Nhiều giải pháp 'gỡ khó' để phát triển sản phẩm Hợp tác xã sau dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, các Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã, tổ hợp tác sau đại dịch COVID-19, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất, vốn... cho người sử dụng lao động và người lao động.
Chủ tịch nước thăm một số mô hình hợp tác xã có sản phẩm sáng tạo cao tại Ninh Bình. Ảnh: Vũ Dũng
Chủ tịch nước thăm một số mô hình hợp tác xã có sản phẩm sáng tạo cao tại Ninh Bình. Ảnh: Vũ Dũng

Nghị quyết mở đường hỗ trợ hợp tác xã (HTX)

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Với vai trò là thành viên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng các Nghị định của Chính phủ số: 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021; các Nghị quyết của Chính phủ số: 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, 154/NQ-CP ngày 19/10/2020, 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, 68/NQ-CP ngày 06/5/2021, 105/NQ-CP ngày 09/09/2021, 126/NQ-CP ngày 08/10/2021, 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.

Trong đó, Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 được xem là nghị quyết mở đường để hỗ trợ khu vực kinh tế HTX phục hồi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Nhìn chung, các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Hiện nay, các giải pháp, nhiệm vụ đã và đang được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ được giao.

Ngoài ra, để khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19, nhiều chính sách đã được ban hành với các gói hỗ trợ lớn như: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng…

8 nội dung quan trọng hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh

Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã xác định mục tiêu, phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm….

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu nêu trên, một trong 5 nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra, đó là Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Việc hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bao gồm 8 nội dung:

Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí: Trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

Hỗ trợ lãi suất 0%/năm trong 2 năm 2022, 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuế mua....

Điều kiện hỗ trợ: Thuộc đối tượng thụ hưởng, đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận.

Nghiên cứu giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2012 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Rà soát, sửa đổi quy định tháo gỡ vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. cho doanh nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước người dân.

Các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời của Nhà nước và Bộ, ngành liên quan thực tế đã giúp các HTX không bị mai một trong nền kinh tế mở cửa, hiện đại mà hơn thế, còn giúp các HTX ngày càng nâng cao giá trị sản phẩm với tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ước tính đến thời điểm 31/12/2022, cả nước có 29.021 HTX, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp HTX. Các HTX thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn và 2,6 triệu lao động; tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/HTX; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/HTX.

Số lượng HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Điều đó cho thấy, mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp.

Nhiều sản phẩm là các mặt hàng về nông sản như: rau củ quả, thực phẩm, chăn nuôi... đã được các hợp tác xã cung ứng cho thị trường, cung cấp hàng thiết yếu phục vụ đời sống xã hội, đóng góp lớn cho cân đối hàng hóa, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, hiện nay việc phát triển các HTX gắn liền với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Các HTX chủ động, tích cực tham gia OCOP. Chương trình này giữ một vai trò “kép” hết sức quan trọng, vừa hỗ trợ quá trình chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị gia tăng quốc gia và đưa sản phẩm Việt Nam đến với các nước. Đồng thời, chương trình là một điểm “hội tụ văn hóa, lan tỏa giá trị”, tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa và con người địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị “Xúc tiến thương mại đa kênh và kết nối giao thương”, do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tổ chức tại TP HCM ngày 24/11/2022, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, Liên minh HTX Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa do hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất ra các tỉnh, thành lân cận; đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp, khu đô thị.

Điều này góp phần khẳng định chỗ đứng của hàng hóa Việt cũng như giúp các hợp tác xã khai thác tốt hơn thị trường nội địa, hỗ trợ hợp tác xã gắn sản xuất với thị trường.Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ làm việc với các đối tác, tiếp tục nâng cao năng lực, tăng cường tư vấn, huấn luyện để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các thành viên.

Liên minh cũng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm của hợp tác xã và doanh nghiệp thành viên, lấy thị trường làm định hướng nhằm từng bước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; tạo cơ hội cho hợp tác xã phục vụ phát triển sản xuất trong nước, quảng bá thương hiệu sản phẩm thế mạnh các vùng miền, tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.