đến nay, tổng cộng có gần 1.000 người đăng ký hiến tạng (trên tổng số 1.200 người hiến từ đầu năm đến nay) theo 2 kênh: Trực tiếp đến trung tâm hoặc đăng ký qua mạng. 

Như vậy trong 5 năm qua, số người đăng ký tạng trên cả nước đã vượt trên 13.000 người, trong đó có 85 trường hợp đăng ký khi còn sống, 213 người đăng ký hiến xác, còn lại hiến mô tạng sau khi chết não. Trong số những người đến đăng ký vừa qua có nhà sư từ Thái Lan về và 1 sư cô từ Quảng Trị cùng rất nhiều diễn viên, một số MC của Truyền hình Việt Nam. Hầu hết mọi người chia sẻ đã từng tìm hiểu và có ý định nhưng vì nhiều lý do nên chưa đủ can đảm. Câu chuyện xúc động của cô bé 7 tuổi Hải An, đã tạo động lực để mọi người viết đơn đăng ký.

Theo lãnh đạo TTĐPQG về ghép bộ phận cơ thể người, hiện Việt Nam có trên 16.000 người bị suy tim, gan, thận, phổi...đang chờ ghép tạng và khoảng 6.000 người chờ ghép giác mạc. Tuy nhiên nguồn tạng đang rất thiếu, 5 năm qua, chỉ có 25 trường hợp đồng ý hiến tạng khi chết não.

Như vậy, chúng ta đang rất, rất cần hiến tạng. Việc hiến tặng nội tạng, bộ phận cơ thể để ghép chữa cho người bệnh là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đáng tiếc, như trên đã nói, ở Việt Nam số người “vượt qua chính mình” hiểu được giá trị nhân văn của việc hiến tạng để giúp ngành Y tế cứu người còn hết sức ít ỏi. Khi biết đến câu chuyện của bé Hải An, nhiều trẻ em đã hỏi bố mẹ rằng, sau này nếu con qua đời, con có thể làm như em ấy được không? Như vậy, câu chuyện của bé Hải An, có giá trị như một “thông điệp”, tạo sức lan toả cực kỳ lớn trong xã hội. 

Cuộc sống vốn muôn màu. Hàng ngày chúng ta được chứng kiến, được biết đến bao câu chuyện đau lòng của thời tôn trọng giá trị vật chất như hiện nay. 

Do vậy, hãy tạo nhiều không gian nhỏ, văn minh, tử tế trong tất cả mọi lĩnh vực. Ở đó, mọi người đều cư xử với nhau tử tế, dám lên tiếng bài trừ những hành vi xấu thì những người chưa tử tế sẽ phải tự điều chỉnh mình. Hãy thay đổi vì xã hội, đừng ngồi chờ xã hội thay đổi để kéo mình theo. Hãy coi sự tử tế là một nhân sinh quan, nó luôn hiện diện trong bản thân mình ở mọi hoàn cảnh, đừng để nó chỉ là một cơn sóng hay một trào lưu, nhanh đến nhưng cũng sớm tàn.

Đọc thêm