Nhiều trưởng thôn phải hầu tòa: Oan sai hay bất cập về chính sách?

(PLO) - Thời gian qua tại Hà Nội, các trưởng thôn là thành phần không thể thiếu trong Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Nhưng chính “chức vụ” này đã khiến không ít trưởng thôn phải kết thúc sự nghiệp trong lao tù.
Vì nể nang, nhiều trưởng thôn  ký bừa vào các giấy tờ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thân.
Vì nể nang, nhiều trưởng thôn ký bừa vào các giấy tờ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thân.
Trưởng thôn “gánh” tội vì nể nang  
Theo kết quả giải quyết một vụ án được xét xử cách đây không lâu của TAND TP.Hà Nội thì ông Nguyễn Xuân Quýnh, một trưởng thôn thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội bị kết án 3 năm tù cho hưởng án treo về tội “Giả mạo giấy tờ, tài liệu” khi ký các giấy tờ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người thân. Lý do khiến ông Quýnh phải ra tòa vì ký xác nhận mà không nắm được hồ sơ địa chính, không biết rõ về những biến động của thửa đất mà ông xác nhận. Hậu quả việc xác nhận của ông cũng khiến cho cả cán bộ địa chính cũng phải hầu tòa.
Ở một hoàn cảnh tương tự, Ngô Văn Hùng là Trưởng thôn Đìa, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh cũng bị VKSND huyện Đông Anh truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” khi đã ký xác nhận vào đơn xin cấp sổ đỏ của công dân, vốn là người thân quen. Theo cáo trạng của VKSND huyện Đông Anh thì vào năm 2013, một số công dân, cán bộ địa chính xã Nam Hồng và cán bộ huyện Đông Anh có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt đất công, mua bán kiếm lời. Do vậy, ông Ngô Văn Hùng đã bị truy tố cùng các công chức có liên quan đến việc cấp sổ đỏ trái pháp luật này.
Đối với ông Ngô Văn Hùng, do nể nang em họ là bà Khoắn khi được bà Khoắn nhờ xác nhận vào đơn xin cấp sổ đỏ. Ông Hùng không kiểm tra xác minh hiện trạng sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã ký “khống” vào các biên bản chưa có nội dung về nguồn gốc và hiện trạng sử dụng đất của các hồ sơ và giao lại cho bà Khoắn. Từ đó, bà Khoắn đã hoàn tất hồ sơ xin cấp sổ đỏ và được cấp có thẩm quyền cấp sổ. Dĩ nhiên, việc cấp sổ đỏ này sau đó được phát hiện là sai phạm và đã bị thu hồi. Những người liên quan đến việc làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ đã bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Chính sách bất cập hay truy tố sai?
Việc các vị trưởng thôn liên tục phải hầu tòa liên quan đến công tác lập hồ sơ xin cấp sổ đỏ đã khiến nhiều người quan ngại về việc đưa trưởng thôn tham gia Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
Tại Hà Nội, việc trưởng thôn tham gia Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo Quyết định số 117/2009/QĐ- UBND của UBND TP.Hà Nội. Việc đưa trưởng thôn, trưởng cụm dân cư, tổ trưởng dân phố tham gia Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được lý giải là nhằm đảm bảo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”.  
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp “sổ đỏ”, việc xác nhận vào đơn xin cấp sổ đỏ của công dân thuộc trách nhiệm của UBND xã và trách nhiệm xét duyệt đủ điều kiện cấp sổ đỏ thuộc về UBND xã và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Theo ông Lê Hồng Sơn (nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp), quy định như trên của UBND TP.Hà Nội mặc dù thể hiện được sự dân chủ song về quy trình cấp “sổ đỏ” đã được quy định chặt chẽ trong pháp luật đất đai, nên  quy định trưởng thôn tham gia vào Hội đồng cấp xã là không cần thiết, dễ gây nhầm lẫn cho các cơ quan thực thi pháp luật.Việc đưa trưởng thôn vào Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trở thành việc lợi bất cập hại, khiến nhiều trưởng thôn đang là người có công bỗng trở thành người có tội.
Về đường lối xử lý hình sự đối với các trưởng thôn trong các vụ vi phạm nêu trên cũng không được sự tán đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc truy tố ông Ngô Văn Hùng tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là không thỏa đáng, vì việc xác nhận của ông Ngô Văn Hùng trong đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công dân vốn dĩ không có vai trò gì. 
Hơn nữa, việc cấp sổ đỏ này do các cấp chính quyền và công chức nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra, xét duyệt, cấp và chịu trách nhiệm về kết quả cấp sổ đỏ chứ không phải là người ký xác nhận trong đơn từ, giấy tờ của người xin cấp sổ đỏ. Theo Luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn Luật sư (ĐLS) Hà Nội thì trưởng thôn không phải là cán bộ, công chức, không được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, do đó việc truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là không hợp lý. Hơn nữa, việc tin người quen nên “ký khống” của ông Hùng vốn không xuất phát từ công vụ, không phải là người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý đất đai. Do đó, về cả tình lẫn lý thì việc truy tố này đều phải cân nhắc kỹ.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Vân, ĐLS Hà Nội, do thôn, bản, tổ dân phố không phải là đơn vị hành chính, không phải là cơ quan chức năng của UBND các cấp và trưởng thôn không phải cán bộ công chức, không nhận lương từ ngân sách, không được phân công nhiệm vụ quản lý đất đai nên không chịu sự quản lý của UBND các cấp. Việc UBND TP.Hà Nội quy định trưởng thôn phải tham gia Hội đồng xét cấp “sổ đỏ” cấp xã và quy trách nhiệm cho trưởng thôn là không hợp lý. Chính sách này cần sớm thay đổi để tránh những bản án không đáng có cho những người “vác tù và hàng tổng” như những gì ông Ngô Văn Hùng và ông Nguyễn Xuân Quýnh đã gặp phải./.

Đọc thêm