Nhớ mùa gieo hạt

(PLVN) - Mẹ bảo, dù tỉnh mình chưa phát hiện có dịch nhưng bà con vẫn phải nâng cao cảnh giác và tinh thần ứng phó cao. Đồng thời, cũng phải tích cực sản xuất, thời điểm này bản mình đang bắt tay vào vụ gieo ngô rồi đấy, con nhớ không?  

Mẹ ơi, con nhớ lắm! Mỗi dịp cuối xuân, thời tiết Hà Nội đã có chút oi ả của mùa hạ nhưng ở vùng cao quê mình đất trời vẫn như bồng bềnh trong sương mù lạnh lẽo. Mùa này, đi khắp bản làng đâu đâu cũng phảng phất mùi khói đốt nương, thân thương đến nao lòng. 

Tháng Ba, tháng Tư là mùa đồng bào các dân tộc vùng cao rộn ràng làm nương gieo ngô xuân trên núi đá tai mèo với hy vọng thêm một năm no ấm.

Con nhớ lắm, ngay từ tinh mơ, khi trời đất vẫn chìm trong sương lạnh, nhưng trong gian nhà trình tường vách đất có những ô cửa bé xíu gợi nhớ câu thơ của Nguyễn Bính “thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau”, người mẹ đã lục tục trở dậy để nhóm bếp lửa. Nồi cơm nấu lẫn với mèn mén vừa chín tới thơm ngào ngạt quyện với vị canh rau cải nương vừa nồng vừa đắng, mấy miếng thịt lợn gác bếp để dành từ Tết đem nướng lại, mỡ cháy xèo xèo thơm khắp nhà khiến lũ trẻ phải hít hà, xuýt xoa.

Sau bữa sáng, cả nhà gánh gồng đùm đúm cùng nhau lên nương. Chiếc lù cở (còn gọi là quẩy tấu) trên vai các mẹ, các chị nặng trĩu đựng chai nước, ít bát đũa, mấy nắm cơm, cá khô, rau cải đắng luộc và lọ muối ớt; có khi trong quẩy tấu còn có cả một em bé đang ngủ, cặp má phúng phính đỏ au, cái miệng vẫn còn chóp chép. Từ khắp bản làng í ới, lao xao tiếng gọi nhau “mổng ua tề pao cứ” (dậy đi làm nương ngô lắm vớ, bản mình ơi).

Mới tang tảng sáng nhưng đoàn người đi làm nương mỗi lúc một đông. Ngoài đàn ông, đàn bà, thanh niên còn có cả những “mí nhùa” (trẻ em) được mẹ địu trên lưng cùng lên nương gieo mùa mới. Từ lâu, cứ tháng Ba, đồng bào Mông ở đây lại giúp nhau làm nương ngô cho kịp thời vụ và đỡ vất vả. Họ làm đổi công cho nhau, theo kiểu “cuốn chiếu”, xong nhà này thì đến nhà khác làm.

Mùa vàng (ảnh minh họa

Sinh ra trên vùng đá tai mèo khô hạn, từ xa xưa, đồng bào Mông ở vùng cao đã tích lũy cho mình kinh nghiệm trồng ngô độc đáo. Nương ở đây địa hình dốc quá, lại lởm chởm nhiều đá nên không thể cày, bừa được, mọi người phải dàn hàng ngang trên sườn núi, bổ hốc để gieo hạt ngô đỏ xuống. Đàn ông đi trước bổ hốc, phụ nữ theo sau, đeo ống đựng hạt ngô bên hông và giỏ đựng phân bón trước ngực, tay này tra xuống hai hạt ngô, tay kia bỏ một nắm phân bón, rồi lại có tốp đằng sau dùng cuốc phủ đất kín từng hốc.

Người ta cũng có thể bổ hốc trước hàng loạt, rồi mới gieo ngô và lấp đất luôn. Phân để bón cho ngô thường là phân trâu, phân lợn phơi khô, ủ mục, được sàng kỹ để loại bỏ rác, rồi trộn đều với phân lân. Riêng việc bổ hốc trồng ngô có không ít nhọc nhằn. Con vẫn nhớ, trời lạnh nhưng mồ hôi trên lưng các mẹ, các chị túa ra như tắm. Sự vất vả, nhọc nhằn vẫn không ngăn được rộn rã những tiếng cười, những câu chuyện lạc quan...

Nhìn cái cách đồng bào mình gieo hạt trên hốc núi, con càng thấm thía ý nghĩa câu ca dao: "Còn da: lông mọc, còn chồi: nảy cây!" Thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, bệnh dịch... cũng không ngăn được tinh thần lao động, ý chí và niềm tin của con người. Để rồi sau những khổ ải, nhọc nhằn đó, nương ngô vươn cao, trổ bắp đẫy hạt, cho một mùa vàng no ấm…

Đọc thêm