Năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, các chính sách kịp thời, hiệu quả để an sinh, an dân đã được triển khai.
“Trong thành công chung đó, có sự đóng góp quan trọng của những người làm CTXH cả nước, đặc biệt là đội ngũ nhân viên, cộng tác viên CTXH tại các bệnh viện, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma tuý, cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng. Thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, nhân viên CTXH đã không quản gian khổ, hiểm nguy tận tụy chăm sóc, trị liệu tâm lý cho các bệnh nhân COVID-19 và các đối tượng cần trợ giúp xã hội…” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Có thể nói, Việt Nam là nước có số lượng đối tượng cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH lớn. Để trợ giúp đối tượng yếu thế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 10 năm triển khai Đề án phát triển nghề CTXH, các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH được phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Đến nay, rất nhiều mô hình Trung tâm CTXH đã vận hành rất hiệu quả. Các Trung tâm này cung cấp dịch vụ CTXH cho hàng ngàn lượt đối tượng, như: Đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác.
Các tỉnh, thành phố đã thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH tương đối rộng khắp, với khoảng 235 nghìn người làm CTXH, trong đó: Trên 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp, trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH thì hiện nay, đội ngũ các bộ, nhân viên ngành CTXH còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), hiện nay ở nông thôn giới trẻ ngày càng giảm, người cao tuổi chiếm số đông dẫn đến tình trạng già hóa dân số.
Để giải quyết vấn đề này cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho xã hội già hóa bao gồm cán bộ CTXH và người chăm sóc có quy chuẩn về chất lượng, cũng như quy định tiêu chuẩn và gắn trách nhiệm cụ thể trong giám sát chất lượng dịch vụ. Cần hiểu đúng về vấn đề chăm sóc xã hội; cần có định hướng chiến lược xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội, xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống điều phối phối hợp và quy định, giám sát chất lượng dịch vụ.
Ở góc độ nhân lực, về đào tạo dài hạn, Đề án phát triển nghề CTXH đã hỗ trợ Bộ GD-ĐT nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo CTXH hệ cử nhân ở 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH. Về đào tạo ngắn hạn, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các trường đại học đã tổ chức đào tạo 500 giảng viên dạy nghề CTXH cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước; đào tạo 8 lớp 320 cán bộ, quản lý CTXH cấp cao tại 2 miền Nam - Bắc…
Ông Bùi Tiến Dũng - chuyên gia của Bộ GD-ĐT cho biết, ngành Giáo dục có sự tham gia từ sớm trong việc phê chuẩn mã ngành đào tạo CTXH năm 2004. Bộ GD-ĐT cũng phê duyệt đề án phát triển nghề CTXH. Gần đây nhất Thông tư 33/2019 đã được phê duyệt trong việc quy định nhiệm vụ của nhân viên CTXH trong trường học. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức được phê duyệt về vị trí hay mã số nghề nghiệp của nhân viên CTXH trong lĩnh vực giáo dục, từ đó hạn chế việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.