Nhiều mô hình gia đình thì cũng lắm nỗi lo?

(PLO) - Nếu như trước đây, ở Việt Nam chỉ thường thấy mô hình gia đình thông thường (có bố mẹ/cùng là người Việt/có hôn thú…) , thì ngày nay, mô hình gia đình Việt đã có nhiều biến đổi. Sự biến đổi này liệu có kéo theo nhiều nỗi lo hay tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường?
Điều tiên quyết của hạnh phúc là tình yêu thương giữa các thành viên trong một gia đình.

Mô hình gia đình Việt đã có nhiều biến đổi

Trong làng ca sĩ, có lẽ ca sĩ H.T là người chịu nhiều thị phi nhất khi cô quyết định làm mẹ đơn thân khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi sau đổ vỡ tình cảm với bạn trai. Khó khăn không kể xiết nhưng ca sĩ H.T đã cố gắng vượt qua tất cả để làm tốt vai trò của cả một người cha và một người mẹ với con, giúp con có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa.

Ở một câu chuyện khác, mặc dù Việt Nam chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính nhưng những gia đình hình thành từ sự kết hợp của hai người đồng tính thì đã có và đứa con của một trong hai người đã trở thành con chung, nghĩa là một đứa trẻ có hai bà mẹ hoặc hai ông bố. 

Nếu như trước đây, ở Việt Nam chỉ thường thấy mô hình gia đình thông thường (có bố mẹ/cùng là người Việt/có hôn thú…) , thì ngày nay, mô hình gia đình Việt đã có nhiều biến đổi. Có thể kể đến các mô hình gia đình như: gia đình truyền thống (gia đình 3 thế hệ trở lên cùng chung sống, tam tứ đại đồng đường); gia đình hạt nhân (bố mẹ và con cái); gia đình không có con; gia đình ly hôn (bố và mẹ mỗi người nuôi một hay vài con); gia đình đa huyết thống (gia đình có con riêng của chồng, của vợ và con chung); gia đình đa chủng tộc (bố hoặc mẹ là người nước ngoài); gia đình bố/mẹ đơn thân; gia đình đồng tính nam, đồng tính nữ…

Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) trong năm 2015 đã tiến hành khảo sát trên 1.500 người, kết quả cho thấy, có tới 49% tỷ lệ người được hỏi ủng hộ gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, 19% ủng hộ gia đình đồng tính.

Bên cạnh đó, một tỷ lệ khá cao người được hỏi có quan điểm trung lập với loại hình gia đình đơn thân do ly hôn (35,3%), đơn thân do không kết hôn (33,7%), sống chung không kết hôn (26,4%) hoặc gia đình không có con (32,1%)... Xu hướng người dân thành thị ủng hộ các loại hình gia đình phi truyền thống cao hơn so với nông thôn.

Nhiều mô hình gia đình thì cũng lắm nỗi lo?

Câu hỏi này đã được đặt ra tại hội thảo khoa học “Giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống gia đình đô thị hiện đại” do Trường Đại học Văn hóa TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp tổ chức mới đây. PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho rằng một trong những đặc điểm của gia đình truyền thống như tam tứ đại đồng đường đang dần chuyển sang kiểu gia đình hạt nhân chiếm khoảng 70% cơ số gia đình Việt.

Tình trạng ly hôn, bạo lực trong gia đình hạt nhân có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường. Theo khảo sát của iSEE, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với một số vấn đề như xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (27,5%), ngoại tình (16%), nợ quá khả năng chi trả (9,9%) và các vấn đề khác.

“Không ít giá trị văn hóa gia đình truyền thống đang có biểu hiện xuống cấp, mai một, nề nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam bị phá vỡ. Tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng đến mức báo động…” – theo ThS. Nguyễn Hùng Khu - Cục Công tác phía Nam Bộ VH-TT&DL. 

Những lo ngại này không phải không có lý bởi các mô hình gia đình phi truyền thống ít nhiều cũng phải đối mặt với những hệ lụy xấu. Đó là sự đề cao tự do cá nhân, coi trọng kinh tế, tâm lý chuộng hình thức, tính thực dụng… dẫn đến nhiều thay đổi đáng kể trong văn hóa ứng xử gia đình; quan hệ xã hội và gia đình bị đảo lộn.

Hay như ở mô hình gia đình đơn thân ẩn chứa nhiều hệ lụy xấu với con cái của ông bố, bà mẹ đơn thân. Bởi trẻ không nhận được sự giáo dục hoàn chỉnh dù bố hay mẹ đơn thân có tốt đến mấy. Người mẹ là người dạy cho con lòng nhân ái, tính nhân văn, yêu thương con người.Người bố là người định hướng, dạy con tính mạnh mẽ, độc lập trong cuộc sống.

Thiếu một trong hai người đứa bé không thể nào phát triển hoàn chỉnh. Các gia đình hình thành từ cặp đồng tính nam hoặc đồng tính nữ cũng gặp tình trạng tương tự. 

Bên cạnh đó  còn là sự kỳ thị của cộng đồng với những mô hình gia đình phi truyền thống. Theo TS. Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu Văn hóa, nhiều người Việt Nam cho đến nay vẫn duy trì quan niệm gia đình toàn vẹn, hạnh phúc là gia đình có đầy đủ cha mẹ, con cái. Chính quan niệm về sự toàn vẹn của gia đình như vậy đã khiến xã hội xuất hiện những định kiến về gia đình “phi truyền thống” là bất hạnh hoặc lệch lạc. 

Làm gì để hóa giải những nỗi lo, theo TS.Trần Anh Tuấn – quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thì cần chú trọng đến việc xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng.

TS Lê Thị Mỹ Hà - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, nên có khảo sát, đánh giá chuyên sâu về cấu trúc gia đình, thực trạng các mối quan hệ trong gia đình và sự biến đổi những giá trị văn hóa, vấn đề chăm sóc người cao tuổi, giáo dục con trẻ, vấn nạn bạo lực… trong gia đình hiện nay để có cơ sở trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần trong gia đình Việt Nam.

Điều tiên quyết để gia đình hạnh phúc

Cách đây không lâu, nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, một ngày hội gia đình với thông điệp “Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình” đã diễn ra. Ngày hội là một triển lãm sống với sự tham gia của các đại diện mô hình gia đình thú vị và ấn tượng. Không chỉ có gia đình một vợ một chồng, hai con một trai, một gái, mà còn là rất nhiều hình thức gia đình khác nhau như bố hoặc mẹ đơn thân, gia đình với đa dạng văn hoá (người dân tộc thiểu số, người nước ngoài...), gia đình ông bà cháu, gia đình người khuyết tật và gia đình của những người đồng tính... Điều có thể thấy ở ngày hội gia đình là không cứ gì gia đình truyền thống, mà ở các mô hình gia đình khác, điều tiên quyết của hạnh phúc là tình yêu thương giữa các thành viên trong một gia đình.

Đọc thêm