Nhiệm vụ từ trái tim

(PLVN) - Hơn 30 năm qua, Việt Nam đã là một trong những hình mẫu thành công trên thế giới về thành tựu xoá đói giảm nghèo. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hôm qua (24/12).

Thành tựu nhân văn

Thông tin về công tác xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) cho biết, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất trong chủ trương, chính sách và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân. Hơn 30 năm qua, Việt Nam đã là một trong những hình mẫu thành công trên thế giới về thành tựu xoá đói giảm nghèo.

Năm 2015, Việt Nam đã chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, với mục tiêu không chỉ bảo đảm thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin...

Trên cơ sở phương pháp tiếp cận mới, các chính sách và Chương trình giảm nghèo đã từng bước được thiết kế lại nhằm tạo điều kiện để người dân nói chung, người nghèo nói riêng tiếp cận thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù Việt Nam gặp nhiều thiên tai, bệnh dịch, ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã giành cho phúc lợi xã hội, đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Trong đại dịch Covid-19, nhiều người nghèo, kể cả lao động ở khu vực thành thị thiếu việc làm, Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người từ ngân sách nhà nước.

Với chính sách, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 3,75 cuối năm 2019, dự kiến chỉ còn dưới 3% năm 2020 (đây là mức giảm nghèo đa chiều nhanh so với thế giới), đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo.

Dự kiến hết năm 2020, hơn 32 huyện, trên 650 xã, 1.200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, nhiều huyện thoát nghèo tiêu biểu, vươn lên trở thành những vùng nông thôn mới trù phú, khang trang. Nhiều nhà máy, xí nghiệp ở các vùng nông thôn đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo “ly nông bất ly hương”. 

“Các kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019 đã giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn - với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo”- ông Đức thông tin, đồng thời khẳng định Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo.

Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 93.000 tỉ đồng.

Nỗ lực, quyết tâm lớn hơn nữa

 Việt Nam chịu tác động lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai, nên công cuộc giảm nghèo và chống tái nghèo còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại.

Điển hình là kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững tại một số địa phương; nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chưa hiệu quả...

Theo Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2015-2030 mà Liên Hợp quốc đã thông qua, Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm lớn hơn nữa, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm về công tác giảm nghèo. 

Trong đó, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm đến năm 2030 theo hướng kiên quyết loại bỏ các chính sách chồng chéo, không hiệu quả.

“Cùng với đó, sẽ giảm bớt, từng bước xóa bỏ chính sách hỗ trợ “cho không”; thực hiện mô hình tạo việc làm, mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với liên kết chuỗi giá trị... Chỉ khi người dân có việc làm, có thu nhập ổn định thì mới có thể thoát nghèo bền vững”- ông Tô Đức nói.

Bên cạnh những nhiệm vụ trên, chúng ta cũng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, ưu tiên trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào DTTS, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới, tác động cực đoan của dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Các Bộ, ngành, địa phương cần xác định giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện.

Thời gian tới, tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; đầu tư cho giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập...

Ngoài hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện cho người nghèo, Chính phủ và các địa phương cũng chú trọng ban hành các chính sách giảm nghèo đặc thù. Điển hình là các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020; chính sách học bổng cho con em hộ nghèo DTTS ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013-2020.

Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, như “Mỗi tổ chức, cá nhân giúp đỡ ít nhất một hộ nghèo” ở quận 11 TP Hồ Chí Minh; Chương trình “Đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo” ở tỉnh Quảng Nam và huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Đọc thêm