Nhớ ánh đèn dầu của Tết xưa

(PLVN) - Biết đâu vào một ngày trong Tết, đèn điện vì lý do nào đó mà không tỏ…
Đèn dầu cổ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là khi những nhà truyền giáo Pháp đến, hồi cuối thế kỷ XIX.
Đèn dầu cổ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là khi những nhà truyền giáo Pháp đến, hồi cuối thế kỷ XIX.

Để từ trong bóng tối được nghe thấy giọng mẹ: “Tìm diêm châm đèn đi con!”. Và rồi sau những tiếng lẹt xẹt khe khẽ của đầu diêm đánh lửa vào thành bao cùng với mùi thơm hắc của lưu huỳnh, đốm sáng nhỏ bé bùng lên trong mắt những đứa trẻ con đang châu lại quanh chỗ để diêm, để đèn, phần vì sợ ma, phần vì thích cái trò thổi phụt que diêm vừa đốt lên để trêu ngươi người lớn. Sau vài lần đánh diêm vì những cái mồm bé xinh cứ chu mỏ lên thổi phù, tiếng mẹ gắt khẽ: “Thôi nào, để mẹ châm đèn rồi còn kiểm tra xem gà đã lên chuồng đủ chưa, trời tối quá rồi, không khéo lại lạc con nào thì khổ…”.

Ngay sau câu nói của mẹ, lửa từ đầu diêm bén vào bấc đèn và ánh sáng bập bùng tỏa ra khắp gian nhà nhỏ, đẩy lùi bóng tối nép vào sau khuôn cửa, góc bàn, góc giường. 

Ấy cũng là lúc trò vui của lũ trẻ con bắt đầu. Thoạt tiên là hình những con thú in lên tường. Này nhé, đây là con thỏ với hai cái tai dài vẫy vẫy, kia là con chó đang ngoạc mồm ra sủa gâu gâu, kia nữa là con rắn đang ngóc cái mang bành ra dọa mổ. 

“A em nhớ ra ra rồi, chiều nay ba vừa chẻ đóm, để em đi lấy” - thằng em có tiếng là nghịch láu và to gan nhất nhà thốt lên, rồi ba chân bốn cẳng chạy xuống bếp mò mẫm tìm bó đóm để cạnh cái bếp dầu. Có đóm, những ngọn lửa trở nên to hơn, soi tỏ mọi thứ trong nhà hơn và cả soi tỏ những khuôn mặt đang rất háo hức vì được nghịch lửa. “Đứa nào nghịch lửa đấy, muốn cháy nhà hả, roi sắp mang lên rồi đấy” - tiếng mẹ vọng vào từ ngoài vườn chỗ để chuồng gà khiến mấy chị em dập vội que đóm, vì biết mẹ chẳng nói đùa bao giờ...

Lớn lên tí nữa, những đứa trẻ ngày nào đã biết nấu cơm, băm bèo giúp mẹ. Lúc này, chiếc đèn dầu vẫn để ngay cạnh để lấy ánh sáng làm việc, nhưng trò vui ấu thơ không còn nữa. Làm cho xong còn quay vào nấu cơm, xào nấu thức ăn để chốc nữa bên mâm cơm đạm bạc, cả nhà lại quây quần ăn cơm bên ánh đèn dầu khi mờ khi tỏ. 

Ánh đèn dầu in bóng mẹ cặm cụi bới cơm lên vách tường, soi bóng tấm lưng của bố gắp từng đũa thức ăn cho đàn con. Ánh đèn dầu có lúc tí tách, nhảy nhót như hòa theo những câu chuyện, nụ cười ấm áp của cả gia đình, cũng có lúc ánh lửa như chùn xuống thu mình lại như không muốn phản chiếu dòng nước mắt lấp lánh trên gương mặt mẹ, mỗi khi bệnh của ông bà lại trở nặng mà nhà cạn tiền chưa có cách nào xoay kịp

Trong cái gọi là “ký ức đèn dầu” vui nhất với cả trẻ con, người lớn có lẽ là khi trong làng nhà ai đó có công việc. Đèn dầu được huy động của cả xóm để nhà có việc thắp lên cho đủ sáng từ bàn để quan khách họ hàng ngồi uống nước, ăn trầu, chỗ nấu cỗ, đun nước, hay cổng ngõ... Lâu lâu mới có được các buổi nhiều ánh sáng như vậy, nên bọn trẻ con thường tụ tập nô đùa, người lớn vừa làm, vừa nói chuyện râm ran. Tình làng nghĩa xóm như ấm áp hơn nhờ những ánh đèn dầu…

*

*        *

Nói về chuyện đèn dầu mà không nói về nguồn gốc cây đèn dầu Việt có lẽ là thiếu sót. Có rất nhiều tư liệu, nhưng phần chung đều cho rằng, đèn dầu cổ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là khi những nhà truyền giáo Pháp đến vào cuối thế kỷ XIX. Đèn gồm có một bầu đựng dầu làm bằng đồng và một sợi bấc. Đoạn dưới sợi bấc nhúng trong bầu để dẫn dầu, đoạn trên nhô lên khỏi bầu đèn để châm lửa thắp sáng. Ban đầu đèn dầu được dùng trang trí trong những nhà thờ Thiên chúa Giáo, ngoài ra chỉ những nhà chức sắc, giàu có mới được dùng. 

Ít năm sau đó, hãng dầu “Con sò” (Shell) của Hoa Kỳ mang dầu hỏa sang bán, đèn dầu mới phổ biến từ ngày ấy và cái tên đèn Hoa Kỳ cũng ra đời từ nguyên cớ đó. Từ đó, đèn dầu thay thế cho đèn đốt bằng dầu thực vật, nến sáp và gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và tâm linh của người Việt. Ngày rạng thì thôi, nhưng hễ đêm sập xuống hay tinh mơ, nhập nhoạng là nhà nào, nhà ấy chong đèn; việc làng, việc xã, sinh hoạt, học hành của con trẻ đều quanh ngọn đèn đó. Ngọn đèn dầu xua bóng tối trong nhà, nhọc nhằn reo vui bên bếp lửa bập bùng sớm hôm. Ngọn đèn trong những đêm tối trăng ra giếng làng gánh nước, ngọn đèn dầu lấp lánh thắp sáng những trang sách đêm khuya. Chiếc đèn dầu trên ban thờ với đốm lửa nhỏ như hạt đỗ như làm ấm thêm không gian sinh sống, thờ tự… 

 

Và cũng không biết từ bao giờ, ngọn đèn dầu gắn với hình ảnh của những người phụ nữ, của mẹ, của chị. Này là chiếc đèn chai nữ sư thầy Đàm Duyên trụ trì chùa Nam Ngạn (Thanh Hóa) tham gia dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sư thầy tuy không thuộc thành phần tham gia kháng chiến nhưng đã hai lần xung phong đi dân công gánh bộ, vận chuyển lương thực lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Để chuẩn bị cho chuyến đi, sư thầy đã tự làm chiếc đèn từ chai thủy tinh 0,65l để soi đường. Đèn chai được sư thầy buộc ở đầu đòn gánh, vượt qua hàng trăm km đường rừng, gánh hai bồ gạo nặng hơn 20kg để đưa gạo đến các chiến trường...

Này là chiếc đèn dầu tự chế từ vỏ đạn cối M79 của cô văn công Nguyễn Phương Liên thuộc Đoàn văn công giải phóng Tây Nguyên (B3) sử dụng để thắp sáng trong thời gian tham gia phục vụ tại chiến trường Tây Nguyên từ năm 1973 -1975. Chiếc đèn dầu xuất hiện trong triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” làm cho nhiều người rưng rưng xúc động, bởi cuộc sống và chiến đấu nơi tuyến lửa Trường Sơn được hiện lên đầy nữ tính nhưng không kém phần anh dũng, kiên cường. 

Này là chiếc đèn xuất hiện ở vị trí rất trang trọng tại Bảo tàng Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở đất lửa Quảng Nam. Cây đèn dầu đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và người gìn giữ trao lại cho bảo tàng là Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị. Mẹ Trị chính là con gái cả của mẹ Nguyễn Thị Thứ - bà mẹ có 9 con trai liệt sĩ và là nguyên mẫu của tượng Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam. Mẹ Trị đào 5 căn hầm bí mật trong vườn nhà để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích quân giải phóng miền Nam. Mẹ sử dụng cây đèn dầu để ra ám hiệu. Vào ban đêm, hễ nhìn vào bàn thờ trong nhà, thấy ngọn đèn được thắp sáng thì các anh có thể yên tâm hoạt động. Ngược lại, khi đèn không được chong lên, chính là lúc địch đang lùng sục. Ánh lửa đèn các mẹ thắp lên chờ con về, báo nguy báo an cho các con hoạt động đã đi vào thơ ca, nhạc họa: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/Từng câu chuyện ngày xưa/Mẹ về đứng dưới mưa/Che đàn con nằm ngủ/Canh từng bước chân thù/Mẹ ngồi dưới cơn mưa”.

*

*        *

Một cái Tết nữa lại về trong ánh điện lung linh, rực rỡ. Nhưng không vì thế mà những cái “Tết đèn dầu” năm xưa lại bị lãng quên trong ký ức của nhiều thế hệ. Thế nên, mới có chuyện kể về một bà mẹ Việt Nam anh hùng ra ở với con chốn thị thành điện đèn sáng trưng, nhưng lâu lâu mẹ lại bảo: “Tắt điện đi con, thắp ngọn đèn dầu trên bàn cho ấm cúng”. Mỗi lần vậy, biết là mẹ nhớ cha, nhớ các anh, các chị - con trai con gái mẹ đã ra đi mãi mãi không về vì Tổ quốc.

Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, ngọn đèn dầu đứng gác của muôn vàn những người mẹ như mẹ Thứ, mẹ Trị vẫn đã và đang được thắp lên để soi sáng cho thế hệ tương lai, để thêm nhiều niềm vui, hy vọng khi một mùa xuân mới lại về.

Đọc thêm