Còn gì ấm cúng bằng bữa cơm gia đình có đông đủ mọi người cùng quây quần bên nhau. Dù cho bữa ăn đạm bạc, thanh bần nhưng vẫn thấy ngon, không phải ngon vì món ăn mà ngon vì tình chồng vợ chan hòa và thấu hiểu lẫn nhau: “Râu tôm nấu với ruột bầu /Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”.
Thế nhưng trong nhịp sống tất bật hiện nay, không phải ai cũng có được những bữa cơm tròn đầy hạnh phúc như thế! Nhiều gia đình có con cái đi làm ăn xa, ít có thời gian gặp gỡ để quan tâm lẫn nhau khiến cho mâm cơm gia đình ngày càng tẻ lạnh.
Phổ biến nhất là trường hợp cả hai vợ chồng đều là công chức thì lại càng bận rộn hơn. Hôm nào vợ tranh thủ làm được món ngon để thết đãi chồng con thì chồng lại điện thoại về: “Em ăn với con đi, hôm nay anh ăn cơm khách”. Hôm khác thì “Mình ăn trước đi, anh bận họp cơ quan...”.
Lại có những cặp vợ chồng làm theo ca, ông bà ở nhà lo toan mọi thứ nhưng đến lúc cơm dọn lên bàn, không thiếu người này cũng vắng người kia khiến cho mâm cơm trở nên nhạt nhẽo vì thiếu vắng tiếng nói, tiếng cười.
Lại có những bà vợ khéo tay chọn các món ngon đem về công phu chế biến, bày biện thật tươm tất với hy vọng được nghe một vài tiếng “khen” của chồng con, dù là câu nói đãi bôi cũng mát lòng. Nhưng bữa ăn nào cũng thiếu vắng không chồng thì con, từ đó nhiều bà mẹ cảm thấy không còn hứng thú để vun đắp cho mâm cơm tròn đầy.
Ông bà mình có câu “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” nhằm đánh giá vai trò quan trọng của người phụ nữ đối với nội trợ. Nhà dù nghèo hay giàu mà có được bàn tay quán xuyến và giỏi về nghệ thuật nấu ăn của mẹ hay của chị cũng giúp cho bầu không khí trở nên ấm áp.
Ăn được món ăn bổ dưỡng của trời lại được chính bàn tay của người mình yêu thương nấu nướng thì còn gì hạnh phúc cho bằng vì chính nó đã làm sống dậy những tình cảm cao đẹp.
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết: “Trong nghệ thuật ăn uống có sự cộng cảm giữa con người với con người, con người với trời, đất, với tự nhiên...”.