'Nhặt lá xoá nghèo' ở nơi địa đầu Tổ quốc

(PLVN) - Lá giang có thể làm vỏ các loại bánh và lót đĩa trang trí thức ăn. Lá giang khi được sấy khô có mùi rất thơm đặc trưng nên được các nhà hàng khách sạn của Trung Quốc lựa chọn...
Lá Giang tươi được người dân thu hái và bán cho các cơ sở trên địa bàn
Lá Giang tươi được người dân thu hái và bán cho các cơ sở trên địa bàn

Cuộc sống của cộng đồng người Tày ở Bắc Quang (Hà Giang) đang thực sự đổi thay từng ngày. Điều mà người dân hoàn toàn tin tưởng đó là chính quyền địa phương và nhân dân sẽ chung sức vận dụng sáng tạo mọi sự hỗ trợ để giải quyết khó khăn, làm thay đổi mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây.

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Hà Giang đã thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó tạo nguồn lực giúp người dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Điển hình là huyện Bắc Quang (Hà Giang).

Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở Bắc Quang chiếm 13,9%, tương đương 3.709 hộ. Hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,4%, bằng 1.803 hộ, 7.000 khẩu. Mục tiêu hết năm 2020, Bắc Quang quyết tâm xoá nghèo cho 730 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống 4,01%.

Người dân Bắc Quang nay đã biết vận dụng vào nguồn nhân lực địa phương, và tài nguyên rừng vốn có để khai thác và sản xuất. Điển hình tại xã Quang Minh, huyện Bắc Quang (Hà Giang) các hợp tác xã, chủ cơ sở đã tìm tòi, học hỏi các phương pháp thu gom, sản xuất và xuất khẩu một nguồn nguyên liệu vốn lâu nay cứ ngỡ như không có tác dụng và là nguyên nhân của việc dẫn đến cháy rừng.

Lá Giang chuẩn bị được các nhân công tại xưởng chọn lọc đóng gói
Lá Giang chuẩn bị được các nhân công tại xưởng chọn lọc đóng gói 

Lá giang là một loại lá thuộc cây họ tre mà Hà Giang mới có nguồn nguyên liệu dồi dào, quanh năm. Cây Giang có một điểm đặc biệt là càng hái các lá to già đi thì càng phát triển và ra thêm nhiều lá mới, không ảnh hưởng đến điều kiện phát triển của cây, cũng như hệ sinh thái của rừng nơi đây.

Lá giang có thể làm vỏ các loại bánh và lót đĩa trang trí các loại thức ăn. Lá giang khi được sấy khô có mùi rất thơm đặc trưng nên được các nhà hàng khách sạn của Trung Quốc rất thích và lựa chọn để kết hợp với các món ăn. Vì vậy, lá giang chủ yếu là xuất khẩu cho các công ty Trung Quốc.

Trên địa bàn có rất nhiều các cơ sở thu mua và chế biến lá giang, điển hình là hợp tác xã Thanh Thản, một mô hình vượt lên cái khó để tồn tại và phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thản, Giám đốc hợp tác xã cho biết : HTX thành lập năm 2018 và đi vào hoạt động từ tháng 11 cùng năm. Thời điểm đầu hoạt động còn thiếu thốn về nhiều mặt nên chất lượng sản phẩm không được như mong đợi, trải qua thời gian và rút ra nhiều kinh nghiệm cho đến nay khâu sản xuất đã ổn định. Chỉ còn gặp khó khăn về vốn để mở rộng diện tích sản xuất trồng thêm cây giang và nâng cấp nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất sang các nước tiên tiến khác. Vì vậy, cần được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền về những mặt chưa hoàn thiện và giúp các cơ sở trên địa bàn có điều kiện phát triển trong thời gian tới.

Lá giang thường ngày được bà con nơi đây lên rừng thu hái, những chiếc lá to, đẹp nhất sẽ được bán lại cho các hợp tác xã và chủ cơ sở tại địa phương. Sau khi thu mua sẽ được chọn lọc lại rồi mang rửa sạch và sấy khô, đóng gói thành các túi nhỏ theo yêu cầu của khách hàng đặt.

Bà con nơi đây đi hái lá bán với mức từ 10-17 nghìn đồng - 1kg (lá tươi), trung bình thu nhập cho mỗi người bán lá hàng tháng từ 4-7 triệu đồng/tháng. Phía chủ cơ sở thu mua xong và qua các công đoạn chế biến đến khi ra thành phẩm sẽ bán được từ 23-80 nghìn đồng-1kg.

Nhờ vào nguồn nguyên liệu phong phú và có sẵn này tại nơi đây mà đời sống bà con nơi đây có thu nhập và ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo từ chính địa phương của mình. Người dân đã thay đổi tư duy làm ăn, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần ở các thôn, bản còn khó khăn.

Anh Nguyễn Xuân Cảnh ở thôn Minh Tâm, Xã Quang Minh, Bắc Quang,làm việc tại hợp tác xã Thanh Thản cho biết: “Từ ngày có việc làm tại hợp tác xã tôi có thêm thu nhập ổn định, là trụ cột chính của gia đình gồm vợ và 2 đứa con. Trước đây, gia đình tôi khổ lắm, cả năm chỉ trông vào vụ mùa (trồng lúa) nên không đủ tiền cho các con ăn học và sinh hoạt gia đình, nay mỗi tháng tôi đã nhận được 6-7 triệu đồng tiền lương, cuộc sống gia đình tôi thêm đầy đủ, con cái được đi học. Mong công việc đang làm được kéo dài để những người dân nghèo như chúng tôi được nhờ”.

Ông Lê Xuân Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Quang Minh chia sẻ, xã sẽ chú trọng phát triển HTX nông nghiệp, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ chung tay xây dựng nông thôn mới, mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào ở Bắc Quang.

Cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực của Đảng, Nhà nước được triển khai có hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Quang đã phát huy ý chí tự lực, chủ động vươn lên trong phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Đọc thêm