Nhất định ly hôn vì vợ không cho đứng tên chung trong sổ đỏ

(PLO) -Hai vợ chồng đang sống hạnh phúc, bỗng dưng đưa nhau ra tòa đòi ly hôn. Người thân hoang mang, bạn bè ngỡ ngàng. Lý do ly hôn tưởng chừng rất đơn giản: Vì người vợ nhất quyết không cho chồng cùng đứng tên thửa đất mà cha mẹ chị cho tặng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Ngã rẽ bất ngờ

Gia đình ông Lê Văn Tâm (67 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) xưa nay là hình mẫu lý tưởng mà nhiều người khác mơ ước. Cuộc sống của họ luôn đầm ấm, hạnh phúc khiến ai ai cũng ngưỡng mộ.

Khi con cái thành tài, công việc ổn định, ông bà cũng dần dần lớn tuổi, thảnh thơi vui thú điền viên. Cả hai cô con gái và cậu con trai đều lấy vợ lấy chồng. Ông bà Tâm “cắt” cho mỗi người con một miếng đất làm nhà ở. Tổ ấm ngày xưa giờ hóa thành bốn mái ấm nhỏ, 4 ngôi nhà san sát bên nhau, con cái, cha mẹ, ông bà sống quây quần, nắng mưa, sớm tối nương tựa vào nhau.

Tiếng là ở thành phố, nhưng khu vực ngoại thành, nên đất đai chẳng có giá mấy. Nhưng kể từ ngày con đường trước nhà được mở rộng đẹp hơn, đất đai bỗng chốc nhảy vọt lên chóng cả mặt. Thấy mình tuổi đã cao, vợ chồng ông Tâm nghĩ đến chuyện làm giấy tờ cho các con tài sản. 

Con trai, con gái, đều được ông bà cho phần bằng nhau. Ngày trước, ông bà đã “cho miệng”, mỗi đứa 200m2 đất làm nhà ở (100m2 đất ở, 100m2 đất vườn liền kề). Sau khi làm thủ tục tách thửa, mỗi người con sẽ đứng tên quyền sử dụng đất trên phần đất mình được cho. Đất ở thành phố, vốn dĩ tấc đất tấc vàng, 200 m2 là một tài sản lớn, giờ phải tính bằng tiền tỷ. 

Đôi vợ chồng già thì yên tâm, vì con cái đã hoàn toàn ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp. Cha mẹ già có nhắm mắt xuôi tay, thì cũng không còn điều gì phải lo nghĩ. Nhưng không bao lâu sau, vợ chồng ông bà Tâm bỗng rối như tơ vò, mà người dân trong xóm cũng ngỡ ngàng khi vợ chồng cô út ra tòa bỏ nhau, nguyên nhân vì chuyện đứng tên đất.

Vợ chồng anh con đầu cũng lục đục, vì anh này nhất định không chịu tách thửa.Vợ chồng ông Tâm rầu rĩ, suốt ngày đứng ngồi không yên. Hễ ai hỏi thăm chuyện nhà, bà cũng bần thần than thở: “Có của mà chia cho con, chưa chắc đã là phúc”.

Thiếu niềm tin

Về gia đình cô con gái út, trong buổi hòa giải đầu, người chồng là nguyên đơn trong vụ án chỉ đưa ra lý do vợ chồng không hợp nhau, cuộc sống chung nảy sinh nhiều mâu thuẫn không thể hóa giải, từ đó quyết định ly hôn. Nhưng những lần làm việc sau đó, sự thật khiến hôn nhân của họ đổ vỡ mới “xì” ra. 

Nguyên nhân thực sự khiến người chồng muốn dứt áo ra đi, là vì cô vợ sau khi được cha mẹ cho đất, cô nhất quyết không nhập tài sản riêng này vào khối tài sản chung của hai vợ chồng. Cô cự tuyệt việc để anh cùng đứng tên trong “sổ đỏ” với vợ. Người chồng lý giải, như vậy có nghĩa vợ mình không yêu thương, tin tưởng chồng thật sự.

Anh cho rằng cô vợ coi tài sản to hơn tình nghĩa vợ chồng. Thậm chí trước đó, anh còn ra “tối hậu thư” với vợ, hoặc là để anh cùng đứng tên thửa đất, hoặc đường ai nấy đi, nhưng không ngờ vẫn không “lay chuyển” được vợ.

Người vợ cũng gay gắt giãi bày, chị cho rằng, nếu chồng mình yêu thương vợ thật sự, thì anh không cần phải lăn tăn chuyện ai đứng tên trong sổ đỏ. Với chị, đã là vợ chồng, sống chung với nhau đến đầu bạc răng long, cùng dắt tay nhau đi suốt cuộc đời, thì dù không có tên trong thửa đất, tài sản này vẫn là của chung của hai vợ chồng. Sau này con cháu tiếp tục thừa hưởng. Tài sản có chạy đi đâu mà lo. 

“Chính vì trước sau anh cứ khăng khăng đòi đứng tên trong sổ đỏ cho bằng được, nên tôi mới đâm ra nghi ngờ anh ấy có “âm mưu” gì khác. Chẳng lẽ anh ấy có dự định, sẽ không chung sống với tôi suốt đời? Nếu đã như vậy, thì khi ra tòa, chỉ chia nhau tài sản chung vợ chồng tạo lập được, chứ sao lại tham lam nhăm nhe cả miếng đất của cha mẹ tôi gầy dựng nên? Có chết, tôi cũng phải bảo toàn cho được đất đai , mồ hôi công sức cả đời của ông bà cho con cháu ruột thịt, không để lọt vào tay người ngoài, dù chỉ một tấc…”

Chuyện của vợ chồng con gái út bà Tâm, tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra lại vô cùng phức tạp, làm đau đầu cán bộ tòa án. Bởi vụ việc không phải chỉ là chuyện ai đứng tên trong sổ đỏ. Sâu xa đằng sau, cuộc sống vợ chồng họ hoàn tòa thiếu sự tin tưởng dành cho nhau nên mới dẫn đến việc như ngày hôm nay.

Tình huống đất đai chỉ là giọt nước làm tràn ly, đưa mọi thứ ra ngoài ánh sáng. Khi sự thật bị bại lộ, khiến cả hai đều hụt hẫng. Họ khẳng định tình cảm của họ bị tổn thương nghiêm trọng, đến nỗi nếu có trở về sống chung thì cũng không thể xóa nhòa vết thương trong lòng, nhất định không còn hạnh phúc.

“Tan đàn xẻ nghé” vì mảnh đất

Người anh cả chờ cô em út bên ngoài hành lang tòa án, bất giác khẽ thở dài, ánh mắt đăm chiêu. Vợ chồng anh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như cô em út, nhưng may mắn có chút nhẹ nhàng hơn, nên chưa đến nỗi phải kéo nhau ra tòa ly hôn. Anh cũng nghĩ, vợ chồng sống với nhau, là ăn đời ở kiếp. Nhưng chuyện trên đời, mấy ai biết được chữ ngờ.

Bao nhiêu cặp vợ chồng, hôm qua vẫn yêu thương ngọt ngào, đầm ấm hạnh phúc, mà ngày mai đã tan đàn xẻ nghé. Cha mẹ anh một đời cơ cực, mới gầy dựng được cơ ngơi. Lúc cha mẹ cắt đất cho vợ chồng anh làm nhà, anh rất vui, nhưng trong lòng chỉ muốn cha mẹ “cho miệng”, chứ không muốn ông bà sang tên cho.

Anh cũng như cô em út, sợ sau này hôn nhân tan vỡ, đất của cha mẹ lại bị “người kia” ẵm mất một nữa. Nhưng anh không “lộ liễu” như cô út, nhất quyết không cho người kia đứng tên chung, mà lần khần bằng cách không chịu đi làm sổ đỏ. Anh nói với vợ, mình không cần làm ăn, vay mượn thế chấp, nên chẳng cần sổ đỏ để cầm cố. Đất cha mẹ đã cho, thì là của mình, cứ thế mà ở, chẳng cần phải sổ này sổ kia làm gì. 

Nói với vợ là vậy, nhưng thật lòng anh cũng có ý khác. Anh muốn bảo tòan đất đai của cha mẹ cho, nhỡ đâu mai này có “biến”, sẽ không bị sứt sẹo. Vợ anh không chịu, bảo cha mẹ đã “cho đứt”, thì nên đi làm giấy tờ cho rạch ròi. Anh không nghe. Vợ chồng mỗi người một ý, như thể ai cũng có toan tính riêng cho mình, nên cãi nhau to, rồi chiến tranh lạnh kéo dài.

Phải đến lúc vợ chồng cô út kéo nhau ra tòa, anh mới giật mình tỉnh ngộ. Anh quyết định chiều theo ý vợ, đi làm sổ đỏ. Vợ anh chẳng biết nghĩ thế nào, lại nhất định chiều theo ý anh. Chị bảo, thôi thì cứ ở vậy đến hết đời trên mảnh đất ông bà cho, mà chẳng cần sổ đỏ sổ xanh gì cho rách việc.

Vợ chồng cô út cuối cùng cũng được tòa cho ly hôn. Còn người anh cả thì được một phen hú vía, suýt chút nữa gia đình cũng ngả nghiêng vì những toan tính cá nhân. Chỉ có đôi vợ chồng già ông bà Tâm là rầu rĩ, không ngờ vì chuyện đất cát, mà dẫn đến việc con gái ly hôn, hai đứa cháu ngoại bỗng chốc mất đi tổ ấm./.

Đọc thêm