Gian nan tìm lại rừng xưa
Theo chân những thành viên của tổ bảo vệ rừng dẻ, chúng tôi ngược theo con đường nằm giữa cánh đồng lúa nước. Trong cái nắng xế trưa hiện ra trước mắt chúng tôi là bạt ngàn dẻ ôm khăng khít, trải dài khắp cả triền tây.
Còn nhớ, từng có thời điểm gần 2.000 ha đất rừng nguyên sinh ở xã Quảng Lưu do không được bảo vệ nghiêm ngặt, vô tình đã trở thành một “miếng bánh” hổ lốn của dân trong vùng và các xã lân cận. Người ta mặc nhiên tìm đến khu rừng để khai cùng, xẻ tận. Người thì đốn củi lấy thang, kẻ thì chặt phá, đốt để làm nương rẫy trồng ngô, sắn…
Rừng già dần bị cạo trọc, trở nên hoang hóa. Trên những nẻo rừng nguyên sơ chỉ còn ẩn chứa sự chết chóc, đây đó thấy âm ỉ những đám cháy dài ngày. Bên những cánh đồng của xã Quảng Lưu lúc bấy giờ, bông lúa vào mùa gặt trở nên héo hon vì thiếu nước tưới.
Đến mùa mưa, lũ bá hoành hành đê điều không ngăn nổi. Sóng lũ rền rống như muốn cuốn trôi tất cả. Rừng cây dần bị “xóa sổ”, thiên tai càng khắc nghiệt, chỉ còn lại những mái nhà bạc phách ẩn giấu sự nghèo đói, lam lũ.
Trước tình trạng trên, chính quyền xã Quảng Lưu hết sức đau đầu mong tìm được kế sách để tái sinh lại rừng dẻ. Sau nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến của những người dân, đến năm 1990, UBND xã Quảng Lưu quyết định “đóng cửa rừng” vĩnh viễn. Đồng thời kêu gọi người dân tham gia chung tay bảo vệ rừng dẻ. Ông Biền Ngân, lúc bấy giờ là Chủ tịch kiêm Bí thư UBND xã Quảng Lưu (nay giữ chức Bí thư xã Quảng Lưu), đứng ra gấp rút thực hiện quyết sách “cấm cửa rừng”.
Những ngày đầu mới phát lệnh “cấm rừng”, nhiều người dân đứng ra phản đối. Bởi, họ cho rằng làm vậy khác nào ép vào con đường cùng. Rằng trên địa bàn xã chỉ có 541ha đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đó xã Quảng Lưu lại có gần 2.000ha đất rừng và lại là một xã bán sơn địa, quanh năm hơn 6.000 người dân chỉ biết sống dựa vào núi. Bức xúc càng lên đến tột đỉnh, nhiều người thậm chí còn kéo đến UBND xã để chửi bới, nói xấu vì đã “dồn họ vào con đường cùng”.
Đứng trước những khó khăn trên, chính quyền xã Quảng Lưu đã bền gan vừa vận động tuyên truyền, vừa tìm tìm sinh kế mới để giải quyết việc làm cho những hộ dân đang bám rừng. Những năm đầu, Hội Cựu chiến binh xã đứng ra đảm nhận công tác bảo vệ rừng.
Những thành viên được chọn, phải gương mẫu đi đầu không tham gia phá rừng và phải là người dân tin tưởng, một lời nói ra trăm họ đều tuân theo. Sau đó xã lập hẳn một ban bảo vệ rừng do lực lượng công an xã đứng ra đảm nhiệm.
Ngày hôm nay khu rừng vàng ở xã Quảng Lưu đã sinh lợi, dân làng hứng khởi vô cùng. Nhưng đằng sau những thành quả lớn lao đó, những người đã từng đứng ra dám “chống” lại lệ làng đã phải chịu đựng biết bao cay đắng, có khi là cả máu và nước mắt.
|
Tổ bảo vệ rừng dẻ đang luồn rừng đi tuần tra – Để hồi sinh lại rừng dẻ xanh rậm rì cho ra tiền tỷ ngày hôm nay thì những thành viên trong tổ bảo vệ rừng dẻ từ 20 năm trước đến nay phải chịu nhiều cay đắng thậm chí phải trả bằng máu và nước mắt… |
Khi rừng vàng đơm hoa kết trái…
Dần dần khi cánh rừng đã xanh trở lại, những mùa hạn sau đó con nước trên các hồ, đập đã đáp ứng đầy đủ cho việc tưới tiêu của dân làng. Không còn nữa những cánh đồng mất vụ vì khô cằn, hay lũ cuốn. Trên những gương mặt mướt mồ hôi, đã thấy rạng rỡ hẳn lên, cánh đồng vàng rộm với những bông lúa cong cớn như những chiếc cần câu vàng.
Rừng dẻ gân guốc ôm ấp nhau phủ kín những đồi trọc. Khu rừng vàng đã đơm hoa kết trái. Mùa dẻ rụng hạt năm nào cũng thế, người dân khắp vùng lại đổ về để nhặt hạt dẻ, mỗi một mùa dẻ đều là thời điểm “hốt bạc tỷ” của người dân nơi đây.
Ông Phan Văn Đản – Phó Công an xã Quảng Lưu (một trong những thành viên của tổ bảo vệ rừng dẻ) khoe: “Thường thì mùa dẻ bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm. Những ngày dẻ rụng hạt, người dân ở các xã lân cận đã đổ về đây để cùng dân làng Quảng Lưu nhặt dẻ rừng.
Hạt dẻ bán ra càng lúc càng lên giá, nên đến mùa dẻ có mấy cũng hết, người dân bán ra cũng nhanh lắm. Có những hộ mỗi tháng thu về 15 đến 20 triệu từ việc nhặt dẻ rừng, nhờ rừng dẻ mà hiện tại đời sống mọi mặt của người dân nơi đây được khởi sắc lên rất nhiều”.
Những năm xã Quảng Lưu vào mùa hạt dẻ, các thương lái ở khắp nơi đổ về để tận mua. Sau đó, phân bố ra khắp các thị trường như Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội… Dẻ Quảng Lưu ngày nay đã có thương hiệu riêng, cánh rừng vàng đã “đẻ” ra tiền tỷ mỗi năm cho người dân toàn xã Quảng Lưu.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Quảng Lưu, mỗi năm trung bình sản lượng hạt dẻ của người dân khoảng 100 – 120 tấn, với giá bình quân 20.000/kg mang lại nguồn thu hơn 2 tỷ đồng cho người dân toàn xã. Tuy nhiên, trên thực tế sản lượng lớn hơn nhiều. Bởi không chỉ có người dân Quảng Lưu, người dân các xã lân cận như Quảng Tiến, Quảng Châu, Quảng Thạch... cũng tìm đến để nhặt hạt khi mùa dẻ về.
Ông Hồ Thăng Long – Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, hồ hởi tâm sự: “Rừng dẻ không những là nơi sinh thủy, che chắn thiên tai cho dân làng mà còn sinh ra tiền nữa. Công cuộc tái sinh rừng dẻ của những người đi trước tuy gặp vô vàn khó khăn nhưng đã gặt lại kết quả hơn cả mong đợi, nên ai ai cũng thỏa nguyện. Ngày nay, người dân họ đã ý thức được việc giữ rừng là giữ lấy sự sống và nguồn nước nên đã cùng đứng ra để chung tay bảo vệ rừng dẻ.
Mừng nhất là những hôm rừng dẻ vào mùa rụng hạt, đây đó trên các khu rừng người đến kẻ đi cứ tấp nập hẳn lên. Nhiều hộ dân trước kia còn nghèo khó lắm, cho đến bây giờ nhờ tận thu được hạt dẻ mỗi năm nên có thêm khoản dư để đầu tư vào chăn nuôi, đã vươn lên trở thành hộ khá hộ giàu trong xã.”
Đơn cử như gia đình chị Lê Thị Tuyết (thôn Vân Tiền) đã được nhận khoán bảo vệ gần 5ha rừng dẻ. Những mùa dẻ rụng hạt, cả gia đình chị nhặt được gần 1 tấn dẻ cho thu 15 đến 20 triệu mỗi mùa. Ấy vậy là gia đình chị có thêm khoản thu nhập để chăn nuôi, trồng trọt, lập trang trại giữa đồi dẻ bạt ngàn xanh tốt. Chẳng mấy chốc mà đã vươn lên thành hộ giàu trong xã.
Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó chỉ huy Quân sự xã Quảng Lưu (một thành viên trong tổ bảo vệ rừng dẻ) cho biết thêm: “Những năm trở lại đây, lúa cũng được mùa mà dẻ cũng sai trái trĩu cành nên bà con đã nhận thức được tầm quan trọng của rừng dẻ.
Chỉ cần có người vào chặt phá rừng dẻ là họ báo lên liền, nhờ vậy mà rừng dẻ được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Rừng dẻ được tái sinh chẳng những người dân xã Quảng Lưu mà những xã lân cận trước kia hay tìm đến đây để phá rừng cũng được lợi theo”.