Nhiều kết quả tích cực trong công tác hiện đại hóa, chuyển đổi số hải quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với mục tiêu lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, năm 2023 vừa qua, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; đồng thời, ban hành Đề án quản trị Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 3028/QĐ-TCHQ ngày 08/12/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Trong năm qua, ngành Hải quan luôn chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin. (Ảnh: PV)
Trong năm qua, ngành Hải quan luôn chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin. (Ảnh: PV)

Nhờ đó, công tác hiện đại hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan tiếp tục “gặt hái” được nhiều kết quả tích cực.

Đã kết nối 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành

Để thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, ngành Hải quan đã và đang tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện hải quan số; chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị hành chính nội ngành.

Về triển khai Xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số, trong những năm gần đây, Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) gặp nhiều sự cố ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của hệ thống. Đồng thời, với yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính về việc triển khai xây dựng hệ thống mới thay thế hệ thống VNACCS/VCIS. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và hoàn thiện “bài toán” yêu cầu nghiệp vụ thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh. Ngày 15/9/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan” tại Quyết định số 1957/QĐ-BTC. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai theo đúng quy định của pháp luật đầu tư công, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và quy định của Bộ Tài chính về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT.

Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong năm 2023, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 67 nghìn doanh nghiệp. Kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên để triển khai kết nối trao đổi Tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung. Chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Ngoài ra, ASEAN cũng đang trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; Triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN: Liên minh kinh tế Á, Âu, New Zealand, Hàn Quốc. Việc xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống CNTT phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung sẽ chuyển sang thực hiện theo Dự án Mở rộng Cổng thông tin một cửa Quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN (giai đoạn 3) nhằm tập trung và chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.

Về triển khai Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, Tổng cục Hải quan tiếp tục rà soát và hoàn thiện lại Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của ngành Hải quan; Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023; Phát động chương trình tháng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 để hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia và Ngày Chuyển đổi số Bộ Tài chính; Kiện toàn tổ chức và bộ máy hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số.

Về triển khai Đề án cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình cửa khẩu thông minh theo “Đề án triển khai thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh với Quảng Tây - Trung Quốc”. Đồng thời, báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ về chủ trương tăng cường hợp tác với Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) về Sáng kiến An ninh Container của Việt Nam nhằm rút ngắn thời gian thông quan các container xuất khẩu của Việt Nam tại các cảng biển Hoa Kỳ, góp phần tạo thuận lợi thương mại.

Trong hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan, toàn ngành đã tăng cường trang bị các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hàng hóa, đặc biệt đối trong việc phòng, chống buôn bán ma túy; xây dựng hệ thống barie điện tử, hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ và thiết kế, quy hoạch hệ thống barie điện tử tại các cửa khẩu, cảng biển... Sử dụng seal định vị điện tử để niêm phong, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan tại 35 Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, TP với tổng số lượt seal định vị điện tử sử dụng trong năm 2023 đạt gần 125 nghìn lượt.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số 3 nhiệm vụ trọng tâm

Cán bộ Hải quan làm nhiệm vụ với các máy móc hiện đại. (Ảnh: PV).

Cán bộ Hải quan làm nhiệm vụ với các máy móc hiện đại. (Ảnh: PV).

Năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số của ngành, đồng thời triển khai thực hiện các nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hướng tới mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh. Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở rà soát sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình thủ tục hải quan đáp ứng yêu cầu mô hình hải quan thông minh, số hóa các nghiệp vụ hải quan, ngành sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học trong Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tái thiết kế hệ thống CNTT tổng thể của ngành Hải quan, xây dựng các giải pháp CNTT hỗ trợ các yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo hướng quản lý điều hành tập trung tại cơ quan Hải quan.

Cụ thể, về xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số, trước mắt, từ nay đến năm 2025, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 1957/QĐ-BTC ngày 15/9/2023.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng một hệ thống CNTT mới có khả năng mở rộng và tích hợp với các hệ thống CNTT hiện tại và các hệ thống CNTT trong tương lai trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; hướng tới quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối trong quá trình thông quan; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, xây dựng Hải quan Việt Nam thành Hải quan số.

Để xây dựng hệ thống CNTT nêu trên, Tổng cục Hải quan đã huy động gần 200 cán bộ, công chức là chuyên gia thuộc các lĩnh vực trong toàn ngành để thực hiện rà soát, tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ, xây dựng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và các thủ tục cần thiết khác.

Đối với chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Đồng thời, triển khai Đề án xây dựng và phát triển hệ thống CNTT theo định hướng xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung thủ tục hành chính của các Bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thực hiện kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Hải quan với các Bộ, ngành; các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các Bộ, ngành; các đơn vị quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh; các bên có liên quan tham gia chuỗi dây chuyền cung ứng thương mại và cung cấp nền tảng cung cấp dịch vụ trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp trong dây chuyền cung ứng thương mại quốc tế và các dịch vụ khác như thanh toán, nộp lệ phí...

Cùng với đó là nâng cấp Hệ thống một cửa quốc gia và một cửa ASEAN đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi thông tin với hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới theo quy định tại các Hiệp định thương mại tự do và các Hiệp định mà Việt Nam ký kết theo đúng lộ trình, bao gồm Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc, New Zealand...

Về chuyển đổi số trong công tác quản lý nội ngành, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung xây dựng hệ thống CNTT quản lý nội bộ hiện đại, tự động hóa các hoạt động quản lý nội ngành, đồng bộ với việc triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, Hệ thống hỗ trợ công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, thực thi các thủ tục hành chính nội bộ theo phương thức quản lý văn phòng điện tử. Phát triển dữ liệu số hải quan tạo nền tảng cho triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước trong hệ thống chính trị của Việt Nam, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao... theo quy định của pháp luật để phát triển hệ sinh thái số và Hải quan số.

Đọc thêm