Nhân rộng mô hình hay để cứu môi trường

(PLO) - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội một số khu xử lý rác thải sinh hoạt đã xảy ra sự cố khiến nhiều địa phương rác thải bị ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong dư luận. Trước những diễn biến phức tạp về tình hình môi trường, xuất phát từ thực tế nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thiết thực đã được triển khai, góp phần nâng cao ý thức người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường.
Chiến dịch thu gom rác được dư luận ủng hộ.

Nan giải “bài toán” môi trường

Theo một báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện môi trường nước ta đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế xã hội. Hằng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Trong khi đó, hiện cả nước có 458 bãi chôn lấp rác thải, nhưng có tới 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát sinh một khối lượng nước thải lớn. 

Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chỉ tính riêng khu vực ngoại thành mỗi ngày phát sinh hơn 2.100 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, do một số công trình của thành phố đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện nên không thể đáp ứng nhu cầu xử lý rác của tất cả các huyện. Vì vậy, trên địa bàn 17 huyện mỗi ngày tồn đọng gần 670 tấn rác thải sinh hoạt… 

Từ nguyên nhân này đã nảy sinh ra không ít sự việc mâu thuẫn không đáng có. Mới đây, ngày 8/1 hàng trăm người dân ở thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu - Ứng Hòa đã tập trung gây ùn ứ Quốc lộ 21B để đề nghị xã và huyện phải đóng cửa điểm tập kết rác thải sinh hoạt gây bức xúc suốt một thời gian dài trong thôn. Sau khi sự việc phát sinh, chính quyền địa phương gấp rút khắc phục mới phần nào làm dịu bớt nỗi bức xúc của người dân. 

Ở khía cạnh khác, trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí về môi trường luôn bị các địa phương nhìn nhận là khó “ghi điểm” tuyệt đối. Chẳng hạn như trường hợp xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015 nhưng khi đánh giá vẫn bị trừ 0,5 điểm tiêu chí môi trường. Và từ năm 2015 đến nay, địa phương này vẫn chưa “trả nợ” được điểm cho tiêu chí này. 

Dẫn như vậy để thấy rằng, hiện ô nhiễm môi trường đang là nỗi nhức nhối, bức xúc chung của nhiều địa phương. Và công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, làng nghề, chất thải chăn nuôi... đang là vấn đề “nóng” cần đặc biệt chú ý.

Biến bãi rác thành vườn hoa 

Rõ ràng, bảo vệ môi trường đã và đang là vấn đề hiện hữu, được xã hội nhìn nhận, chú trọng. Minh chứng dễ thấy là, hiện không ít mô hình thu gom, xử lý rác thải đã manh nha triển khai, thu được hiệu ứng tích cực từ xã hội. Dự án “biến bãi rác thành vườn hoa” là một ví dụ. 

Theo đó, ý tưởng “biến bãi rác thành vườn hoa” bắt nguồn từ một sinh viên Học viện Báo chí tên Đào Thanh Tùng cùng nhóm bạn “Sen trong phố”. Bước đầu, nhóm tìm kiếm và khảo sát các bãi rác phát sinh trên địa bàn Hà Nội, sau đó thu dọn rác thải, xây dựng vườn hoa tại chính các bãi rác phát sinh. Ngoài ra, nhóm còn tiến hành xây dựng các đội tự quản, chăm sóc vườn hoa sau khi dự án kết thúc. Hiện nhóm “Sen trong phố” đã nhân rộng mô hình này ra tại nhiều quận trên địa bàn thành phố như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy...

Tương tự, chiến dịch “Thu gom rác thải điện tử tận nhà” của tổ chức Việt Nam Tái Chế thời gian gần đây cũng nhận được những phản hồi tích cực từ dư luận. Theo tìm hiểu, chiến dịch này được tổ chức thông qua phương cách phối hợp với các UBND xã, phường… Sau khi nắm bắt tình hình, những cơ quan này cùng với tình nguyện viên và các thành viên của Việt Nam Tái Chế đến từng nhà để tuyên truyền và thu gom rác thải điện tử. 

“Bằng cách trực tiếp đến từng hộ gia đình và thu gom các thiết bị điện tử hư hại ngay tại thời điểm đó, chúng tôi mang đến sự tiện lợi cho người dân và mong rằng bằng cách này, họ sẽ tiếp tục ủng hộ chương trình và mang các thiết bị điện tử đã qua sử dụng đến các điểm thu hồi một cách tích cực hơn. Đồng thời, nhân viên của chúng tôi sẽ giải thích cặn kẽ với người dân về chương trình và nêu bật lợi ích của việc tái chế rác thải điện tử đúng cách trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của mọi người” – Bà Miriam Lassernig, phát ngôn viên của tổ chức Việt Nam Tái Chế chia sẻ. 

Được biết, hiện chiến dịch “Thu gom rác thải điện tử tận nhà” đã tiếp cận với hơn 32.000 hộ gia đình tại TP Hồ Chí Minh và các khu vực thuộc Hà Nội như: phường Quán Thánh, Thành Công (quận Ba Đình); phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm); phường Nghĩa Tân, Yên Hòa (quận Cầu Giấy).

Tương tự, mô hình “xe đạp xanh” do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội thí điểm tại quận Hoàn Kiếm thời gian gần đây cũng phát huy được những hiệu quả nhất định. Theo đó, mô hình này được đánh giá là giúp cải thiện tốt hơn công việc, tăng năng suất cao hơn so với cách thu gom đi bộ nhặt rác. Kịp thời thu gom rác, giữ cho bộ mặt đô thị luôn sạch đẹp, làm thay đổi ý thức của cộng đồng trong giữ gìn vệ sinh chung. “Xe đạp xanh” cũng đặc biệt phù hợp với những nơi xe chuyên dụng không vào được, nhất là những góc hẹp, ngõ nhỏ, phố nhỏ, vỉa hè, vườn hoa... 

Khách quan nhìn nhận, với các mô hình mới như trên dù thời gian triển khai chưa lâu, song không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực mang lại đối với môi trường Hà Nội. Đặc biệt là những tác động tích cực đến ý thức của mỗi người dân và tạo hình ảnh về một thành phố văn minh, thân thiện. Thiết nghĩ, từ thực tế phát sinh liên quan đến môi trường, các Ban, nghành liên quan cần xem xét nhân rộng những mô hình tích cực tương tự để từ đó mang lại hiệu quả hơn nữa trong việc giữ gìn Hà Nội xanh, sạch, đẹp.

Đọc thêm