Nhiều chính sách hỗ trợ lao động xuất khẩu

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2011 sẽ được hỗ trợ tiền học nghề, tiền ăn hàng ngày và tiền đi lại từ nơi cư trú đến nơi học…

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2011 sẽ được hỗ trợ tiền học nghề, tiền ăn hàng ngày và tiền đi lại từ nơi cư trú đến nơi học…

Ba đối tượng được thụ hưởng 

Nội dung trên được quy định tại Văn bản số 2620/LĐTBXH-QLLĐNN hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2011 do Bộ Lao động –Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) ban hành, gửi cho 9 địa phương gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định và Hậu Giang và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

szbf
Ảnh minh họa

Theo quy định, đối tượng được hưởng hỗ trợ gồm người lao động là thân nhân chủ yếu của người có công, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc, sinh sống tại tỉnh tham gia dự án, trong độ tuổi lao động, đủ điều kiện và có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không bao gồm người lao động thuộc 62 huyện nghèo đã được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 71/2009 của Thủ tướng).

Đối với doanh nghiệp tham gia dự án này phải không bị xử phạt vi phạm hành chính về tuyển chọn và đào tạo lao động trong thời gian 12 tháng qua.

Nhiều khoản hỗ trợ thiết thực

Bộ LĐTB&XH nêu rõ, mức hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (nếu có), tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học thực tế); hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài mức 532.000 đồng/khóa. Người lao động còn được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày trong thời gian học theo mức 15.000 đồng/người/ngày; tiền đi lại một lượt đi và về cho người lao động từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học trên 15km, tối đa 200.000 đồng/người; hỗ trợ các chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài như hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe, lệ phí lý lịch tư pháp.

Với các mức hỗ trợ trên, người lao động chỉ được hỗ trợ một lần cho từng nội dung. Trường hợp chi phí thực tế cao hơn hỗ trợ nêu trên thì học viên tham gia khóa học đóng góp hoặc ngân sách địa phương xem xét hỗ trợ. Hình thức hỗ trợ được quy định cụ thể như sau: Tiền hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động chi trả thông qua hợp đồng đặt hàng giữa Sở LĐTB&XH với doanh nghiệp xuất khẩu lao động ...

Tiền hỗ trợ tiền ăn, đi lại và chi phí làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài (hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp) thông qua doanh nghiệp tham gia dự án để chi trả cho người lao động.

Bộ LĐTB&XH cũng yêu cầu các Sở LĐTB&XH căn cứ hợp đồng đặt hàng đào tạo và danh sách người lao động tham gia đào tạo chuyển kinh phí cho doanh nghiệp để thanh toán học phí đào tạo và chi hỗ trợ cho người lao động. Các Sở LĐTB&XH hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn lựa chọn và lập danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ có nguyện vọng và đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Đông Quang 

Đọc thêm