Ám ảnh ô nhiễm
Cụm từ “mương chết” ở Hà Nội hẳn đã không quá xa lạ. Gọi là “mương chết” bởi tình trạng ô nhiễm, xả rác kín bề mặt, làm nghẽn dòng chảy vẫn diễn ra phổ biến. Ngay trong khu vực nội thành, ở một số công trình “điểm” được thiết kế xây dựng để kỷ niệm dường như vẫn không thoát khỏi tình cảnh trên. Công trình xây dựng mang ý nghĩa kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô trên đường đường Mạc Thái Tổ là một ví dụ.
Theo ghi nhận, mặc dù rác thải ngập ngụa, nổi lềnh phềnh trên mặt nước đã được các lực lượng chức năng vào cuộc dọn dẹp nhưng con nước ở công trình kỷ niệm này vẫn đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chỉ tay ra khu vực ô nhiễm, một người dân bức xúc: “Tôi sống ở đây mấy chục năm nay rồi, tôi chứng kiến nhiều nhà dân đối diện người ta làm không có bể phốt rồi tương thẳng ra mương luôn. Ô nhiễm nặng, người lớn còn cảm thấy không thở nổi chứ nói gì đến trẻ con, nhất là các cháu mới sinh thì chắc chắn không chịu nổi. Đấy cậu cứ nhìn xem nước có phải là màu nước nữa không”.
Cùng chung “số phận” ô nhiễm là tuyến mương thoát nước Yên Hòa, đoạn mương 150m tại ngõ 279, đường Đội Cấn (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Tuyến mương này hiện cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Để hạn chế, nhiều nhà dân tại cụm dân cư số 9, tổ 22 phường Ngọc Hà lúc nào cũng trong tình trạng cửa đóng, then cài. Được biết, sở dĩ tuyến mương này trở nên ô nhiễm là bởi ngoài nhiệm vụ thoát nước vào mùa mưa, mương Đội Cấn còn gánh thêm một trọng trách khác là thoát nước thải, nước sinh hoạt và rác thải sinh hoạt cho người dân sống quanh khu vực. Sau nhiều năm, các chất thải không thể phân hủy, đông đặc lại, khiến nước mương lúc nào cũng đen kịt, đặc quánh vì ô nhiễm bởi đủ các loại rác thải.
Đó là với nội thành, ở ngoại thành, tình trạng mương ô nhiễm dường như cũng chẳng mấy được cải thiện. Mương Nông Tửu chảy qua địa phận xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) là ví dụ. Theo ghi nhận thực tế, mương nước này rộng khoảng 2m, kéo dài hàng km, chảy từ địa phận tỉnh Bắc Ninh ngược về xã Thụy Lâm của huyện Đông Anh. Vì nằm cuối dòng chảy nên nhiều năm nay mương đã trở thành nơi chứa rác thải, ngập ứ và bốc mùi hôi thối... ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Vẫn là “bài toán” khó
Trong khi tình trạng “mương chết” vẫn hiện hữu, công tác cải tạo cảnh quan môi trường cho những dòng mương bị ô nhiễm đã được triển khai song về lâu dài vẫn chưa khắc phục được triệt để. Nói các khác, tại nhiều nơi, dù chính quyền địa phương dù đã tích cực chấn chỉnh song để giải quyết tận gốc ô nhiễm thì vẫn là “bài toán” khó. Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Hữu Tửu - Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm cho biết: Tình trạng mương Nông Tửu ô nhiễm đã kéo dài suốt nhiều năm. Mương chảy dài từ khu vực Bắc Đuống (tỉnh Bắc Ninh) về Thụy Lâm là điểm cuối. Do nguồn chảy thông 3 huyện và 2 tỉnh nên rác từ đầu nguồn dồn về đây rất nhiều.
“UBND xã đã chủ động công tác khắc phục nhưng về lâu dài vẫn chưa triệt để. Chúng tôi đã thiết kế chắn rác, đồng thời huy động thanh niên tình nguyện và người dân hàng tháng ra quân tổng vệ sinh môi trường nhưng vẫn không ăn thua. Chỉ được một thời gian, rác thải lại từ đầu nguồn tràn vào lòng mương” - Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm chia sẻ.
Mương Nông Tửu, Yên Hòa và đoạn mương ở ngõ 279 Đội Cấn chỉ là số ít trong hàng chục thí dụ điển hình về tình trạng “mương chết” tại Hà Nội. Theo tìm hiểu, ngoài những nguyên nhân khách quan, việc “mương chết” còn xuất phát từ sự thiếu ý thức của người dân trong khu vực. Nói cách khác, do một số người dân dửng dưng với việc môi trường ô nhiễm xung quanh họ vứt rác bừa bãi, bạ đâu vứt đó vào mương chung. Không có lối thoát, tất cả rác thải tập trung lại sẽ trực tiếp gây ứ đọng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong khi còn chờ các ngành chức năng của thành phố đầu tư, xem xét, phê duyệt cải tạo cảnh quan môi trường cho những dòng mương bị ô nhiễm, để khắc phục tình trạng trên cơ bản vẫn phụ thuộc vào ý thức người dân. Thiết nghĩ, thời gian tới chính quyền sở tại cần chủ động khơi thông mương nước, dọn dẹp rêu rác. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân ý thức bảo vệ môi trường sống, tránh xả rác, nước thải bừa bãi ra lòng mương. Có như thế người dân sớm thoát khỏi tình trạng sống chung với ô nhiễm, góp phần cải thiện môi trường xanh - sạch - đẹp.