Nhiều dấu hỏi từ chiếc đĩa gắn "gói lạ"

Nhân dân Điện tử nói rằng, sẽ chuyển chiếc đĩa này đến các cơ quan chức năng kiểm tra, giám định và sớm có câu trả lời chính xác về gói “lạ” để đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho người dân. Nhưng sau chiếc đĩa này, cơ quan chức năng có cách nào để kiểm định hết những chiếc đĩa khác, rồi loạt sản phẩm nhập trôi nổi khác như ấm chén, gạch men…?.

Báo Nhân dân Điện tử mới nhận được một chiếc đĩa bị vỡ của bạn đọc gửi, lòng đĩa gắn chặt những gói “lạ” màu trắng. Hiện chưa rõ chất chứa bên trong hai gói “lạ” này.

 

Tờ báo tường thuật, chiếc đĩa do độc giả Nguyễn Thị Thơ, trú tại Xóm 4, Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội gửi. Bà Thơ cho biết, tối 8/4, trong khi mấy đứa trẻ nhà bà chơi với nhau đã vô tình làm rơi vỡ chiếc đĩa và bất ngờ phát hiện ra hai gói nhỏ dính vào giữa hai lớp đĩa.

Đây là loại đĩa sứ in hình hoa hồng, mặt sau chiếc đĩa có chữ “Made in China”. Những chiếc đĩa như thế này được sử dụng khá phổ biến trong nhiều hộ gia đình Việt Nam hiện nay, ở cả nông thôn và thành phố.

Hai gói “lạ” được phát lộ khi đĩa vỡ có hình chữ nhật, kích thước khoảng 1,5 × 2,5 cm, màu trắng, được bọc bằng thiếc, có một phần được dính băng màu vàng. Ngoài ra, cũng chưa biết liệu có còn những vật lạ nào dưới lớp đĩa chưa bị vỡ.

Câu chuyện và hình ảnh về chiếc “đĩa lạ” đăng tải trên tờ Nhân dân làm nhiều người lo lắng. Quá nhiều sự “lạ” liên tục nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua. “Tàu lạ”, “cá lạ”, “cỏ lạ”, “áo ngực lạ”, và giờ lại đến “đĩa lạ”… Lo lắng là vì, những sự “lạ” hết sức đáng ngờ đó, lại đương tìm cách ẩn mình trong những  đồ dùng, vật dụng rất đỗi quen thuộc của người dân.

Chiếc đĩa lạ trong hình trên Nhân dân Điện tử cho thấy rất cũ, chắc rằng gia chủ sử dụng đã lâu. Chất bột trắng đó có tác động gì lên thức ăn không, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người không?.

Trong một thời gian dài, nền sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Và cho đến nay, dù tình hình đã cải thiện được đáng kể, thì ở nhiều nơi, nhất là các địa phương vùng biên giới phía Bắc, hàng hóa tiêu dùng vẫn nhập tràn lan vì giá rẻ. Chất lượng thì gần như không được ai kiểm định.

Như PLVN cũng vừa đưa tin, trong khi cả nước đang phải căng mình đối phó với vấn nạn gà thải loại, nội tạng thối tuồn sang từ bên kia biên giới thì "thị trường thực phẩm trôi nổi" lại "ghi danh" thêm cá tầm. Món đặc sản chỉ bán trong nhà hàng nay bày bán ê hề ngoài chợ, với mức giá mà theo các chuyên gia và người nuôi cá trong nước, thì với quy trình nuôi đạt chuẩn “sẽ không bao giờ có”.

Trong vụ “đĩa lạ”, Nhân dân Điện tử nói rằng, sẽ chuyển chiếc đĩa này đến các cơ quan chức năng kiểm tra, giám định và sớm có câu trả lời chính xác về gói “lạ” để đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho người dân. Nhưng sau chiếc đĩa này, cơ quan chức năng có cách nào để kiểm định hết những chiếc đĩa khác, rồi loạt sản phẩm nhập trôi nổi khác như ấm chén, gạch men…?.

“Sống chung với lũ”, đó là cách người dân vẫn phải học để thích nghi với thực tại không mong muốn. Nhưng sống chung với những sự “lạ” như trên, e rằng nguy hiểm khó lường. Sự việc đã đến mức báo động và sức khỏe người dân cần được bảo vệ tốt hơn. 

Đức Huy

Đọc thêm