1. Họ lấy nhau từ tình yêu thời sinh viên đầy nắng. Chẳng biết nàng có thực lòng ngưỡng vọng chàng thật không, nhưng trong mắt nàng, chàng mãi là hình ảnh rạng ngời, dù đã bên nhau ngót 20 năm. Vì yêu, nàng tin rằng chồng nói không được cười với đàn ông khác là đúng, không ăn diện chỗ đông người, hết giờ phải về nhà, không đàn đúm bạn bè, không họp lớp…
Nàng hãy lùi lại phía sau để chồng luôn tiến về phía trước. Và chồng nàng đã có những bước tiến xa, cho đến khi chàng đi ngoại tỉnh! Thời gian đầu là những nồng ấm ào ạt có khi chàng ào về trong đêm chỉ để bên vợ, bên con! Nàng tin vào tình yêu ấy lắm, cũng như tin vào nhan sắc của mình (mặc dù không thể gọi là nhan sắc). Bởi nàng luôn tin nàng xinh đẹp như người đàn bà đẹp Julia Robert, nên bạn thân của nàng không biết với cuộc hôn nhân ấy, nàng có quá tô vẽ không…
Hay nàng cứ sống trong những lung linh ấy, mặc cho thời gian trôi đi, mặc cho nàng vò võ một mình, trong những nỗi niềm chẳng thể sẻ chia! Bởi mọi tình cảm đều kết thúc khi không còn có thể nói cùng nhau, không còn thấy ấm áp, không còn muốn nói gì nữa. Người ta cũng chẳng thể ảo vọng trong mây trong gió, rằng người đàn ông ấy đã yêu nàng ở tuổi 20, sẽ vĩnh viễn yêu nàng!...
Thực ra, có rất nhiều người phụ nữ như thế, cho dù người đàn ông đã từng làm đau họ cả trăm ngàn lần, họ vẫn chấp nhận và sống tiếp trong những niềm đau riêng. Và bên ngoài, họ vẫn luôn tô vẽ cho cuộc sống ấy mãi mãi là màu hồng…
|
Như bộ phim “Trói buộc yêu thương” đang phát sóng, là những trói buộc, sự sắp xếp của người mẹ quyền lực luôn cho là mình đúng lên các con. Hôn nhân, công việc đều một tay mẹ sắp đặt, bất chấp những cuộc tình ngọt ngào của các con. Và rồi, họ cũng đều có những cuộc hôn nhân nhìn bề ngoài thật đáng mơ ước. Những người đàn ông chỉn chu, tiến thủ, những người vợ xinh đẹp, cá tính… Nhưng dưới những mái nhà ấy, là sự nhạt nhẽo, là những yêu thương không dành cho nhau, khi mỗi người đều hướng về mối tình bị chia lìa của mình… Sự thực chỉ được nhìn rõ, khi những người thực sự hiểu họ xuất hiện…
Bi kịch của nhiều chị em bạn dì là ở đó, bởi họ luôn muốn gia đình lung linh như những ảo diệu trên facebook! Và họ cố, cố đến khi hết sức chịu đựng thì sẽ buông, hoặc sẽ tiếp tục một cuộc sống màu hồng với trăm chiêu thức chỉ cho nhau “giữ chồng”…
Trong khi đó, chỉ có bản thân từng người trong cuộc mới biết cuộc hôn nhân hay tình yêu của mình đang ở đâu! Và nếu là sự giày vò nhau tới mệt nhọc qua từng ngày tháng, sự cố gắng trở nên khiên cưỡng, thì sự “cố” hay sự buông đều sẽ là một cánh cửa khác mở ra.
Cuộc sống, không phải là con đường bằng phẳng và nhạt vị. Đó là tất cả mọi ấm lạnh của cuộc đời. Để mỗi người bước về phía trước bao dung và độ lượng. Nhưng không có nghĩa khi “buông” rồi ta sẽ “vá” lại những vết thương rách nát. Mọi vết thương đều có thể chữa lành, nhưng vết sẹo thì sẽ luôn còn đó, và thời gian không dễ thay đổi những “câu chuyện” đã qua…
2. Bởi thế, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ bày tỏ: Người ta không biết rằng, khi một mối quan hệ đã gắn bó tính bằng năm tháng, thì những tình cảm tự nhiên, những phản ứng tự nhiên thường quyết định tất cả. Không có sự gồng. Không có sự ép buộc nó phải khác. Nó như nhân duyên, hết thì tự ắt tan, còn thì tự ắt hợp.
Cuộc sống chung, người ta thường hiểu nhau mà chia sẻ, biết nhau mà cùng thay đổi, thấu nhau để mà thương cảm. Không chịu hiểu nhau hoặc hiểu nhau mà không chấp nhận nhau; không chịu biết nhau hoặc biết nhau quá không còn tôn trọng được nhau; không chịu thấu nhau hoặc thấu nhau quá thì đành vì nhau mà xa rời, thì bạn khuyên người ta vá víu lại làm gì?
Tình cảm chứ có phải cái áo đâu, cũ thì thay, rách thì vá? Cả một trời cảm xúc rồi thương yêu, hờn giận, thất vọng, ghét bỏ..., chỉ có người trong cuộc biết mình đang có gì. Chứ người ngoài cuộc thì biết gì mà cứ như biết lắm. Cuộc đời và cuộc sống cá nhân không ai có thể dùng chung công thức. Thương nhau thật sự thì cầm tay nhau khuyên nhau cố mà vượt qua; khuyên nhau hãy chọn cách tốt nhất mà yên bình, còn nữa, đừng khuyên vá, khuyên may gì sất!”…
|
Chỉ cần nàng nhìn sâu vào trái tim mình. |
Một cuộc hôn nhân ở bên nhau, chỉ có thể là quên, là độ lượng và tha thứ… Nhà văn Trang Hạ chia sẻ câu chuyện của mình: “Tôi quên tất cả những lời mắng nhau khi giận dữ, những lần dỗi hờn, mặt sưng mày sỉa, đi vắng quên không dặn mọi người đừng chờ cơm, bữa cỗ nấu thiếu món, đi chợ mua đồ bị tráo mớ tôm tươi thành tôm chết, để quên nồi trên bếp cháy quá lửa, những bữa cơm chờ mãi nguội ngắt…
Chồng tôi cuối cùng cũng phải quên những bữa vợ đãng trí, vợ nói dối chồng để quyết tâm đi du học Thạc sĩ bằng được, cũng phải quên những lời phàn nàn của họ hàng về tính khí thất thường và lãnh đạm của vợ… Quên cả những ngày dắt con đi học buổi sáng, hàng xóm ngồi xổm dọc đường trêu chọc là “làm chồng mà phải cho con đi ăn sáng, cho con đi học, không xứng mặt làm đàn ông!”
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc hay không, chỉ hai người biết! Nhưng cuộc hôn nhân đau khổ hay không, cả xã hội đều biết! Vì thế, nếu đám đông dễ dàng nhìn thấy những thứ tồi tệ, thì người phụ nữ càng phải giữ bằng được những thứ tốt đẹp mà cuộc sống của mình đang có! Tên của Quên là Tha Thứ! Ngày hôm nay, khi chúng tôi nhìn lại cuộc hôn nhân hai mươi mấy năm qua, tôi đã nghĩ như thế!
Bởi tôi yêu thương thực lòng, tôi sẵn sàng vào bếp mà không hề gượng gạo tính suy. Và bởi ông chồng cũng thực lòng, nên anh ấy tự thay đổi không cần ai hô hào! Từ chối những đám chơi khuya, trồng cho vợ một cây hoa hồng bạch bé xíu, ở bên khi vợ cần, dù tôi chỉ là một bà vợ đãng trí, đểnh đoảng, giận thường nói nhiều, đấy có phải sự thứ tha hay không? Chúng ta xứng đáng được nhận những thứ tốt đẹp từ cả hai! Tôi chỉ biết thế thôi!”...
Và như thế, cũng như thời gian cứ thế trôi qua, như những mùa thu đến và đi, những xao xác mùa về… Chỉ con người hôm nay là khác với hôm qua, còn bốn mùa vẫn vậy, thay lá và trút lá, đớn đau hay hạnh phúc, không ai khác, ngoài chính bạn biết được mà thôi…