'Nhìn mặt bắt hình dong' hay mở rộng tấm lòng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Tranh cãi chung quanh câu chuyện từ thiện đã diễn ra ở thời điểm thường ngày và đến mùa dịch vẫn còn tiếp tục. Người ta băn khoăn, nên “từ thiện có chọn lọc” hay “cứ cho sẽ có người cần”.
Xin đừng đưa ra sự kỳ thị khi hành thiện kẻo làm tổn thương người khó khăn.
Xin đừng đưa ra sự kỳ thị khi hành thiện kẻo làm tổn thương người khó khăn.

Chọn người nghèo để trao giúp đỡ?

Mới đây, một nhóm từ thiện đã gây phẫn nộ cho nhiều người dân thành phố vì cách làm từ thiện “chửi”. Nhóm từ thiện này liên tục tổ chức phát cơm cho người nghèo, nhưng phát với thái độ chọn lọc và kì thị. Họ “lọc” bằng cảm quan cá nhân xem ai nghèo thật, ai “giả nghèo”. Người thừa cân bị xua đuổi vì “nghèo không thể béo như thế”. Người ăn mặc bụi bặm, có gương mặt ngầu cũng bị đuổi thẳng vì “bụi đời không được phát cơm”. Người đi xe tay ga, đeo vàng, ăn mặc chỉnh tề cũng bị xỉa xói, từ chối phát cơm, vì theo người phát, đó không phải người nghèo.

Hành vi gây bức xúc này thực ra không hề mới mẻ. Ngay trong thời điểm bình thường, chưa có dịch bệnh, nó đã là đề tài gây tranh cãi. Không ít người cho rằng, đã nghèo thì phải “cho ra nghèo”. Nghèo thì không nên ăn mặc se sua, chưng diện, không nên có trang sức trên người, sơn móng tay, móng chân, đi xe tay ga... Năm ngoái, ATM gạo, dù làm được rất nhiều việc hữu ích, giúp được rất nhiều người, vẫn bị nhận một số chỉ trích khi có một lần từ chối phát gạo cho người đến nhận, vì đó là thanh niên sức dài vai rộng, được chở đến bằng xe tay ga.

Tâm lý này, có lẽ cũng xuất phát từ nỗi lo lắng trao quà từ thiện cho nhầm người của nhiều tổ chức, cá nhân. Thực tế, đúng là có không ít trường hợp cá nhân lợi dụng những hoạt động phát quà từ thiện để trục lợi. Thời điểm hoạt động mạnh, những người quản lý ATM gạo đã phát hiện những băng nhóm chuyên tổ chức lấy gạo số lượng lớn đem đi bán. Những nhóm này có hàng chục thành viên, chở nhau hết điểm ATM gạo này đến điểm ATM gạo khác để thay phiên nhau nhận gạo. Thậm chí còn hóa trang, “thay hình, đổi dạng”, một người đến một điểm nhận gạo nhiều lần. Số gạo mà những nhóm thế này gom được cũng lên đến hàng trăm kí.

Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, người dân nghèo khổ, khó khăn ở khắp nơi như hiện nay cũng có không ít kẻ “giả nghèo” để trục lợi, gom góp tiền bạc, thực phẩm. Khi ứng dụng nhận diện gương mặt người nhận quà từ thiện được áp dụng ở một số điểm phát quà, người ta đã ghi nhận không ít trường hợp có những người nhận quà, thay đồ rồi đến nhận tiếp, nhiều lần trong một ngày. Dù bị máy phát hiện ra không ít lần nhưng vẫn nhẫn nại tiếp tục quay trở lại để lấy thực phẩm cứu trợ.

Còn rất nhiều người nghèo khổ, thiếu thốn vật chất, cần đến thực phẩm, nhu yếu phẩm để duy trì cuộc sống trong thời điểm hiện nay. Trong khi đó, những kẻ tâm bất thiện lại tham lam, trục lợi từ những phần quà từ thiện. Cứ mỗi một phần quà bọn họ lấy đi là bớt đi một người được cứu giúp, hỗ trợ trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này.

Nhưng, nói như thế không có nghĩa là hành động của những người làm “từ thiện chửi” kia là đúng. Bởi cho dù có tình trạng nói trên xảy ra, có nghi vấn thì việc xúc phạm đến người nhận quà hoàn toàn là việc làm sai trái. Nó thể hiện sự hẹp hòi, kỳ thị và lòng ngờ vực của những con người đang có những hành động đáng ra là thiện nguyện. Trao đi một phần cơm, buông ra một lời chửi rủa. Đặt hai thứ ấy lên bàn cân, phần cơm ấy có bù đắp được sự tổn thương gây ra cho người nghèo?

Huống hồ, trong số những con người ấy không phải ai cũng nghèo. Có những người không nghèo mà “khó”. Đó là cái khó khăn nhất thời của những người vốn trước kia từng có đời sống ổn định, đủ ăn, đủ mặc. Nhưng dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người có nhà, có cửa, có nghề nghiệp bị thất nghiệp, phá sản, thiếu miếng ăn hàng ngày.

Sáng suốt và mở lòng là cách tốt nhất để hoạt động thiện nguyện hiệu quả.

Sáng suốt và mở lòng là cách tốt nhất để hoạt động thiện nguyện hiệu quả.

Trong số họ có thể là người lao động thất nghiệp, có thể có chủ doanh nghiệp phá sản, có thể có cả sinh viên không kịp về quê, bị “kẹt” lại Sài Gòn. Không thể gọi họ là “người nghèo”, nhưng nếu hỏi họ có cần đến sự giúp đỡ của những người chung quanh không, họ có đáng được nhận những món quà “tiếp tế” hay không? Câu trả lời hẳn nhiên là có.

Mở rộng lòng, không làm con người tổn thương

Trên trang cá nhân của mình, một nhà văn có sức ảnh hưởng từng đưa ra một đề tài bàn luận “Người nghèo có được tươm tất hay không?”. Chị kể rằng, trong quá trình đi khắp thế giới, chị từng gặp nhiều cuộc tổ chức cứu trợ. Trong hàng dài những người xếp hàng nhận cứu trợ, có những người đến bằng ô tô, có những người mặc vest, tóc tai chải keo rất chỉnh tề. Có người còn trông khá sang trọng. Nhưng người phát vẫn cứ phát, không cần biết đến người nhận là như thế nào.

Nữ nhà văn từng phỏng vấn nhiều người vô gia cư sống ở lề đường một số nước Âu - Mỹ. Họ vẫn có những ngày diện vest, tóc tai chải gọn ghẽ, đến một nhà hàng bình dân để hưởng thụ bữa tối. Họ nói, dù cuộc sống khó nghèo nhưng ai cấm họ sạch sẽ, họ đẹp đẽ? Không ai được quyền bắt họ không được hưởng thụ cuộc sống trong tầm tay của mình. Và vì sao đã dán mác “người nghèo” thì buộc phải xấu xí, bẩn thỉu, rách rưới và nom khổ sở?

Tất nhiên, những câu chuyện ở Âu - Mỹ có thể không hợp lý hoàn toàn so với xã hội Việt Nam nhưng vấn đề cốt lõi mà chúng ta có thể ghi nhận ở đây, là bất cứ ai, dù người nghèo, nếu có thể, không ai muốn mình hèn, mình trông xấu xí và nhếch nhác trong mắt người khác.

Cái nghèo không phải lúc nào cũng đi cùng cái khổ. Và người nghèo, dù đi nhận quà từ thiện, nhận phát chẩn, vẫn không ít người muốn giữ cho mình hình ảnh đẹp đẽ, tươm tất, sáng láng.

Thời điểm này, trong lúc nhiều người vẫn lăn tăn với suy nghĩ “nghèo hay không nghèo” thì hàng trăm, hàng ngàn cá nhân, tổ chức đang xông pha vất vả trong những cuộc kêu gọi, tiếp nhận thực phẩm, vật phẩm, lên danh sách và gửi đến người dân khó khăn.

Hễ có nơi nào báo người dân đang bị phong tỏa, thiếu thốn là họ đến. Người dân dù ăn mặc tươm tất hay không, dù hình dung nghèo khó hay quý phái, sang trọng, một khi xếp vào hàng là vẫn có quà mang về.

Chị Nguyễn Mai Huyền, Trưởng phòng kế hoạch một công ty kinh doanh thực phẩm, là Trưởng nhóm từ thiện gồm các thành viên là đồng nghiệp với nhau, từ đầu giãn cách đến nay đã tổ chức được 5 đợt phát quà, huy động và phát tổng cộng hơn 2 tấn gạo, 100 thùng mì, 1 tấn rau cho công nhân các khu phong tỏa. Chị kể, có lần trong khu công nhân phong tỏa có một vài gia đình khá giả gần đó cũng ra xin gạo, xin rau nhưng nhóm của chị vẫn vui vẻ gửi các phần quà đến họ. Có người trong nhóm thắc mắc, nhưng chị và đồng đội gạt đi, bảo chỉ có vài phần quà, không nên so đo, phân biệt, như thế sẽ khiến người dân tổn thương. Sau đó, chị được người trong khu phố kể lại, hóa ra những hộ nhìn có vẻ khá giả ấy, gia đình có người là F0 đã đi điều trị, lại là trụ cột gia đình nên cả nhà toàn người già, trẻ em ở nhà, rơi vào khó khăn, không biết cách mua thực phẩm trên mạng, cũng không được ra ngoài đi chợ.

“Từ sự việc ấy cho tôi và cả nhóm thấy rằng, khi phát quà từ thiện không thể cứ “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Bỏ qua những trường hợp có yếu tố lừa đảo, trục lợi thì cần khẳng định rằng, người dân một khi đã xếp hàng mong muốn nhận quà từ thiện, nghĩa là họ đang khó khăn thật sự và cần giúp đỡ. Mọi sự dè bỉu, phân biệt hay từ chối chính là tàn nhẫn với họ, gieo một hạt mầm bất thiện vào việc thiện đang làm, khiến hoạt động từ thiện giảm đi ý nghĩa”, chị Huyền bộc bạch.

Hiện, để hạn chế trường hợp trao nhầm người, tạo điều kiện cho người trục lợi trên các hoạt động từ thiện, nhiều hội nhóm đã cải tiến cách thức cho và nhận. Như một nhóm đã cải tiến công nghệ nhận diện gương mặt để tránh tình trạng một người đến nhận quà nhiều lần trong ngày. Một số nhóm khác thì dùng lực lượng cộng tác viên tại chỗ để phản hồi thông tin, trao quà cho khu vực cần đến. Công tác khảo sát cũng được đẩy mạnh nhằm giúp những phần quà đến được đúng người cần.

Đó là cách nhiều người lựa chọn để hoạt động từ thiện trở nên hiệu quả và thiết thực hơn, thay vì lao vào tranh cãi nghèo hay không nghèo, giúp đúng hay không đúng, hoặc phân biệt kì thị, làm đau những người đang cần giúp đỡ.

Sáng suốt và mở lòng, chỉ có như thế mới giúp người một cách tốt nhất, giảm thiểu những tổn thương.

Đọc thêm