Nhớ Dư, cậu lớp phó 'gàn dở' nhất mà tôi biết

Khi ngồi gõ những dòng này, Dư, bạn tôi đang được từ Yên Bái trở về Ninh Bình. Hơn 2 ngày qua, lũ chúng tôi, tim đều như thắt lại. Nước mắt không ngừng rơi.
Phóng viên Đinh Hữu Dư. Ảnh: FBNV
Phóng viên Đinh Hữu Dư. Ảnh: FBNV

Lớp chúng tôi, sau phút giây òa khóc nức nở vì thương xót cho người bạn xấu số bắt đầu thực hiện kế hoạch về Ninh Bình gặp Dư và cùng gia đình lo đám tang cho cậu ấy...

Hàng nghìn câu hỏi, trạng thái cảm xúc liên tục hiện ra trong group chat của lớp. Yên Bái những ngày này, thật sự là một từ khóa ám ảnh, kinh khủng với chúng tôi."Tại sao lại là Dư?”, “Tại sao lại gặp nạn thương tâm như thế?”, “Không thể tin được”, “Cầu mong có phép màu", “Lúc chúng mình chăn ấm đệm êm ở nhà, thì Dư nó đang lạnh lẽo ở chỗ nào đó, nghĩ tới thôi đã không thể chịu nổi”, “Trời lại tối rồi chúng mày ạ”, “Ngày hôm nay dài quá”, “Yên Bái sao rồi”...

Dư của chúng tôi. Cậu lớp phó học tập hiền lành nhất, tử tế nhất, hoài bão nhất, tự trọng nhất và cũng “gàn dở” nhất mà tôi từng biết.

Dư lúc nào cũng mang trong mình niềm tin rực rỡ, là nếu mình có năng lực, có tâm huyết và nhiệt thành, mình sẽ được ghi nhận, mình sẽ có thành quả, dù là khó khăn, là long đong, lận đận...

Bởi vậy mà ở lớp học cao học, những lần các anh chị rủ đến nhà thầy cô chơi, Dư đứng ngoài cuộc vui ấy. Dư cũng lầm lũi, thử thách ở biết bao cơ quan với mong muốn được nhận vào làm chính thức để cống hiến với nghề. Nhưng, lần nào thi cũng “bật bãi”, dù điểm số khá cao. Hồ sơ nào cũng bị trả lại, “vì không còn suất vào”...

Một người bạn trong lớp kể, lúc mới ra trường, khi mà cả lũ còn đang nhiều khó khăn, bạn bị mất xe máy. Dư lúc ấy, đã sẵn sàng đưa chiếc xe máy cà tàng - tài sản quý nhất của mình lúc bấy giờ cho bạn đi. Còn mình thì đi làm bằng xe buýt, trong suốt mấy tháng trời... Người bạn ấy, cho đến bây giờ vẫn luôn cảm thấy biết ơn Dư, vì sự giúp đỡ trong giai đoạn khó khăn của cuộc đời mình.

6 năm ra trường, khi lũ chúng tôi, đứa nào cũng đã có một công việc ổn định (dù đứa theo nghề báo, đứa chuyển nghề khác), thì Dư vẫn lầm lũi vật lộn như thế. Chỉ có điều, Dư hiếm khi kêu than. Gặp bạn bè, cậu lúc nào cũng cười, hiền hậu, ai hỏi cũng lạc quan, “à, tớ sắp ổn”. Duy nhất một lần Dư nói: “Nếu lần này không đỗ, chắc tớ sẽ rất vất vả...”.

Lần ấy, là Dư đi thi vào TTXVN - cuối năm 2016. Trong lớp, những người biết chuyện, ai cũng thầm mong lần này Dư sẽ đỗ, sẽ không long đong vất vả như trước nữa. Và, Dư đỗ thật, với điểm số, tất nhiên vẫn trong top cao của đợt thi ấy. Lũ chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. “Ổn rồi, ổn rồi, từ giờ chỉ phấn đấu nữa thôi”, vì biết, Dư đã vào được nơi cậu luôn ao ước...

lũ, lũ cuốn, lũ lụt ở Yên Bái, Đinh Hữu Dư
Ảnh: FBNV
 Dư đã sống cả đời vì chữ “Tâm”

Dư lên đường đến Yên Bái thường trú. Cậu vừa viết, vừa quay, vừa chụp, vừa dựng... làm tất cả các việc của một phóng viên thường trú với tinh thần nhiệt huyết, lăn xả hết mình, đúng với phương châm mà cậu đặt ra từ hồi ĐH: “Làm báo cần nhất phải có tâm”.

Phương châm mà lúc ấy, chúng tôi nghe, đứa thì bảo Dư sách vở, đứa nói “sáo rỗng”, nhưng giờ nhìn lại, mới thấm Dư đã sống cả đời vì chữ “Tâm” đó...

Một năm ở Yên Bái. Dư vừa làm báo, vừa mong ước mở được thật nhiều tủ sách cho trẻ em vùng cao. “Bọn trẻ nghèo lắm, chúng nó cần được đọc sách. Tớ ước có thể mở thật nhiều tủ sách cho bọn trẻ", Dư inbox. Và thế là, mỗi lần từ Hà Nội trở về Yên Bái, balo trên vai Dư lại nặng trĩu những cuốn sách đủ thể loại cậu xin từ bạn bè, anh chị..., mang lên cho bọn trẻ.

10 ngày trước, Dư nhận bằng khen của tỉnh Yên Bái vì có thành tích trong đợt mưa lũ tháng 8. Tôi inbox, “Chúc mừng cậu, nhưng vất vả quá”. “Ừ, tớ làm không phải vì bằng khen. Tớ làm vì người dân cậu ạ. Cậu cứ lên đây sẽ thấy, không bỏ được dân đâu...”. Đó là những dòng cuối cùng chúng tôi trò chuyện với nhau.

Hôm xảy ra tai nạn, tất cả đều bàng hoàng. Mọi người hỏi tôi “Bạn em có vợ con gì chưa?”. Tôi vừa khóc vừa gõ, “Bạn em chưa...".

Dư về với mọi người trong niềm xót xa, quặn thắt, đau đớn đến không thể nào thốt nên lời. Lũ con gái khóc như mưa. Bọn con trai thì cứng rắn hơn, bảo “Dư nó sống lạc quan, nó không muốn bọn mình sầu thảm tiễn nó đâu. Về với nó, mạnh mẽ lên nhé...”...

Dư sống lạc quan quá, tự trọng quá, đến nỗi cả chục năm làm bạn, chúng tôi chỉ biết gia đình Dư khó khăn. Không ngờ lại khó khăn đến như thế. Hóa ra, có lần Dư buồn buồn nói sau khi ăn cơm ở nhà Trang: “Tao thèm có không khí gia đình như nhà mày”, rồi im lặng. Vậy mà chúng tôi, vẫn ềnh ệch cười nói, rồi ềnh ệch bỏ qua, chẳng chịu hỏi bạn đến cùng...

Dư ơi, ở nơi xa rồi, bỏ hết những mệt mỏi, ưu phiền, buồn bã lại phía sau rồi. Từ giờ, chỉ luôn cười thôi nhé. Và dõi theo gia đình, dõi theo chúng tớ.

Tớ sẽ nghe theo lời khuyên của một người bạn lớn: “Người đó mất nhưng sẽ vẫn sống trong ký ức của những người còn lại. Khi em nhớ bạn ấy thì bạn ấy vẫn sống".

    Đọc thêm