Nhiều đường dây lô, đề chục tỉ hoạt động trên internet bị sờ gáy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình trạng đánh bạc bằng hình thức lô, đề đã và đang là tệ nạn nhức nhối của xã hội hiện nay. Thời đại công nghệ thông tin phát triển, các đối tượng vi phạm pháp luật bằng cách sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để đánh lô, đề khiến tệ nạn này ngày càng khó kiểm soát…
Ước tính khoảng 90 tỉ đồng “chảy qua” đường dây ghi lô, đề của Đào Thị Hương.
Ước tính khoảng 90 tỉ đồng “chảy qua” đường dây ghi lô, đề của Đào Thị Hương.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Tệ nạn đánh lô, đề hiện nay tồn tại khắp mọi nơi, với quy mô rộng, số lượng người tổ chức, bán lô, đề và số người tham gia chơi lô, đề rất đông và đa dạng thành phần. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm này ngày càng tinh vi, để qua mắt lực lượng chức năng nên việc kiểm soát, tiến tới loại bỏ hoàn toàn tệ nạn này là việc không hề dễ dàng. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ các thiết bị số, mạng xã hội như hiện nay, việc đấu tranh với tệ nạn cờ bạc bằng hình thức lô, đề lại càng trở nên khó khăn.

Phải thấy rằng, cùng với sự phát triển của xã hội, tội phạm đánh bạc dưới hình thức ghi số lô, số đề cũng ẩn mình tồn tại dưới nhiều hình thức với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Theo đó, tài sản là phương tiện thanh toán việc được - thua trong lô, đề cũng có giá trị không ngừng tăng lên theo nhịp độ phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì vậy mà tệ nạn này ngày càng nhức nhối, thách thức chính cơ quan chức năng…

Trước tình hình tội phạm đánh lô, đề qua mạng xã hội ngày càng phổ biến và hoạt động dưới hình thức tinh vi, Cơ quan công an nhiều tỉnh thành trên cả nước đã vào cuộc và triệt phá không ít đường dây “đỏ đen” với quy mô hàng trăm tỉ đồng.

Điển hình như mới đây, trong Tháng 4/2022, Công an Nghệ An đã liên tiếp triệt xóa 3 đường dây đánh bạc lớn dưới hình thức ghi lô đề trực tuyến qua Zalo và Messenger (Facebook)… Số tiền giao dịch qua các đường dây này lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Cụ thể, ngày 18/4, Công an TP Vinh đã bắt 12 đối tượng trong đường dây đánh bạc do Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 1979, trú tại xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An) cầm đầu. Phía dưới Oanh là 11 đại lý chuyên gom bảng lô, đề rồi chuyển về cho Oanh vào cuối giờ mỗi ngày. Hình thức giao dịch của các đối tượng là hoàn toàn online qua các phần mềm như Zalo, Facebook, Viber. Bước đầu, cơ quan điều tra chứng minh được số tiền giao dịch mỗi ngày qua đường dây đánh bạc này là hơn 1,5 tỉ đồng.

Tang vật của một đường dây ghi lô, đề bị cơ quan chức năng triệt phá.Tang vật của một đường dây ghi lô, đề bị cơ quan chức năng triệt phá.

Ở một vụ án khác, vào đầu Tháng 4/2022, Công an huyện Diễn Châu cũng đã phá chuyên án, triệt xóa đường dây đánh bạc sử dụng công nghệ cao do đối tượng Đào Thị Hương (SN 1972, trú tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu) cầm đầu. Đường dây do Hương điều hành gồm 3 cấp đại lý, hoạt động có tổ chức và mang tính chuyên nghiệp. Hằng ngày, các đại lý nhận tin nhắn đánh bạc của người chơi rồi tổng hợp, chuyển thông tin qua tin nhắn điện thoại và mạng xã hội Zalo, Viber, Facebook cho Hương. Sau khi có kết quả xổ số miền Bắc, Hương sẽ tính toán tiền thắng thua cho các đại lý rồi thông báo qua tin nhắn điện thoại. Từ đầu năm đến nay, số tiền “chảy” qua đường dây của Hương là hơn 90 tỉ đồng.

Thực tế công tác đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, tệ nạn cờ bạc dưới hình thức lô, đề trái phép làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh xã hội, là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm khác như cướp, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người...

Theo thống kê từ lực lượng chức năng tại một số tỉnh thành, thấy được phần lớn các gia đình có người chơi lô, đề tình trạng kinh tế đều gặp khó khăn bởi phải vay nợ nhiều nơi để “nuôi mộng” làm giàu, với hi vọng đổi đời. Thực trạng trên khiến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen gia tăng, dẫn đến mất an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy, đấu tranh phòng chống, tiến tới đẩy lùi tội phạm đánh bạc, nhất là tội phạm đánh bạc dưới hình thức lô, đề ra khỏi đời sống xã hội đã và đang đặt ra những nhiệm vụ cấp bách cho toàn xã hội.

Xử lý thế nào đối với hình thức ghi lô, đề qua mạng xã hội?

Từ việc các đường dây đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề bị triệt phá, có thể thấy rõ đánh lô đề được coi là hình thức đánh bạc. Thế nhưng người chơi ghi lô, đề qua Zalo, Viber, Facebook… có bị coi là “đánh bạc qua mạng”?

Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán nêu rõ, “đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

Trong đó, mọi hành vi được thua bằng tiền hay hiện vật như chơi lô đề, xóc đĩa, tá lả, tú lơ khơ, ba cây… đều được coi là một hình thức đánh bạc. Đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối chiếu các quy định trên có thể thấy nhắn tin ghi lô đề qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… là “đánh bạc qua mạng”. Việc sử dụng mạng internet, phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến là một trong những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với Tội đánh bạc.

Theo Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 của TAND Tối cao về việc áp dụng điểm c, khoản 2, Điều 321 và điểm c, khoản 2, Điều 322 của Bộ luật Hình sự: “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 321 và điểm c, khoản 2, Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc)”.

Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, Zalo, Viber, Facebook.... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội”.

Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Việc xác định hành vi phạm tội đúng tính chất, mức độ giúp việc xét xử và đấu tranh phòng chống hiệu quả hơn. Theo đó, Công văn 196/TANDTC-PC của TAND Tối cao đã hướng dẫn đúng và chính xác về hành vi phạm tội.

Trên thực tế, việc nhắn tin qua điện thoại, qua email, Zalo, Viber, Facebook... chỉ thay đổi về hình thức từ trực tiếp sang gián tiếp trao đổi giữa người tổ chức đánh bạc và người đánh bạc. Việc khởi tố, xét xử đúng tính chất, hành vi phạm tội sẽ giúp công tác xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng và ngoài ra sẽ có tính giáo dục, cải tạo người phạm tội hiệu quả hơn để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Từ ngày 11 đến 15/4/2022, Công an TP Vinh đã phá chuyên án, bắt 15 đối tượng trong đường dây đánh bạc bằng ghi lô đề do Hồ Thị Hồng Hà (SN 1973, trú tại xóm Tân Hùng, xã Hưng Lộc, Vinh) cầm đầu.

Để che giấu cơ quan chức năng, Hà chỉ đạo “đàn em” triệt để sử dụng mạng internet để đánh bạc, thậm chí hướng dẫn, vận động, chèo kéo người chơi từ bỏ cách ghi lô, đề truyền thống, tham gia ghi lô, đề trực tuyến. Mỗi ngày, trung bình số tiền giao dịch qua đường dây của Hà là hơn 2 tỉ đồng.

Đọc thêm