Người suy tư hộ người khác, sống cho người khác
Nhà văn Tạ Duy Anh từng nói: “Nguyễn Trần Bạt là một con người lạ lùng! Trong con người ông luôn được thôi thúc bởi sức mạnh của tình yêu, của lòng vị tha, của những suy tư hộ người khác hay đặc biệt hơn là Nguyễn Trần Bạt đã sống cho người khác.”
Cái lạ trong suy ngẫm, lạ trong ứng xử, có lẽ nên giải thích bằng tình yêu. Ông đã quá yêu cuộc đời này và không muốn ai gặp phải những trắc trở trong sự nghiệp như bản thân mình đã trải qua. Ông đã có một cuộc đời trải qua các vai trò là bộ đội, nhà khoa học, luật sư, doanh nhân, nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, người chồng, người cha, người bạn, và người công dân có trách nhiệm với Tổ quốc Việt Nam.
Về Nguyễn Trần Bạt, có thể nhiều người đã được biết về những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Vào năm 1963, ông đã tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến năm 1973, ông tốt nghiệp kỹ sư xây dựng cầu đường trường Đại học Xây dựng và tiếp tục phục vụ quân đội cho đến năm 1975. Năm 1975 đến 1984, ông từng giữ quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải. Năm 1987, ông Nguyễn Trần Bạt khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Năm 1989, ông cùng với một số đồng nghiệp đã thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là InvestConsult Ltd). Đây là công ty đầu tiên ở Việt Nam làm nhiệm vụ kết nối đầu tư nước ngoài. Khách hàng là những nhà đầu tư đến Việt Nam được tư vấn một cách đầy đủ từ luật pháp, đến các quy trình thực hiện một dự án, các phương án gỡ rối cho doanh nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
Nhưng ở một góc nhìn giản dị hơn, Nguyễn Trần Bạt vốn chỉ là một người chồng yêu vợ, muốn hiểu và chia sẻ với người vợ làm biên tập viên tại báo Phụ nữ Việt Nam. Nguyễn Trần Bạt cũng là người yêu mến văn chương, ông đồng cảm với những giá trị văn học Cổ điển Pháp, văn học lãng mạn Nga, thơ Chế Lan Viên…mang những suy tư, triết lý về số phận con người. Đặc biệt khi ông từng trải qua nỗi đau mất mát quá lớn của người cha – không cứu được con gái mình bị mắc bệnh bạch cầu. Lúc ấy, muốn cứu sống con gái đang mắc bệnh hiểm nghèo, ông phải đưa con sang quốc đảo Singapore với chi phí chữa bệnh đến hàng ngàn đô la. Đó là một điều rất khó thực hiện với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX, khi cả nước đang khó khăn với những bao vây cấm vận kinh tế của các thế lực thù địch.
Có lẽ đó cũng là một tác động rất lớn để ông khởi nghiệp, dần dần từng bước giã từ công việc tại Bộ Khoa học Công nghệ. Nguyễn Trần Bạt trở thành doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực tư vấn chuyển giao công nghệ với các đối tác quốc tế và Việt Nam. Trong quá trình làm việc, ông đã tạo nên sự tin tưởng sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Để phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh trong các lĩnh vực tư vấn – đầu tư, Nguyễn Trần Bạt lại đi học tiếp đại học. Ông chọn học Luật bởi ông suy nghĩ rất thiết thực: “Muốn làm ăn lâu dài với các đối tác nước ngoài phải hiểu luật, luật trong nước, luật quốc tế, công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế cần phải tìm hiểu cặn kẽ”. Do vậy, Nguyễn Trần Bạt luôn cẩn thận với các hợp đồng chuyển giao công nghệ, thương mại quốc tế.
Tình yêu nhỏ nuôi dưỡng tình yêu lớn lao
Nguyễn Trần Bạt đã tiếp thu sâu sắc những mạch ngầm của tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đặc biệt trân trọng những giá trị thuộc về con người, thuộc về văn hóa, thuộc về văn hiến Việt Nam. Ông luôn suy tư đề cao công việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam trong tiến trình vận động không ngừng của văn hóa nhân loại.
Đọc lại từng câu, từng chữ trong tác phẩm: “Văn hóa và con người”, “Tình huống và giải pháp”, “Cội nguồn cảm hứng”, chúng ta như ngộ ra nhiều điều mà Nguyễn Trần Bạt đã kế thừa từ các bậc tiền nhân. Nguyễn Trần Bạt đã nhấn mạnh đến sức mạnh của tâm hồn lành mạnh, cảm hứng và sáng tạo, các giá trị của dân chủ và tự do. Do đó, ông đã nhấn mạnh trong cuốn sách “Cội nguồn cảm hứng” rằng: “Bản chất của sự phát triển và của nền văn hóa chính trị tiên tiến là bảo vệ các quyền dân chủ. Bản chất của nền dân chủ chính là bảo vệ các quyền tự do của con người”.
Ngọn lửa đam mê và khát vọng cống hiến luôn thôi thúc con người trí thức trong ông luôn trăn trở suy tư: “Làm gì, làm như thế nào để góp phần nhỏ bé của bản thân cho đất nước hùng cường?”.
Nguyễn Trần Bạt đặt niềm tin vào giới trẻ. Để truyền cảm hứng tích cực cho các bạn trẻ, ông luôn đối thoại chân thành, cầu thị, không bao giờ đặt mình là người “đứng trên” mà là người lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Trong bộ sách “Đối thoại với tương lai”, ông chỉ ra thế hệ trẻ cần học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, lập thân, lập nghiệp, tự mình tạo nên những giá trị.
Ông cũng tích cực đối thoại với bạn đọc trên tinh thần xây dựng với tác phẩm “Gạo và sạn”, mong muốn từng người dân nhận thức và thực hiện “thượng tôn pháp luật”: “Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hợp với quy luật của thời đại; là sự kế thừa và phát huy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn nước ta. Điều đó càng được khẳng định trong Hiến pháp 2013, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa XI, XII, XIII.”
Muốn làm tốt những mong muốn đó, cần phải làm tốt những điều sau: Cải cách thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp; Xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính; Phát triển bền vững từ mọi người lực; Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; Phát huy sự đồng thuận xã hội; Nghiên cứu quy luật của toàn cầu hóa để Việt Nam thích nghi và hội nhập sâu rộng; Tôn trọng doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt là cần phải đào tạo có hệ thống các chuyên gia pháp lý, các luật sư có trình độ ngang tầm quốc tế, am hiểu các “dòng họ pháp luật”, đủ ngoại ngữ để đối thoại, trao đổi, tranh luận những vấn đề pháp lý; góp phần tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, với hàng ngàn trang sách viết, hàng trăm cuộc trả lời phỏng vấn, Nguyễn Trần Bạt đã thể hiện một thái độ lao động nghiêm túc, một tinh thần thực sự cầu thị. Suy cho cùng, tình yêu Tổ quốc không phải cứ nói những điều to tát, vĩ đại, mà hoàn toàn xuất phát từ trái tim mỗi người Việt Nam, từ những tình yêu nhỏ bé nuôi dưỡng những tình yêu to lớn.
Từ tình yêu gia đình, làng xóm, đồng bào; tình yêu với lịch sử, văn hoá, màu cờ, sắc áo; đến sự đấu tranh cho những điều tốt đẹp, dám phản biện, loại bỏ cái xấu đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Ðối với học sinh, sinh viên, tình yêu Tổ quốc là thước đo của sự chuyên cần trong học tập, rèn luyện. Đối với công dân nông thôn hay thành thị, yêu Tổ quốc còn là hăng say lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng. Đối với công chức, viên chức, đó là tinh thần trách nhiệm, mẫn cán. Đối với lực lượng vũ trang, là dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, là tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” ...
Có thể thấy những điều này hội tụ trong con người của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt. Xuất phát từ những tình yêu nhỏ, phát triển thành những tình yêu lớn, rồi trở thành nguồn lực cho con người sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi cho cộng đồng, vì Tổ quốc, vì khát vọng một Việt Nam thịnh vượng.