Khác với nhiều người thường nghĩ nhớ về quê khi đã xa quê, phải chịu cách trở về không gian; còn Bùi Diệp thì ngược lại: anh đau đáu với quê, viết về quê ngay khi đang sống ở quê. Quê anh chính là thành phố Phan Rang (Ninh Thuận), nơi “nắng gió và bao la cát”.
Trong tâm tưởng của Bùi Diệp, cát không bỏng rát, khắc nghiệt như vốn dĩ mọi người vẫn nghĩ về nơi đây. Mà với anh, cát là thực thể có dáng có hồn: “Cát nên thân nên hồn, cát giữ tình giữ nghĩa. Cát tiễn người đi, cát đón người về”. Cát cũng có tình có nghĩa: “Cát lặng lẽ, thâm trầm nhưng khí khái. Kẻ ở, người đi ai đã lớn khôn, hiển vinh nhờ cát, cát không hề kể ơn đòi nghĩa và cát luôn biết làm mới chính mình”. Bởi vậy mà người quê Bùi Diệp “yêu cát bởi cát là quê quán, bởi ở cát họ nhận ra nhân nghĩa lẽ đời”.
Cát là vậy, còn nắng thì sao? Lâu nay người ta vẫn mặc định “Gió như Phan, nắng như Rang” cùng những cái rụt đầu lẽ lưỡi khi nghe về cái nắng của Phan Rang. Bùi Diệp cho rằng, đó là một nỗi oan. Bởi cũng có lúc “nắng xứ Phan đang ngẫu hứng phô diễn vẻ diễm ảo như vừa tung tẩy vừa e ấp, một vẻ đẹp hàm tiếu của loài quỳnh mà mấy người yêu hoa đã chịu khó thức khuya để đón giờ hoa nở!”. Nhờ có thứ nắng ấy mới có những chùm nho đỏ mọng, không có những tép tỏi và những củ hành tây nức tiếng… Nắng và gió như vậy làm sao có thể không yêu!
“Về ngang quán không” gồm 51 bài viết được chia làm 3 phần: Gần lắm cố hương, Về ngang quán không và Về thương chim sẻ. Trải dài trong cả 3 phần là nỗi nhớ quê cùng những cảm xúc nhân sinh quan của tác giả về đời sống, về những mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên. Tình quê trong trang viết của Bùi Diệp luôn ăm ắp, sâu đậm, được khơi nguồn từ những điều bình dị và gần gũi: là nắng, gió, cát; là sông, khói, mùi bùn non… Tất cả hiện diện dẫu chỉ bằng hoài niệm nhưng vẫn nóng hổi nhờ một trái tim ấm áp. Thêm vào đó, với lối viết dung dị, không dụng công về câu chữ, nhờ vậy những bài viết của Bùi Diệp đã chạm đến trái tim người đọc.
Đọc “Về ngang quán không”, người đọc cũng dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của nhạc Trịnh lên ngòi bút của Bùi Diệp. Không chỉ là tên bài hát hay những câu hát được trích dẫn trong sách, tinh thần Trịnh Công Sơn đặc biệt ăn sâu trong con người, cảm xúc của Bùi Diệp.
Có lẽ vì anh được tiếp xúc với âm nhạc Trịnh Công Sơn từ nhỏ, thời điểm “mùa hè đỏ lửa 1972” diễn ra trên những con phố nhỏ của Phan Rang. Giữa những hoang tàn của thời loạn lạc, giữa tiếng đạn pháo thi thoảng nổ dồn từ bên kia sông Dinh, giọng hát Khánh Ly vẫn rộn ràng vang lên từ một quán cà phê gần đó, với những ca khúc phản chiến như Hát trên những xác người, Đại bác ru đêm… Và cậu bé Bùi Diệp khi đó đã nghe, đã chìm đắm với những câu ca Trịnh quằn quặn nỗi xót xa.
Nhạc Trịnh còn thẩm thấu trong Bùi Diệp những năm sau ngày đất nước thống nhất. Đó là những đêm tại Ký túc xá Đại học Tổng hợp, đồi Tăng Nhơn Phú - Thủ Đức, Ký túc xá Ngô Gia Tự - Sài Gòn… Những đêm ấy, nhạc Trịnh lại trỗi lên, mang đến bầu không khí hòa ái, giúp những tâm hồn thanh tân gần gũi, yêu thương nhau.
Để rồi sau này, trong bài viết được chọn làm tựa đề cho cuốn sách, Bùi Diệp trải lòng: “Những lúc hoang mang, chán chường nhất tôi lại gặp mình ở con phố Trịnh Công Sơn, một xứ sở âm nhạc với những thông điệp ngụ ngôn rằng mọi người ơi đừng bao giờ biến đời mình thành những quán không”...