Nhiều bất cập trong hoạt động vận tải xe buýt tại Nghệ An

(PLO) - Nhằm xóa bỏ vấn nạn xe dù, bến cóc, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong những năm gần đây Nghệ An đã cấp nhiều tuyến xe buýt có điểm xuất phát từ thành phố Vinh đi các huyện, thị xã. Tuy nhiên, cũng vì “thông thoáng” trong việc cấp tuyến, điểm dừng đã gây ra nhiều bất cập cho người dân và doanh nghiệp.
Xe buýt tập trung tại ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Thái Học
Xe buýt tập trung tại ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Thái Học

Qua khảo sát trên địa bàn Nghệ An có 9 đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt với gần 300 phương tiện hoạt động, tất cả đều xuất phát từ thành phố Vinh đi các huyện, thị xã đã mang lại nhiều hiệu quả, bên cạnh đó cũng gây không ít bức xúc cho những người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhất là tại thành phố Vinh. Không ít người đã từng giật mình khi đang đi bỗng chiếc xe buýt vượt lên rồi đột ngột tạt ngang vào lề đường để đón hay trả khác.

Trao đổi với PLVN, bà Lê Thị Hằng ở phường Đội Cung, nhà gần ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Thái Học chia sẻ: “Nhiều hôm đi làm về phải mất gần 15 phút mới qua được ngã tư. Có hôm 3 đến 4 xe bus nối đuôi nhau bắt khách tại một điểm dừng, không biết vì răng (vì sao – PV) họ lại cho điểm dừng gần ngã tư. Bốn góc 4  điểm dừng, chưa hết điểm này lại đến điểm khác”.

Thực tế cho thấy lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong TP Vinh ngày càng gia tăng. Cùng với đó là việc các hãng xe buýt rượt đuổi, nối đuôi nhau tại các điểm dừng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tắc đường tại các “điểm đen” như: Đoạn đường Lê Lợi giao với đường Nguyễn Thái Học, Big C, Đại học Vinh... Theo quan sát của PV, tại các tuyến đường trong thành phố Vinh cứ khoảng 300m đến 400m lại có một điểm dừng xe buýt, nhất là các đoạn ngã ba, ngã tư đường 02 chiều thì các góc đều có điểm dừng.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Quế Sự - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, ông Sự cho hay: “Các điểm dừng xe buýt trong thành phố do Sở Giao thông Vận tải phối hợp với công an, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng nhau đi thực tế khảo sát rồi mới cho cắm biển, các điểm hay bị ùn tắc như: Đại học Vinh, Ngã tư đường Lê Lợi giao đường Nguyễn Thái Học ngày trước tất cả các tuyến chung nhau một điểm nhưng sau đó thấy bất cập chúng tôi đã thay đổi giãn ra phân tuyến theo các điểm” . 

Không thể phủ nhận việc mở nhiều tuyến, tăng chuyến xe buýt thời gian qua tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, việc cấp trùng tuyến, cấp tuyến quá dài dẫn đến cảnh tranh giành khách gây ra nhiều hệ luỵ. Xe buýt nối đuôi nhau vào đón khách tại điểm dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định; dừng quá thời gian; di chuyển không đúng hành trình; phóng nhanh, vượt ẩu gây mất trật tự an toàn giao thông, thậm chí lái xe các hãng khác nhau đánh nhau để trang giành bắt khách.

Một xe buýt dừng bắt khách sai quy định
Một xe buýt dừng bắt khách sai quy định

Một trong những doanh nghiệp đi đầu về kinh doanh vận tải xe buýt tại Nghệ An Công ty CP Đông Bắc. Ông Hoàng Ngọc Chính - cán bộ Công ty CP Đông Bắc chia sẻ: “Công ty chúng tôi hiện nay có 108 xe, chạy trên 06 tuyến. Thời gian đầu mới kinh doanh điều hành dễ dàng, bây giờ nhiều doanh nghiệp  cấp trùng tuyến cạnh tranh vất vả. Công ty chúng tôi có tuyến số 3 Vinh - Thanh Chương và tuyến số 26 Vinh - Quỳ Hợp, 2 tuyến này gần như trùng 100% với tuyến số 27 của Tân Phương Thảo và tuyến số 28 của Thạch Thành. Ngày trước chúng tôi luôn chấp hành quy định về tốc độ, điểm dừng... nhưng bây giờ nhiều hãng xe, lại trùng tuyến cạnh tranh nhau nên “buộc lòng” phải vi phạm quy định. Lái xe đánh nhau cũng vì tranh giành khách, tai nạn cũng vì phóng nhanh, vượt ẩu. Công ty chúng tôi đã có rất nhiều lái xe xin nghỉ việc vì bị lái xe, nhân viên bán vé các hãng khác đánh”. 

Ông Chính cho biết Công ty đã có kiến gửi UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An không cho phép điều chỉnh các hãng khác trùng tuyến, gây nhiều bất cập.

Trao đổi với PLVN về công tác quản lý, điều hành kinh doanh vận tải bằng xe buýt công cộng, ông Nguyễn Quế Sự cho biết: “Các phản ảnh của người dân chúng tôi tiếp thu và xử lý kịp thời. Hiện nay, tất cả các xe đều xuất phát từ nội thành phố Vinh đi các huyện, phần lớn đều đi qua Đại học Vinh, chúng tôi đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xe buýt nội thành, khi đó các xe đi các huyện, thị xã đưa ra ngoài sẽ đỡ lộn xộn hơn”.

Từ thực trạng bất cập trong hoạt động kinh doanh xe buýt trên địa bàn, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh nghệ An cần sớm có biện pháp chấn chỉnh về điểm dừng, luồng tuyến, cũng như việc chấp hành quy định của các doanh nghiệp để dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe buýt công cộng ngày càng hoàn thiện hơn.