Nhiều người tự nguyện 'đóng tiền cách ly'

Được trải nghiệm những điều kiện trong khu cách ly sau khi từ nước ngoài trở về, nhiều người đã tự nguyện góp tiền, ủng hộ công tác chống dịch Covid-19 của chính phủ.

9h sáng 25/3, tại một khu cách ly ở Tứ Hiệp, Hà Nội, Đinh Quang Nghị - sinh viên Đại học Pace (Mỹ) vừa kết thúc ca học online. Trường đóng cửa vì Covid-19, cậu sinh viên về nước nhưng hàng ngày vẫn phải "lên lớp" theo múi giờ New York, từ 23h đến 8h sáng hôm sau.

Từ vùng dịch về nên Nghị phải cách ly. Cậu cho biết, ngày ba bữa được phục vụ cơm ăn, hai lần kiểm tra thân nhiệt, được xét nghiệm... tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Tại Mỹ, nơi Nghị theo học hơn một năm qua, một lần xét nghiệm có thể lên tới hàng nghìn đôla. "Việt Nam là đất nước đang phát triển. Để liên tục chăm sóc, xét nghiệm cho mọi người thì chắc chắn đang gây ra một áp lực kinh tế lớn với nhà nước", chàng trai học ngành kinh doanh và quản lý, cho hay.

Nghị chia sẻ suy nghĩ của mình với bố mẹ và được ủng hộ nên quyết định dùng toàn bộ số tiền 18 triệu đồng từ làm thêm và tiết kiệm của mình quyên góp cho công tác chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Quang Nghị trở về từ Mỹ và đang thực hiện lệnh cách ly tại Tứ Hiệp, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quang Nghị trở về từ Mỹ và đang cách ly tại Tứ Hiệp, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đinh Quang Nghị giành học bổng toàn phần của Pace University ở New York. Trong hai tuần đầu tháng 3, Covid-19 chuyển biến nhanh ở Mỹ nhưng cậu vẫn nhất quyết không về nước. "Nếu em đột xuất về mà trường vẫn hoạt động thì em vi phạm hợp đồng học sinh quốc tế và rất khó quay lại", Nghị nói về lý do níu chân mình.

Ngày 17/3, trường vẫn chưa ra được quyết định đóng cửa hay không. Nhưng thời điểm này châu Âu đã thành tâm điểm dịch mới và chính quyền Mỹ cũng không còn dửng dưng xem Covid-19 là "một loại cúm mùa thông thường" nữa. Các nước phong toả, những đường bay bị cắt. Cậu du học sinh quyết định mua vé về luôn. 

Không thích ngủ, nên trong khu cách ly Nghị có khá nhiều thời gian rảnh. Cậu rất muốn san sẻ bớt phần việc cho các cán bộ, chiến sĩ tại đây. "Song biết mình phải hạn chế đi lại nên em chỉ có thể dọn phòng ốc và rác để công việc của các cán bộ dễ dàng hơn", du học sinh 20 tuổi chia sẻ.

Từ Ấn Độ, du học sinh Nguyễn Thu Trang, 21 tuổi cũng kịp về nước trước khi những chuyến bay cuối cùng bị cắt. Ngay khi xuống sân bay, cô được đưa đến khu cách ly tại trường Cao đẳng công nghệ cao, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), đêm 21/3. "Vừa nhận phòng em đã thấy ở mỗi giường là đầy đủ nhu yếu phẩm sinh hoạt, thậm chí đến cả dép đi trong nhà, giấy trắng cũng có, đủ hiểu các cán bộ chu đáo đến mức nào", cô kể.

Thu Trang nhận được học bổng đại học Minerva Schools at KGI, trụ sở ở Mỹ và trong 4 năm học sinh có thể học ở 7 thành phố khác nhau trên thế giới. Học kỳ này cô học ở Ấn Độ.

Hai tháng qua, Trang dõi theo tình hình phòng dịch ở Việt Nam. Qua báo chí và bạn bè Trang biết những người đi cách ly hoặc nhiễm bệnh đều được nhà nước miễn phí toàn bộ. Song đến khi tự mình trải nghiệm, cô vẫn không khỏi "sửng sốt" vì được lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ và điều kiện sinh hoạt.

Chú bộ đội đang hát trong khu cách ly ở trường Cao đẳng công nghệ cao, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Jackie Trang.

Trang thích khoảnh khắc các chú bộ đội hát trong khu cách ly ở trường Cao đẳng công nghệ cao, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Jackie Trang.

Phòng của Trang có cả du học sinh và người xuất khẩu lao động về từ Malaysia, Thái Lan, Australia, Mỹ nên cô được nghe nhiều câu chuyện cuộc đời. Có người phải mua vé cao gấp 5 lần bình thường để được về nước. Một người ở Thái Lan chỉ kịp gom vài bộ quần áo để về.

"Chúng em đến đây với tâm lý được về nước là may mắn rồi, chứ không hề mong chờ được đối xử tốt như vậy nên ai cũng phấn khởi. Mọi người đều cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Một bác trong phòng em nói biết ơn vì được là công dân Việt Nam", Trang chia sẻ.

Từ năm 18 tuổi đã đi du học, chưa đóng được một đồng thuế nào cho đất nước, dịp này Trang đã đóng một khoản tiền từ những đồng dạy thêm của mình qua số tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ công tác chống dịch. Bảy người bạn của cô đang trong các khu cách ly ở khắp Hà Nội cũng tự nguyện "đóng tiền cách ly". 

"Không chống được dịch thì ít nhất cũng tự nuôi lấy mình để tránh gây gánh nặng cho người khác", Nguyễn Thu Trang nói.

Từ trước khi về nước, bạn bè đã dặn cô chia sẻ về việc cách ly ở Việt Nam. Những ngày qua Trang đều đặn đăng tải các hình ảnh, câu chuyện bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để lan tỏa cách chống dịch của Việt Nam đến bạn bè quốc tế của mình.

Không chỉ các du học sinh, nhiều người dân cũng tự nguyện "đóng tiền cách ly". Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, 59 tuổi được cách ly từ 27/2 đến 12/3 tại Trung đoàn 59, Xuân Mai. Vào cách ly được hai hôm, cô nảy ra ý định phải đóng góp một phần sức mình cho công tác chống dịch, vì thấy sự vất vả của những cán bộ, chiến sĩ phải nhường cơm, sẻ áo cho mình.

Cô kêu gọi các thành viên trong phòng cùng tham gia. Biết việc làm của cô Lan, nhiều người ở các phòng khác cũng tự nguyện đóng góp, tổng được 12 triệu đồng. Họ trao tặng cho trung đoàn. "Có những cháu du học sinh dồn hết tiền mua vé về, trong người còn có 20.000 đồng cũng đóng góp", cô Lan kể.

Nhóm của cô Lan tặng thơ và đóng góp một phần tiền cách ly cho Trung đoàn 59, Xuân Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhóm của cô Lan tặng thơ và đóng góp một phần tiền cách ly cho Trung đoàn 59, Xuân Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quê Hồng Bàng, Hải Phòng, cô Lan đi chăm cháu ở Busan, Hàn Quốc một năm qua. Giữa tháng 2, Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc khiến cô lo sợ nhiễm bệnh nên quyết định về nước. "Trước hôm về, tôi với bà hàng xóm bàn nhau xuống sân bay là xin đi cách ly. Nếu không được thì giả vờ ho để được vào trại. Chúng tôi lo chẳng may mình nhiễm bệnh lây ra cho gia đình, thôn, xóm", cô chia sẻ.

Đêm 26/2 biết tin tất cả công dân từ Hàn Quốc về sẽ phải cách ly, cô Lan sung sướng báo với người hàng xóm. 14 ngày cách ly với cô Lan là khoảng thời gian vui vẻ. Sáng sớm cô đã cùng những "đồng đội" của mình dậy thể dục, sau đó quét dọn khắp các phòng, hành lang cũng như khuôn viên doanh trại. Buổi chiều ngủ dậy là cô lại hò các cháu du học sinh cùng nhau cọ nhà tắm, vừa dọn dẹp vừa nghe nhạc. Trước ngày ra khỏi khu cách ly, cô dọn sạch chỗ của mình, để người đến sau có thể ở ngay, đỡ đần một phần công việc cho các chú bộ đội.

Hôm 17/3, Hoàng Minh Trang, 35 tuổi, TP HCM, viết trên trang cá nhân: "Chồng mình cách ly 14 ngày ở Củ Chi được nhà nước chăm sóc chu đáo. Mình xin gửi lại nhà nước tiền phí cách ly là một cách ủng hộ quỹ phòng chống dịch quốc gia".

Bài viết của Trang đã nhận được cả trăm bình luận vì một "hành động đẹp", không ít người ủng hộ theo. "Mình có khá nhiều khách hàng khá giả. Có những người đã chuyển 10 triệu, 30 triệu đồng khi đọc được chia sẻ của mình", Trang cho hay.

Chồng Trang là cơ trưởng chuyến bay có hành khách nhiễm nCoV hồi đầu tháng 3 và cả phi hành đoàn phải đi cách ly. Ngay khi biết có số tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trang đã chuyển 10 triệu đồng "phí cách ly" cho chồng.

Trước đó, chị cũng ủng hộ 100 bộ quần áo bảo hộ và 1.000 khẩu trang cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. "Chính phủ mình quá tuyệt vời, mọi người hãy cùng nhau chung tay góp mỗi người một ít để nhà nước có kinh phí chữa cho nhân dân", Minh Trang bày tỏ.

Hiện nay, người bị cách ly được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được cấp miễn phí nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt; được miễn phí di chuyển cách ly.

Tại Hà Nội, tất cả các trường hợp cách ly được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày từ nguồn ngân sách thành phố. Nhiều tỉnh thành khác cũng đang làm tương tự.

Đọc thêm