Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng một vụ “chiếm đoạt tài sản” đang chờ được làm rõ

(PLO) - Sau khi bị TAND TP.Tuyên Quang trả hồ sơ, yêu cầu điều tra một số tình tiết trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, VKSND TP.Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can Lê Thị Thanh Xuân (SN 1975, trú tại thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) để chờ kết quả điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC.
Bị can Tuấn khẳng định mình đã bị dùng nhục hình
Bị can Tuấn khẳng định mình đã bị dùng nhục hình
Kiểm sát viên đã làm hết trách nhiệm?
Theo nội dung các quyết định trên thì hiện Cơ quan điều tra (CQĐT) VKSNDTC đang tiến hành điều tra xem có hay không việc bị can Nguyễn Văn Tuấn (SN 1968, trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng - bị quy kết là đồng phạm với bị can Xuân) trong quá trình bị giam giữ đã bị các điều tra viên (ĐTV), cán bộ điều tra của CQĐT Công an TP.Tuyên Quang bức cung, nhục hình. 
Đây cũng là một trong số những nội dung mà TAND TP.Tuyên Quang yêu cầu điều tra bổ sung nên VKSND TP.Tuyên Quang “tạm đình chỉ truy tố” để “bảo đảm việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật”.
Việc bị can Tuấn “tố” mình bị ép cung, dùng nhục hình không phải xuất hiện mới đây. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 (năm 2012), Tuấn đã trình bày nội dung này với Hội đồng xét xử (HĐXX), thậm chí lúc đó Tuấn còn vạch áo chỉ rõ nhiều vết sẹo trên cơ thể mình và cho biết đó là vết tích của việc bị ĐTV đánh đập, sử dụng dùi cui điện…Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho Tuấn đã đề nghị làm rõ lời khai này và cho biết 3 bị can bị giam cùng buồng với Tuấn đã xác nhận Tuấn bị thương tích sau mỗi lần lấy cung.
Lời khai và phát biểu trên có sự “giám sát” của kiểm sát viên (KSV) VKSND TP.Tuyên Quang thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, nhưng không hiểu sao hơn 3 năm sau, khi có yêu cầu điều tra bổ sung của tòa án thì VKSND TP.Tuyên Quang mới đề cập đến vấn đề nhục hình để “tạm đình chỉ vụ án”. 
Tại sao năm 2012, với trách nhiệm của mình, VKSND TP.Tuyên Quang không báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền để xác minh lời tố cáo của Tuấn? Thiếu sót này không chỉ làm cho việc giải quyết vụ án không được khách quan, toàn diện mà còn khiến vụ án bị kéo dài không đáng có?
Hé lộ nhiều vi phạm tố tụng
Trong khi VKSND TP.Tuyên Quang vẫn cho rằng Tuấn, Toàn đã dùng vũ lực để đi đòi nợ thuê cho Xuân thì tại phiên xử tháng 6/2015 vừa qua, HĐXX TAND TP.Tuyên Quang lại có nhận định: Chưa có chứng cứ xác đáng chứng tỏ khoản tiền của Xuân đã được chuyển cho con nợ khác; chưa có chứng cứ thể hiện các bị cáo thỏa thuận “đòi nợ thuê”; chưa rõ ý thức chiếm đoạt tiền của các bị can và số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu…
Đáng lưu ý, về thủ tục tố tụng, tòa đã trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ việc trong cùng khoảng thời gian, CQĐT đã lập biên bản với bị can Tuấn ở hai địa điểm khác nhau. Nội dung này sau đó được CQĐT Công an TP.Tuyên Quang lý giải trong Kết luận điều tra bổ sung là “các ĐTV sử dụng vật báo thời gian (đồng hồ treo tường, đồng hồ ở điện thoại) nên có thể có sự khác nhau về một khoảng thời gian nhất định”.
Tuy nhiên, khoảng thời gian “nhất định” này không được chỉ rõ là vài phút hay cả tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể việc dẫn giải Tuấn giữa hai địa điểm cũng mất một khoảng thời gian nhất định, vậy mà biên bản lấy lời khai vẫn trùng nhau về thời gian. 
Đặc biệt, sự vô lý này lại khá trùng hợp với lời khai của Tuấn về việc bị dùng nhục hình để phải nhận tội và ký vào bản cung. Phải chăng đã có việc Tuấn phải ký vào bản cung “khống” nên mới xảy ra chuyện cùng một thời điểm có mặt ở hai nơi để ĐTV hỏi cung như trên? 
Riêng về vấn đề có hay không việc CQĐT Công an TP.Tuyên Quang tạm giữ Xuân trái quy định từ ngày 18 đến ngày 21/04/2011 thì đã không thấy VKSND và CQĐT Công an TP.Tuyên Quang đề cập tới khi điều tra bổ sung. 
Ý kiến của một số luật sư cho rằng, nếu đúng là Xuân bị tạm giữ tại Công an TP.Tuyên Quang không đúng quy định (không có quyết định bắt hoặc tạm giữ) thì đồng nghĩa với việc CQĐT tiến hành khám xét, thu giữ vật chứng tại nơi ở của Xuân vào ngày 18/4 là thiếu căn cứ, sai quy định. 
Lời khai của Xuân trong thời gian bị giữ sai này cũng không phải là chứng cứ buộc tội bị cáo theo quy định. Chính vì vậy, ngoài việc Tuấn tố cáo bị dùng nhục hình thì CQĐT VKSNDTC cũng cần điều tra, xác minh về việc Xuân bị tạm giữ, việc Tuấn có bản cung trùng thời gian… thì mới đảm bảo giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện. 
Chủ nợ thành bị cáo: Theo cáo trạng, bị can Xuân đã cho bà Trần Kim Tuyên (trú tại TP.Tuyên Quang) vay hơn 2,9 tỷ đồng. Xuân đòi nợ nhiều lần mà bà Tuyên không trả nên đã nhờ Tuấn đòi nợ giúp. 
Ngày 18/4/2011, Tuấn rủ thêm Nguyễn Văn Toàn (em trai) và Hoàng Văn Quân đến nhà bà Tuyên đòi nợ, sau khi lời qua tiếng lại, giữa ông Khoa (chồng bà Tuyên) và nhóm Tuấn đã xảy ra xô xát. Khi thấy ông Khoa hô người nhà lên hỗ trợ thì nhóm Tuấn chạy ra ngoài. Riêng Tuấn chạy ra xe ô tô lấy khẩu súng đồ chơi (bật lửa ga hình khẩu súng) chỉ vào phía trong nhà hô: “Tao bắn chết mày”. 
Cho rằng Xuân đã thuê Tuấn, Toàn đi đòi nợ và tại nhà bà Tuyên, hai anh em Tuấn đã đe dọa buộc vợ chồng bà Tuyên phải trả nợ cho Xuân nên CQĐT và VKSND TP.Tuyên Quang đã khởi tố, truy tố cả 3 người về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Hiện nay, bị can Xuân đang kêu oan và cho rằng không có chuyện thỏa thuận hoặc đồng ý cho Tuấn sử dụng vũ lực để đòi nợ. Còn bị can Tuấn cũng cho rằng mình không hề dùng vũ lực để đòi nợ.

Đọc thêm