Nhăn nhó, 'vắt chân lên cổ' vì con nghỉ Tết sớm

(PLVN) - Nhiều phụ huynh “cuống cuồng” tìm cách gửi con, thậm chí "kẹp con" tới công sở, đi giao hàng... "Mặt vợ lúc nào cũng nhăn như bị, hỏi đến là gắt, mình cứ phải nhịn", anh Nguyễn Quang Đức (Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) than.
Nhiều trường học ở Hà Nội thông báo cho học sinh nghỉ.
Nhiều trường học ở Hà Nội thông báo cho học sinh nghỉ.

Khi có tin dịch bệnh bắt đầu tái phát ở Hà Nội, vợ chồng chị Nhã Quyên (trú phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) đã thu dọn quần áo đưa con nhỏ 4 tuổi về gửi ông bà ở Bắc Giang. Chị Quyên chia sẻ, hai vợ chồng phải đi làm giờ hành chính, dự đoán có thể các trường sẽ cho học sinh ở nhà để phòng dịch nên quyết định xin phép giáo viên cho con nghỉ Tết sớm.

"Sáng 31/1 đưa con về, thì chiều có tin Hà Nội cho học sinh nghỉ ở nhà. Hai vợ chồng thở phào bảo nhau thật sáng suốt", chị Quyên kể với đồng nghiệp. “Ngoài lý do không thể sắp xếp được người ở nhà trông con thì việc đưa con về quê giúp mình yên tâm hơn vì ở quê ít người, tkhông gian thoáng, tiếp xúc hạn chế, đỡ nguy cơ dịch bệnh”. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng "thu xếp ổn thỏa" đươcj như vợ chồng chị Quyên, Minh Tú (29 tuổi, quê Phú Thọ), làm kế toán một công ty cung cấp rèm cửa tại Hà Nội, đang “vắt chân lên cổ” khi dịch Covi-19 tái xuất tại Hà Nội. Có 2 con trai 5 tuổi và 2 tuổi, hàng ngày Tú và chồng thay phiên nhau đưa đón con đi học tại trường mẫu giáo gần nhà.

Cuối năm công ty bận rộn nhiều việc, các trường cho học sinh ở nhà, vợ chồng cô bước vào “cuộc chiến” mới là vừa đi làm vừa trông con. Tú kể: “Em đang “vỡ trận” đây. Hai vợ chồng cuối năm vẫn phải đi làm vì sợ nghỉ lại bị cắt thưởng cuối năm. Ban đầu dự định cho 2 đứa về quê nhờ ông bà trông giúp nhưng thằng thứ 2 bám mẹ quá nên không đưa đi đâu được”.

Sau khi tính mọi phương án, Tú đành nhờ một người trông trẻ quen biết với giá 150 ngàn/ngày trông đứa trẻ thứ 2 còn cậu cả thì theo mẹ đến công ty. “Thằng bé nhà em hôm trước bị phế quản, uống kháng sinh cả tháng nay lại tiêu chảy nên đi làm cũng lo lắm. Nhưng cuối năm phải làm sổ sách bận quá. Người ta cũng chỉ đồng ý trông 2-3 ngày nữa thôi. Trường hợp bí bách quá thì bố mẹ thay phiên nhau nghỉ trông con thôi chứ biết sao bây giờ”, Tú than vãn.

Nhà anh Nguyễn Quang Đức (Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) "như cái chợ", cũng đảo lộn sinh hoạt vì cả ngày phục vụ con gái và con trai đang học tiểu học. Anh không thể nghỉ làm, hai bên nội ngoại đều ở xa, vợ anh một mình vừa bán hàng online, vừa xoay sở với hai con. Khi phải giao hàng gấp, đường không quá xa, chị đành khóa đứa lớn ở nhà, "kẹp đứa bé" đi cùng. 

"Hai vợ chồng "vắt chân lên cổ" không hết việc. Mình chỉ về buổi tối mà đau hết cả đầu, hết đứa này mách đứa kia mách, rồi đứa khóc đứa cười, có khi cả hai đứa cùng cười cùng khóc", anh Đức kể rồi than. "Mặt vợ lúc nào cũng nhăn như bị, hỏi đến là gắt, mình cứ phải nhịn". 

Chị Nguyễn Thị Phương (36 tuổi, Nam Định) có 3 con (lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 16 tháng), tháng 4 này chuẩn bị sinh thêm. Trường thông báo nghỉ học, chị yên tâm hơn vì hai con gái đã lớn có thể trông em được. Chị bộc bạch: “Ban đầu định cho mấy đứa về quê nhưng bà ngoại gần đây đau ốm thường xuyên, đành quyết định cho con ở lại Hà Nội. Bố mẹ đi làm tranh thủ chốc lát về trông con. Chỗ tôi làm cách nhà có 700m. Hàng ngày hai con gái cũng phụ mẹ trông em được rồi, còn cơm nước thì trước khi tôi đi làm đã chuẩn bị, gần đến trưa chỉ hâm lại thức ăn thôi”.

Chị Phương mong dịch qua đi nhanh chóng để đón Tết bên gia đình nội ngoại nhưng trường hợp xấu chị tính đến phương án ở lại thủ đô. “Tôi ở khu Xuân Phương nên cũng thấy nghi ngại, nhỡ đâu mình tiếp xúc với người dương tính chưa được định danh về quê lại lây cho mọi người thì khổ. Thôi thì cứ tính đến phương án ăn Tết ở Hà Nội cho người thân khỏi thấp thỏm chờ đợi và lo lắng”.

Đọc thêm