Nhìn từ vụ xe Camry gây tai nạn: Thấy chết, ai phải cứu?

(PLO) - Sau vụ tai nạn thương tâm ở phố Ái Mộ, Hà Nội ngày 29/2, trên mạng rộ lên tranh cãi về chuyện “thấy chết không cứu”. Facebooker Phương Nguyên có một góc nhìn khá đặc biệt về câu chuyện này.
Chiếc Camry gây tai nạn.
Chiếc Camry gây tai nạn.

Được sự đồng ý của Facebooker Phương Nguyên, chúng tôi xin được dẫn lại bài viết trên trang cá nhân của chị:

Sau vụ tai nạn thương tâm ở phố Ái Mộ, Hà Nội ngày 29/2, trên mạng rộ lên tranh cãi về chuyện “thấy chết không cứu” và có ý kiến cho rằng vì không được cấp cứu kịp thời (bé bị để “nằm đường” 45 phút sau tai nạn) mà em bé 6 tuồi đã chết. Người lên án sự “vô cảm”, kẻ thì bảo không có kiến thức sơ cứu thì không được đụng đến nạn nhân...v.v. Chín người mười ý, ai cũng có cái lý của mình.

Người bị nạn cần được cấp cứu, nhưng ai cấp cứu và cấp cứu thế nào, đó là vấn đề.

Tôi nhớ, cách nay hơn 30 năm tôi có đọc một bài trên báo Tuổi Trẻ, bài của một bác sĩ mà giờ tôi không còn nhớ tên. 

Đại ý bài báo đó nói rằng người bị tai nạn giao thông thương tích thường rất phúc tạp và nguy hiểm. Việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng trong việc cứu chữa cho nạn nhân. 

Nếu không có kiến thức sơ cứu mà động đến bệnh nhân thì có thể làm cho thương tích thêm nặng, có nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng không thể phục hồi, thậm chí có thể gây chết! 

Và vị bác sĩ này đề nghị một giải pháp là lập ra các trạm sơ cứu để khi có tai nạn xảy ra thì bác sĩ ở trạm gần nhất có thể đến ngay để giúp đỡ nạn nhân, không để nạn nhân bị người không hiểu biết làm tình trạng thêm trầm trọng.

Cần nói thêm là thời đó tình trạng “vô cảm” không như bây giờ. Ai cũng sẵn sàng “thấy chết liền cứu”. Tôi đọc bài báo, bị ám ảnh rất nhiều về những người bị gánh chịu hậu quả từ việc sơ cứu không đúng cho nên trong lòng luôn in sâu ý nghĩ, “thấy chết mà thiếu kiến thức thì ĐỪNG cứu!”.

Tuy vậy, có nhiều người không hề biết về những điều mà bài báo nói trên đề cập. Dường như mọi người thường hành động theo cảm tính, theo lòng tốt, “thấy chết phải cứu”. 

Vào khoảng năm 2001, tôi chứng kiến một tai nạn xảy ra trước mắt. Một bà khách hàng của tôi, 60 tuổi, sau khi mua hàng từ tiệm tôi ra, bà vội băng qua đường quốc lộ để đón xe thì bị một chiếc honda chạy tốc độ cao tông trúng và bà bị văng xa 20m. 

Tôi chạy ra thấy bà nằm bất tỉnh máu chảy tùm lum, tuy tôi hoảng hốt nhưng vẫn nhớ “bài học” kia, định gọi cho bệnh viện huyện cách đó chỉ 1 km (lúc đó cả xóm chỉ có nhà tôi có điện thoại) thì mọi người xúm vào khiêng bà dậy, đón một chiếc xe lôi (xe này giờ đã bị cấm) đưa bà đi bệnh viện. 

Chính tôi là người đi theo bà đến bệnh viện huyện, theo xe cấp cứu của bệnh viện huyện đưa bà lên bệnh viện tỉnh và chứng kiến bà ra đi sau đó 2 tiếng, trong khi người thân của bà chưa kịp có mặt. 

Không nghe bác sĩ nói gì về việc sơ cứu tại hiện trường sai sót nên tôi cũng tạm yên lòng là không phải vì “khiêng đại” mà bà bị nặng hơn và chết.

Cách nay vài năm, cũng đọc trên báo thấy tin một người nước ngoài băng qua đường trên vạch đi bộ ở đường Sương Nguyệt Anh - Sài Gòn thì bị xe máy tông trúng. Anh này ngã xuống bị chấn thương cổ. Mọi người định đỡ anh ta dậy nhưng anh ta từ chối, nằm đó chờ bác sĩ cấp cứu đến!

Vậy vấn đề là ai phải sơ cứu cho người bị nạn? Rõ ràng là giải pháp của vị bác sĩ cách đây hơn 30 năm là rất hay. Vậy ai sẽ thực hiện việc đó? Chính là NHÀ NƯỚC vậy.

NHÀ NƯỚC, hay CHÍNH QUYỀN, hay cụ thể hơn là các QUAN CHỨC, các “CÔNG BỘC” của dân phải thấy đau nỗi đau của dân, phải tìm ra giải pháp và thực hiện được giải pháp đó để giảm bớt nỗi đau của người dân. 

Phải làm sao để người dân có chỗ bấu víu khi bị nạn. Người qua đường chỉ có bổn phận THẤY CHẾT PHẢI CỨU là báo cho cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm và có kỹ năng, chứ tự mình không được phép ra tay làm!

(Tôi thử đặt trường hợp người thân mình bị nạn nằm đó, kêu cấp cứu đến 45 phút sau mới tới, chắc tôi phải cầu cứu họa may với những người bạn làm bác sĩ quá, chứ tôi cũng không dám tự ý làm gì!

Bài viết không đề cập tới những trường hợp cụ thể, ngoại lệ)

Đọc thêm