Và đây cũng là một cách nhìn rất mới về hồi ức, ký ức, tài liệu lưu trữ về Việt Nam nói chung và về chiến tranh Việt Nam nói riêng.
“Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”
Đó là lời của nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm trong cuốn nhật ký của mình. Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ anh hùng được xuất bản cũng chính câu tựa “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình” bằng nhiều thứ tiếng đã trở thành thông điệp hòa bình của một người con gái Việt Nam thay mặt lớp người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” gửi tới toàn nhân loại.
Nhà báo Mỹ David Perlmut đã viết trên tờ Charlotte Observer: “Tôi muốn nói tất cả chúng ta đều là cư dân của hành tinh này và mọi người nên đọc cuốn nhật ký này để hiểu, để đánh giá đúng được hoàn cảnh mà cuốn nhật ký đã ra đời. Cho đến khi điều này được thấu hiểu, nhân loại mới có cơ hội chấm dứt tất cả cuộc chiến tranh trên địa cầu này...”.
Có thể nói cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trở thành truyện cổ tích của thời hiện đại khi cái thiện vẫn còn tồn tại song hành với cái ác. Nhiều thiếu nữ như Đặng Thùy Trâm với những khát vọng sống cao thượng tiếp tục bị đe dọa bởi chiến tranh, chết chóc.
Những lời giản dị được thốt lên từ trái tim trong sáng của Đặng Thùy Trâm giống như một lời nguyện cầu cho tình yêu, cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và sự hợp tác trong hòa bình...
Tháng 4/2007, Giáo sư, nhà sử học người Mỹ Larry Berman cho ra mắt độc giả cuốn sách viết về nhà tình báo Việt Nam Phạm Xuân Ẩn với tựa đề “Điệp viên hoàn hảo” (Perfect Spy). Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tác giả suốt 5 năm, trong đó khắc hoạ chân dung Phạm Xuân Ẩn - một nhà tình báo nổi tiếng.
Ngay sau khi phát hành, cuốn sách đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả trong và ngoài nước Mỹ, trong đó có độc giả Việt Nam. Bởi xuyên suốt trong cuốn sách là sự vĩ đại gắn liền với những chiến công to lớn và sự dung dị, gần gũi rất con người trong các mối quan hệ, suy nghĩ, cảm xúc của một nhà tình báo; là tính chất anh hùng, vinh quang đi liền với gian khổ, khó khăn, hy sinh âm thầm của nghề tình báo, những day dứt, thậm chí bi kịch của đời riêng không thể chia sẻ của con người tình báo.
Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ anh hùng đã trở thành thông điệp hòa bình của một người con gái Việt Nam. |
Giáo sư, nhà sử học người Mỹ Larry Berman đã từng nói nhiều về những lần phỏng vấn ông Ẩn: “Ông Ẩn nói với tôi, trong thâm tâm ông không muốn trở thành điệp viên, nhưng đất nước cần ông ấy làm điều đó và ông ấy làm. Nếu không có chiến tranh, ông ấy muốn làm nhà báo. Ông ấy cũng nói nhiều với tôi về việc đã được giúp đỡ trong thời gian học báo chí ở Mỹ. Bài học ông Ẩn học được là giữa con người với nhau, người Việt Nam và Mỹ có thể yêu nhau sau khi chiến tranh kết thúc. Dù rất lâu sau, điều đó mới có thể thành sự thật”…
Cách nhìn chiến tranh từ dưới lên
Qua hai câu chuyện trên có thể thấy, dù muốn dù không, luôn có một cách khác để nhìn lịch sử nói chung và chiến tranh nói riêng một cách nhìn từ những câu chuyện cá nhân của dân thường và binh lính, cái nhìn từ những câu chuyện bình dị của những người dân, những người lính bình thường - những người không nằm trong giới chính trị…
Và đó cũng là vấn đề mà nhiều chuyên gia từ các nước Mỹ, Nga, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan…, đặc biệt các chuyên gia từ hai trung tâm lưu trữ tư liệu về Việt Nam là Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Aix - Marseille (Pháp) và Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) tham dự cuộc hội thảo quốc tế “Hồi ức, ký ức, tài liệu lưu trữ về Việt Nam: Giá trị nhân văn nhìn từ nhiều phía” do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức vào trung tuần tháng 10/2019, quan tâm.
Quay lại với câu chuyện của ông Larry Berman, Đại học California (Mỹ), tác giả của cuốn “Điệp viên hoàn hảo”, gọi cách khai thác tư liệu Việt Nam theo cách nhìn từ những câu chuyện cá nhân của dân thường và binh lính là “cách nhìn chiến tranh từ dưới lên”, ông Larry chia sẻ nhiều câu chuyện cựu binh Mỹ: “Có những người lính Mỹ còn trẻ đến mức chưa đủ tuổi uống bia. Họ đến từ những thị trấn xa xôi, gia đình lao động. Nhiều người rõ là bị cưỡng bức tham chiến, bị bắt lính. Có người hiểu nếu không tình nguyện cũng sẽ bị bắt lính nên họ đăng ký vào hải quân để tránh trực tiếp tham chiến”.
Còn nhiếp ảnh gia Mỹ Ted Engelmann, vốn là cựu chiến binh, người đã chuyển cuốn nhật ký lại cho gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm cho biết: “Chúng tôi không thực sự muốn tham chiến. Chúng tôi cũng nhìn thấy những đứa trẻ chạy trong sợ hãi thời kỳ 1968 - 1969. Làm sao có thể sống bình thường trong hoàn cảnh chiến tranh!”.
PGS-TS Vũ Thị Phụng - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chọn nghiên cứu ký ức những người con liệt sĩ ở Thái Bình. Bà kể: “Họ nhớ lúc đói ăn, ngày mưa bão không có người đàn ông để chống chọi. Họ cũng nói về việc mình đã nỗ lực vươn lên như thế nào”. Bà Phụng cũng cho biết những người con liệt sĩ mà bà phỏng vấn ở Thái Bình đều không kêu ca trách móc số phận. Họ hiểu đó là hoàn cảnh đặc biệt của đất nước.
“Họ cho rằng có thể sử dụng ký ức của họ để giúp người trẻ hình dung, cũng như giảng dạy về lịch sử chiến tranh”, bà Phụng nói. Theo PGS-TS Vũ Thị Phụng, các hồi ức, ký ức, tài liệu lưu trữ về Việt Nam cho thấy những giá trị nhân văn như tinh thần dũng cảm, vượt trên đau thương, cũng như khát khao hàn gắn hướng tới hòa bình từ những câu chuyện cá nhân của dân thường và binh lính.
Chiến tranh Việt Nam không chỉ người Việt Nam nhắc đến mà người Mỹ cũng không bao giờ quên. Đã có những bộ phim về đề tài này như: Trung đội, Sinh ngày 4 tháng 7… Nhưng theo PGS. TS Justin Hart - Đại học Công nghệ Texas, Mỹ thì việc giảng dạy về chiến tranh Việt Nam qua các bộ phim Mỹ vẫn có những hạn chế trong việc hiểu biết thật sự về Việt Nam và người dân Việt Nam.
“Những phim này chủ yếu tập trung vào trải nghiệm của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ngay cả những phim chỉ trích Mỹ nổi tiếng như: Apocalype Now, Trung đội, Sinh ngày 4 tháng 7… cũng cho thấy người làm phim còn ít quan tâm đến quan điểm của người Việt Nam”, PGS. TS Justin Hart phân tích.
Với kinh nghiệm làm việc nhiều với bảo tàng Hàn Quốc về ký ức những người lính Hàn Quốc, cựu binh Mỹ Ted Engelmann cho rằng cần thiết lập bộ sưu tập và lưu trữ chuyên nghiệp ở Việt Nam để thu thập, gìn giữ cho thế hệ tương lai những tiếng nói cá nhân và tinh thần văn hóa Việt Nam đã trải qua chiến tranh với Mỹ…
Hãy một lần nhìn lịch sử như thế…
Tôi - người viết bài này may mắn sinh ra ở thế hệ không còn chiến tranh. Nhưng chiến tranh vẫn hiển hiện trong từng câu chuyện của đấng sinh thành. Ngày ấy khi xuống tàu tập kết ra Bắc, rất nhiều cán bộ miền Nam, trong đó có ba má tôi đã giơ hai ngón tay hẹn ngày trở về sau 2 năm nữa.
Nhưng sự phũ phàng của chiến tranh, thế cuộc, đã biến con số 2 ngắn ngủi đó thành những tháng ngày dài đằng đẵng của… 20 năm, với bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nhớ thương, bao nhiêu hoài niệm của những người con miền Nam trên đất Bắc và của những ông bố, bà mẹ miền Nam khóc chờ con đến mờ cả mắt.
Má tôi nhớ bà ngoại. Có những đêm đang ngủ bà thảng thốt ngồi dậy, bật lên tiếng gọi: “Má ơi!” để rồi nước mắt chảy dài trong phần thời gian còn lại chờ sáng. Ba tôi dồn nỗi nhớ thương quê hương bằng cách ngày ngày rủ rỉ với con mình những câu chuyện về xứ Quảng có dòng sông Thu Bồn hiền hòa chảy qua… Chiến tranh khốc liệt, nỗi nhớ thương của má đọng lại trong tôi là những món ăn mang hương vị Huế, của ba là những câu chuyện mang hồn Quảng Nam…
Và với tôi đó cũng là một cách để nhìn lại chiến tranh, một cách tiếp cận chiến tranh “theo cách nhìn từ dưới lên” như khái niệm của giáo sư, nhà sử học người Mỹ Larry Berman. Trong đó có tinh thần dũng cảm, vượt trên đau thương, cũng như khát khao hàn gắn hướng tới hòa bình của từng cá nhân bình dị nhất…, rất cần lưu giữ để những thế hệ sau không quên.
Hay nói như GS. Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) rằng: “Chúng ta dạy lịch sử rất bài bản và chính thống với quan điểm từ Nhà nước, từ Chính phủ. Nhưng một cuộc chiến tranh không chỉ có đường lối, mà thực hiện chiến tranh là những con người. Cuộc chiến tranh của chúng ta vĩ đại với mấy chục triệu người tham gia thì cần nhìn từ góc độ của họ. Chúng ta cần đẩy mạnh hướng nghiên cứu đó…”.