Nhiều "quý ông biến hình" sau đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong cơn đại dịch, nhiều ông chồng bị thất nghiệp, lòng tự trọng bị tổn thương, đức ông chồng cảm thấy mình trở nên “lép vế”. Vì thế, thay vì chia sẻ gánh nặng, người chồng trở nên cáu bẳn, trút giận lên vợ con...
Hình ảnh chỉ có tính minh họa.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa.

Đã 4 tháng nay, anh Lâm Văn B., ngụ quận Bình Thạnh (TP HCM) rơi vào cảnh thất nghiệp. Là nhân viên bán hàng cho một công ty chuyên kinh doanh thiết bị thanh toán, từ ngày TP HCM bùng phát dịch bệnh, giãn cách, anh được tạm nghỉ, ban đầu là nhận lương cơ bản, sau đó là lương hỗ trợ.

Trước đó, thu nhập của anh xấp xỉ 20 triệu/tháng, cộng thu nhập của vợ, gia đình cũng đủ sống ổn. Từ ngày ngưng việc, với thu nhập hỗ trợ 2 triệu đồng, số tiền chỉ đủ cho anh... tiêu vặt.

Vợ anh, chị Kim Ng. trước kia bán đồ ăn vặt, trà sữa online, túc tắc đủ tiền chợ. Mùa dịch, chị năng động chuyển đổi sang buôn bán chả giò, cá khô, thu nhập rủng rỉnh hơn. Thế là, từ vị trí trụ cột trong nhà, anh B. trở thành “hậu phương”. Trong lúc vợ túi bụi với buôn bán thì anh đảm trách việc nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm con cái.

Có nhiều gia đình, vị trí cũng “đảo ngược” tương tự, khi mà trụ cột về kinh tế bỗng dưng bị cắt thu nhập, mất việc. Lúc này, người phụ nữ, với bản tính chịu thương, chịu khó, không chịu ngồi yên mới bươn bả để làm kinh tế “vượt khó” mùa dịch, tìm được đường ra cho gia đình.

Có không ít người chồng thoải mái chấp nhận sự “đổi ngôi” trong thời điểm nhiều biến động về công việc do dịch bệnh, giãn cách. Các anh vui vẻ trở thành “hậu phương”, chăm lo việc nhà cửa, con cái hoặc làm “phụ tá” cho vợ trong việc soạn hàng, lên đơn, hay trở thành... shipper như anh B. trong câu chuyện nói trên.

Các anh hiểu rằng, việc vợ phải “lên ngôi”, trở thành trụ cột trong nhà là do bất đắc dĩ, vì cơm áo, gạo tiền. Và có một người vợ giỏi xoay xở, bươn chải để duy trì sinh kế cho cả nhà chính là một may mắn cần phải trân trọng.

Tuy nhiên, cũng có không ít câu chuyện buồn trong mùa dịch, khi mà người chồng vì ức chế, tự ti, mệt mỏi sau quãng thời gian phải ở nhà, đối diện với cảnh thất nghiệp, tương lai không rõ ràng. Lòng tự trọng bị tổn thương, đức ông chồng cảm thấy mình trở nên “lép vế”. Vì thế, thay vì chia sẻ gánh nặng, người chồng trở nên cáu bẳn, trút giận lên vợ con...

Ở chiều khác, cũng có những trường hợp, xuất phát từ sự thiếu tế nhị của người vợ khi buông lời đay nghiến, dằn vặt, tạo áp lực khi chồng bỗng dưng mất việc, thiếu hụt đi nguồn thu nhập trong nhà.

Dịch bệnh làm đảo ngược nhiều thứ, trong đó có vai trò của mỗi người trong gia đình. Trước tình huống này, những hành xử tiêu cực từ cả hai phía có thể khiến gia đình rạn nứt. Chỉ có sự thương yêu, thấu hiểu, cảm thông mới có thể giúp những cặp đôi vượt qua ngày bão tố, gìn giữ được mái ấm bình yên.

Đọc thêm