Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia ngay trong hệ thống pháp luật cũng còn định kiến giới.
|
“Công bằng mà không công bằng” – bức hý họa của tác giả Nguyễn Vũ Xuân Lan đạt Giải Nhất cuộc thi Vẽ hý họa về bình đẳng giới do Đại sứ quán Bỉ phối hợp với UN Women và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức. |
50% nạn nhân nữ im lặng
Có rất nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình đã và đang im lặng chịu đựng vì họ biết nếu có báo cáo sự việc hoặc sẽ trôi vào im lặng hoặc sẽ phải gánh chịu nhiều “đòn đau” hơn từ định kiến xã hội.
Chị Nguyễn Thị Hạnh ở Chương Mỹ, Hà Nội có chồng ngoại tình, vũ phu thường xuyên đánh đập, đuổi ra khỏi nhà trong suốt thời gian chung sống. Thậm chí, khi đã đuổi vợ con về nhà ngoại sống anh ta vẫn tìm đến tận nơi để rải “truyền đơn” hạ nhục vợ. Chị Hạnh làm đơn gửi đến chính quyền cầu cứu nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng vì họ cho rằng đó là chuyện nội bộ gia đình.
Câu chuyện của chị Hạnh cũng là hoàn cảnh của rất nhiều người phụ nữ khác. Thế nên mới có con số 50% nạn nhân nữ chưa bao giờ kể với ai về vụ bạo hành, 87% nạn nhân nữ chưa yêu cầu chính quyền hoặc các cơ chế chính thống hỗ trợ, chỉ 43% trường hợp bạo hành gia đình được trình báo với công an, 61% trường hợp bạo hành được trình báo chuyển thành hòa giải, 12% trường hợp trình báo dẫn tới một tội danh hình sự... theo một nghiên cứu về bạo hành gia đình.
Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng, hiện nay, khung pháp lý chính sách về phòng chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam khá đầy đủ so với các quốc gia khác, nhưng thực trạng bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới còn nhiều. Những báo cáo về con số vụ việc bạo lực chỉ phản ánh một phần của thực trạng ấy, như phần nổi của tảng băng chìm, bởi quan niệm của nhiều người dân vẫn coi vấn đề này là chuyện riêng tư, nên có nhiều địa phương không báo cáo.
Thực trạng bạo lực không được phản ánh đầy đủ nên nỗ lực của các cơ quan để giải quyết cũng chưa đầy đủ. Việc thực thi pháp luật còn nhiều khoảng trống, người hòa giải chưa nhận diện được vụ việc BLGĐ, thường nghĩ những trường hợp này là vấn đề đạo đức gia đình, pháp luật không nên can thiệp.
Thậm chí, nhận thức sai lệch về vấn đề ngầm ủng hộ quan điểm của người gây bạo lực khi cho rằng người phụ nữ, người vợ đáng bị đối xử như vậy. Nhận thức đó trong một số trường hợp dẫn đến thái độ thờ ơ, thiếu nhiệt tình, thiếu tâm lý, đôi khi còn soi mói, thiếu tôn trọng nạn nhân bị bạo lực.
Bên cạnh khía cạnh BLGĐ, phụ nữ Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều trở ngại trong tiếp cận công lý, đơn cử như vấn đề có tên trong sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Kết quả cuộc khảo sát do Liên minh Đất đai (Landa) thực hiện năm 2014 tại các tỉnh Hòa Bình và Ninh Thuận cho thấy, tỷ lệ sổ đỏ có tên phụ nữ rất thấp.
Ví dụ đến năm 2014, tại huyện Tân Lạc và Lạc Sơn của Hòa Bình chỉ có 0,8% và 10% số sổ đỏ có cả hai tên vợ và chồng. Theo kết quả khảo sát, có nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ là do người dân thiếu thông tin về vấn đề này, một phần do cơ quan chính quyền địa phương chưa thực hiện nghiêm túc về Luật Đất đai trong cấp sổ đỏ 2 tên...
Quy định pháp luật còn ảnh hưởng định kiến giới
Nghiên cứu của Văn phòng Liên Hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) cho thấy, thái độ khoan nhượng phổ biến của các nhân viên thực thi pháp luật, với quan niệm cho rằng BLGĐ là một vấn đề riêng tư, cần ưu tiên giữ gìn sự toàn vẹn của gia đình và phụ nữ không bao giờ có thể từ chối nhu cầu tình dục của chồng. Bởi vậy nhiều nạn nhân không hài lòng với kết quả làm việc của công an, cảnh sát (47%) và nghĩ rằng các biện pháp của họ không đủ nghiêm khắc (54%).
Trao đổi với báo chí, TS. Đào Lệ Thu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu so sánh luật công - Viện Luật so sánh, ĐH Luật Hà Nội đưa ra quan điểm rằng có một số quy định của pháp luật có thể xem xét như những minh chứng cho mối quan hệ tiêu cực giữa khuôn mẫu giới cổ hủ, định kiến giới với hệ thống pháp luật Việt Nam. Cụ thể, quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình còn một số nội dung gây tranh cãi từ góc độ bình đẳng giới. Đó là luật quy định về nguyên tắc việc giúp đỡ phụ nữ thực hiện chức năng cao quý của người mẹ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy là xuất phát từ tư tưởng cổ hủ coi việc nuôi con là của phụ nữ.
Hay Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới đều chưa đưa ra được định nghĩa về bạo lực trên cơ sở giới. Vì vậy chưa thật sự xác định được nội hàm của khái niệm và có thể dẫn tới việc hiểu và áp dụng luật theo hướng ủng hộ những khuôn mẫu giới hoặc định kiến giới. Ví dụ, để xác định hành vi của người chồng hoàn toàn không tham gia vào các công việc gia đình, không làm việc để có thu nhập về cho gia đình có phải là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới không chưa hề đơn giản. Hay, Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu không giống nhau giữa đối với nam và nữ.
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định việc không áp dụng án tử hình hoặc không thi hành án đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (Điều 35) nhưng lại không tính đến trường hợp đàn ông nuôi con dưới 36 tháng tuổi dường như gián tiếp mặc định nghĩa vụ chăm sóc con cái thuộc về phụ nữ. Hay, đối với quy định về các tội xâm hại tình dục, BLHS chưa thể hiện rõ vấn đề xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân.
Một số quy định khác của BLHS ít nhiều có thể xem vô tình ủng hộ hoặc chịu ảnh hưởng của tư tưởng khuôn mẫu cổ hủ về giới như không quy định cụ thể hành vi bạo lực kinh tế đối với các thành viên trong gia đình tại Điều 151. Trong khi giải thích về hành vi đối xử tàn ác hoặc hành hạ trong những tội này lại chưa rõ có bao gồm trường hợp cưỡng ép lao động quá sức để kiếm tiền, hoặc bị người chồng hoàn toàn kiểm soát thu nhập dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Quy định tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” nếu áp dụng trong bối cảnh các tội mang tính bạo lực đối với phụ nữ hoặc bạo lực gia đình lại mang ý nghĩa cảm thông với quan niệm cổ hủ hoặc định kiến giới...
Còn chịu ảnh hưởng từ khuôn mẫu giới cổ hủ
Qua những dẫn chứng trên có thể thấy định kiến giới có thể tìm thấy ngay trong các quy định pháp luật, các bộ luật, trong quy trình điều tra của các cơ quan pháp luật,... qua đó vô tình làm tăng thêm những mối nguy hại gây ra cho phụ nữ. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ mối quan hệ giữa quy định của pháp luật với những khuôn mẫu giới cổ hủ, định kiến giới làm ảnh hưởng theo những cách khác nhau tới khả năng tiếp cận hệ thống tư pháp.
Bất cập của mối quan hệ này tồn tại trên ba phương diện: Do quan niệm mang tính khuôn mẫu cổ hủ về giới mà quy định bất bình đẳng bỏ qua những nội dung cần thiết để bảo đảm cho bình đẳng giới trong việc tiếp cận hệ thống tư pháp; Do quy định không rõ ràng nên việc giải thích hoặc áp dụng vô hình trung cổ súy cho cách suy nghĩ cổ hủ, định kiến giới; Do quy định mang tính chất không khả thi hoặc rào cản khiến người dân vốn có sẵn tư tưởng cổ hủ, định kiến càng khó có cơ hội tiếp cận hệ thống tư pháp.